1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Barcelona và sứ mệnh quật đổ người Anh

(Dân trí) - Champions League 2009 tái diễn một kịch bản tương tự như 2 năm trước: người Anh chiếm 3 đại diện tại bán kết. Liệu Barcelona sẽ hùng dũng lên ngôi Vua giống cách Milan từng làm năm 2007 hay lại thất bại nhưng chính họ mùa giải trước...

 

 “Xứ sương mù” đang biến Champions League thành sân chơi của riêng họ và nhiều người đã thầm nghĩ nếu Chelsea và Liverpool không phải đụng nhau ở tứ kết, có thể Premier League sẽ ôm trọn 4 suất tại bán kết. Nhưng sẽ thật sai lầm nếu người Anh chỉ mải tán tụng nhau bởi lẽ, Barcelona đang quyết tâm lập lại trật tự châu Âu hơn bao giờ hết.
 
 
Barcelona và sứ mệnh quật đổ người Anh - 1

Barcelona mơ ước lặp lại chiến tích năm 2006

 

CLB xứ Catalan đang khao khát lập được kỳ tích này nhằm xua đi thất bại mùa bóng năm ngoái. Hẳn các culé vẫn còn nhớ như in đội bóng thân yêu của mình bị MU loại một cách ê chề như thế nào dù trong cả 2 lượt trận, Barcelona mới là những người làm chủ cuộc chơi. Phút thăng hoa của Scholes tại Old Trafford chính là điểm sáng duy nhất mà MU làm được trước Blaugrana để tiến vào chung kết.

 

Nhưng Barcelona đã không còn mong manh như trước đây. Thế hệ “Dream Team 1” thời Van Gaal (1992) và “Dream Team 2” (2006) thời Rijkaard đã mang 2 chức vô địch Champions League về Nou Camp. Và các culé chờ đợi thế hệ “Dream Team 3” của Guardiola sẽ còn vang danh hơn nữa bởi Barcelona đang hướng đến “cú ăn ba” vĩ đại nhất trong lịch sử. Và trong 3 mặt trận đó, Champions League đang là mục tiêu quan trọng nhất nhưng cũng đầy chông gai nhất.

 

London dậy sóng đón chờ “kinh điển”

 

Để hiện thực hóa giấc mơ đẹp đẽ nhất, Barca phải bước qua ải Chelsea, đối thủ đầy duyên nợ của họ suốt 10 năm qua. Ở bất kỳ thời điểm nào, những cuộc chiến “kinh điển” giữa Barcelona và Chelsea luôn mang lại những cung bậc cảm xúc khó phai trong lòng người hâm mộ. Mùa giải 99-2000, dù thua 1-3 tại Stamford Bridge nhưng Barca dưới thời Van Gaal đã quật lại 5-1 tại Nou Camp nhờ sự thăng hoa của thế hệ Rivaldo, Figo hay Kluivert.
 
 
Barcelona và sứ mệnh quật đổ người Anh - 2

Thời Guardiola, Barcelona cũng hùng mạnh không kém

 

Đến mùa 04-05, Chelsea khi đó do Mourinho cầm quyền đã thua 1-2 ở Nou Camp trong thế trận mà “Người đặc biệt” đã bê hẳn một chiếc “xe bus” đặt trước cầu môn với tham vọng thủ hòa. Và khi trở lại Stamford Bridge, Mourinho đã giở mọi thủ đoạn (kể cả việc đổ cát lên sân) nhằm phá vỡ lối chơi của Barca. Và ông đã thành công khi thắng lại 4-2 ở lượt về dù ở trận đấu đó, Ronaldinho đã khiến cả thế giới phải thán phục với màn lắc mông ma thuật trước khi chích bóng vào góc xa tung lưới Petr Cech.

 

Nhưng cũng chỉ sau đó 1 năm, Rijkaard đã phục hận thành công khi Barcelona đánh bại “The Blues” 2-1 tại Stamford Bridge trước khi hai đội hòa lại 1-1 ở Nou Camp. Không chỉ đối đầu nhau trên sân, những màn “võ mồm” của Mourinho cũng là điểm nhất đáng chú ý tạo nên cao trào của trận “kinh điển” này. Hồi năm 2005, Mourinho đã tố trọng tài Anders Frisk vì “nghe theo” Rijkaard trong đường hầm cuối hiệp 1 và đuổi tiền đạo Drogba (trận đó Chelsea thua 1-2).
 
 
Barcelona và sứ mệnh quật đổ người Anh - 3
Mourinho luôn là một phần quan trọng của cuộc chiến Barca-Chelsea

 

Không chịu nổi thái độ dọa giết từ các CĐV Chelsea (nhờ sự kích động của Mourinho), trọng tài người Thụy Điển đã phải treo còi. Và chủ tịch FIFA Sepp Blatter khi đó đã gọi Mourinho là “kẻ thù của bóng đá”. Trái ngược với Mourinho kiêu căng và ngạo mạn, Rijkaard luôn điềm tĩnh và chuẩn xác mỗi khi đưa những nhận định của mình. Mỗi người theo một luồng tính cách trái ngược nhau nhưng tựu chung lại, cả Mourinho lẫn Rijkaard đều để lại không ít dấu ấn trong các cuộc so tài Chelsea-Barca.

 

Nay tuy cả hai đã ra đi nhưng không vì thế mà trận “kinh điển” này kém đi vẻ hấp dẫn. Chelsea đang được dẫn dắt bởi một “phù thủy” đại tài Guus Hiddink, bậc thầy về khả năng xoay chuyển thế trận. Trong khi đó, từ khi Pep Guardiola cầm quyền tại Nou Camp, cá tính mạnh mẽ và sự quyết đoán của ông đã biến Barcelona trở thành một “cỗ máy hủy diệt” đáng sợ nhất châu Âu mà thắng lợi chung cuộc 5-1 trước Bayern là một minh chứng hùng hồn nhất.

 

Có những màn đụng độ sẽ khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán (như khi nhóm “bộ tứ” ở nước Anh gặp nhau) nhưng cuộc chiến giữa Barcelona với Chelsea luôn mang lại vẻ đẹp đặc biệt cùng những cảm giác khác lạ. Nay khi vị thuyền trưởng của họ là những tín đồ của bóng đá tấn công như Hiddink và Pep Guardiola, vẻ đẹp đó sẽ còn cuốn hút và đầy xúc cảm hơn.
 
 
Barcelona và sứ mệnh quật đổ người Anh - 4

Chelsea đang sẵn sàng để đón tiếp Barcelona

 

“Version 2006”, “Version 2008” hay một kết cục khác?

 

Con đường đến sân Olympico ở Roma chỉ có hai ngả chờ đón hai vị khách xứng đáng nhất. Do đó, những màn quyết đấu tại Old Trafford, Emirates, Stamford Bridge và Nou Camp sẽ nóng bỏng hơn bao giờ hết bởi sau các trận kịch chiến đó, chỉ có hai tấm hộ chiếu thông hành sang thủ đô nước Ý.

 

Điểm đáng chú ý nhất là trong 4 đội bóng lọt vào bán kết năm nay, tất cả đều đã được chơi trận chung kết Champions League trong lịch sử của mình. Lần đầu tiên Arsenal tiến sát ngưỡng cửa thiên đường là khi họ đụng đầu Barcelona năm 2006 (và thua 1-2). Còn với Chelsea, trận chung kết duy nhất trong lịch sử chứa đầy vị cay đắng khi họ thua MU trên màn luân lưu mà chắc chắn, những giọt nước mắt của Terry mãi in sâu trong ký ức các CĐV “The Blues”.

 

Như vậy, việc tái lặp hai trận chung kết Barcelona-Arsenal (2006) hay MU-Chelsea (2008) là hoàn toàn có thể xảy ra (tỷ lệ 50%). Nhưng người hâm mộ lại mong đợi một kịch bản khác, giữa những tay mới Chelsea - Arsenal hoặc Barcelona - MU, hai đội đã sở hữu tổng cộng 5 chiếc Cúp C1 (MU 3, Barca 2) trong phòng truyền thống.
 
 
Barcelona và sứ mệnh quật đổ người Anh - 5

Liệu Barca và Arsenal sẽ tái ngộ nhau tại CK như năm 2006

 

Dù Version (Phiên bản) cũ lặp lại hay một kịch bản mới lạ hoàn toàn xảy ra, hai trận bán kết Champions League đều được đánh giá là những bữa tiệc bóng đá trong mơ của bóng đá thế giới. Giữa MU và Arsenal, đó là trận derby nóng bỏng và thù địch nhất xứ sương mù. Còn khi Barca đụng Chelsea, đó là duyên nợ, là sự pha trộn hoàn hảo giữa hai trường phái đối lập, là kết tinh đẹp đẽ nhất của bóng đá.

 

Barcelona không chỉ mang sứ mệnh giương cao ngọn cờ Tây Ban Nha trên lục địa già mà họ còn phải cứu rỗi cả châu Âu tránh khỏi sự thống trị của người Anh. Trừ Milan từng quật đổ 3 đội bóng Anh năm 2007 thì hầu hết các đội bóng khi dồn vào thế “1 chọi 3” luôn thất bại tại bán kết (Bayern với 3 CLB Tây Ban Nha 2000, Real Madrid với 3 CLB Ý năm 2003 hay chính Barcelona trước 3 CLB Anh năm 2008). Tiếp bước Milan hay đi vào vết xe đổ của Real, Bayern (và chính họ), câu trả lời sẽ có vào giữa tháng 5.

 

Anh Tuấn