Barcelona lâm nguy, Messi sẽ đi về đâu?
(Dân trí) - Barcelona có ổn không? Câu trả lời là không. Trước mùa giải mới, họ đang sống trong bộn bề những nỗi sợ hãi…
Messi đang thất nghiệp. Đừng lo lắng về điều đó. El Pulga vẫn sẽ ở lại Barcelona ở mùa giải tới. Vấn đề về tương lai của cầu thủ này rồi sẽ ổn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Barcelona sẽ làm thế nào để tình hình ổn?
Nếu như Messi tiếp tục gắn bó với Barcelona thì có nghĩa rằng CLB sẽ phải chất chồng một nỗi lo mới trên vai. Làm sao để cắt giảm chi phí, cân bằng sổ sách để có đủ tiền trả cho Messi (dù đã chấp nhận giảm 50% lương). Việc tìm ra ít nhất 100 triệu euro lúc này cũng là vấn đề lớn với Barcelona. Tìm mọi cách bán người? Nhưng rồi ai sẽ thi đấu bên cạnh Messi.
Thời điểm này một năm trước, Barcelona đã tìm mọi cách giữ chân Messi. Nhưng giờ đây, họ không còn quan tâm tới điều đó. Messi đã chấp nhận ở lại. Nhưng Los Blaugrana lấy tiền ở đâu để giữ chân cầu thủ này thì không ai nói.
Thông tin Messi chấp nhận ở lại Barcelona tới năm 39 tuổi và giảm 50% lương thực sự là "bom tấn". Khi ấy, mọi người đã tin vào lời hứa của Joan Laporta khi mới nhậm chức (giữ chân Messi). Thế nhưng, thương vụ này hoàn thành chưa? Câu trả lời là chưa. Hay nói đúng hơn là nó mới chỉ hoàn thành… trên mặt báo.
Tính tới thời điểm này, Messi đã là "người tự do" trong 21 ngày (kể từ ngày 1/7). Ngay cả khi Barcelona có đủ tiền ký với Messi vào ngày mai thì họ cũng không thể đăng ký cầu thủ này bởi quy định giới hạn về quỹ lương ở La Liga.
Các tân binh như Sergio Aguero, Eric García và Memphis Depay cũng vậy, dù cho họ đang khao khát khoác lên mình màu áo mới. Nhiều người đã chỉ trích Gini Wijnaldum bẻ kèo với Barcelona, để sang PSG nhưng rồi tới đây, người ta mới hiểu rằng một cầu thủ không dại gì bước lên một con tàu đang đắm.
Tin tốt với Barcelona là họ còn một tháng nữa để xoay sở nhưng tin xấu là họ còn quá nhiều việc phải làm. Trong đó, việc quan trọng nhất là giữ chân Messi. Chủ tịch Joan Laporta đã hàn gắn được "vết sẹo" trong lòng Messi sau khi cầu thủ này trải qua mối quan hệ không thể cứu vãn với cựu Chủ tịch Bartomeu.
Joan Laporta đã thành công khi thuyết phục Messi giảm lương từ 45 triệu euro/năm (sau thuế) xuống chỉ còn hơn 20 triệu euro/năm. Nhưng bây giờ, Barcelona không chỉ cần tiền để giữ chân Messi, mà còn cần cả những người sát cánh cùng cầu thủ này. Họ cần nhiều điều hơn nữa để níu chân cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử đội bóng.
Các cuộc đàm phán với Messi mất nhiều thời gian hơn dự kiến vì phải tìm ra công thức tài chính để có thể "sống sót". Hay nói cách khác, Barcelona buộc phải "bán máu" để có thể tồn tại ở thời điểm này. Nhiều cầu thủ lớn có thể sẽ phải rời khỏi Nou Camp trong làn sóng ấy.
Tổng số nợ của Barcelona ở thời điểm này vào khoảng 1,17 tỷ euro. Vào mùa Đông năm ngoái, họ đã phải "cắn răng" vay thêm 525 triệu euro từ Goldman Sachs để cơ cấu lại tài chính. Trong khi đó, các cầu thủ đã đồng ý để CLB chậm lương vào tháng 11.
Chủ tịch Joan Laporta thừa nhận rằng quỹ lương của Barcelona hiện chiếm tới 110% doanh thu của đội bóng. Ông chia sẻ: "Chúng tôi không tuân thủ các quy định về luật công bằng tài chính". Câu chuyện của Barcelona có thể hiểu đơn giản là, họ không còn đủ sức trả lương cho các cầu thủ (chưa kể những người mới).
Trong mùa giải 2019/20, giới hạn về quỹ lương của Barcelona là 671 triệu euro. Ở mùa giải trước, giới hạn này bị Ban tổ chức La Liga giảm xuống còn 347 triệu euro. Con số ở mùa giải này có thể rơi vào khoảng 200 triệu euro (đó cũng là giới hạn của Real Madrid). Đây là giới hạn mà Ban tổ chức tính toán dựa trên các khoản chi tiêu trước thuế của các CLB, để cho họ không phải lĩnh hậu quả tài chính.
"Chúng tôi sẽ không làm ngơ với bất kỳ trường hợp nào" - Chủ tịch La Liga, Javier Tebas đã nói. Ban tổ chức La Liga đương nhiên không muốn chứng kiến viễn cảnh Messi không thể thi đấu nhưng họ ưu tiên việc kiểm soát chặt chẽ tài chính. Đây là vấn đề không thể thương lượng bởi luật áp dụng cho mọi đội bóng.
Các cầu thủ như Messi, Aguero, Eric Garcia, Depay sẽ không được phép đăng ký cho tới khi Barcelona đảm bảo được giới hạn về quỹ lương. Thậm chí, ngay cả những cầu thủ trong đội hình hiện tại cũng có thể bị loại ra khỏi đội hình. Do đó, Barcelona còn một chặng đường rất dài để cân đối.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho Barcelona thiệt hại số tiền 350 triệu euro nhưng vấn đề của họ không hoàn toàn vì đại dịch. Họ luôn bội chi. Quỹ lương của CLB luôn chiếm ít nhất 70% doanh thu ngay cả thời điểm có "sức khỏe tốt nhất". Bên cạnh đó, Los Blaugrana đã vung ra số tiền cực lớn để mang về những tân binh. Phần nhiều trong số đó là thất bại. Điều này khiến cho CLB luôn rất dễ "bị tổn thương".
Ông Javier Tebas từng nhấn mạnh rằng cách vận hành của Barcelona là "không bình thường". Và khi khủng hoảng xảy ra, họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Barcelona có nhiều vấn đề về dài hạn khá nghiêm trọng nhưng vấn đề ngắn hạn cần được khắc phục trước. Nếu không giải quyết được vấn đề ngắn hạn, họ có nguy cơ càng chìm sâu trong bể nợ nần.
"Của ăn hôm nay nhưng là cơn đói của ngày mai", nó giống với tình cảnh của CLB. Barcelona ăn sạch những gì họ kiếm được thời thịnh vượng và rồi, đến một ngày, họ giống như kẻ chết đói, chỉ biết "giật gấu vá vai" để tồn tại.
Barcelona đang phải "co kéo" mọi thứ có thể để tồn tại. Họ đã bán Carles Alena cho Getafe với giá 5 triệu euro, Junior Firpo cho Leeds với giá 15 triệu euro, Jean-Clair Todibo cho Nice với giá 8,5 triệu euro, để Trincao tới Wolves theo hợp đồng cho mượn kèm theo điều khoản mua đứt trị giá 25 triệu euro và đồng thời giải phóng Matheus Fernandes và Juan Miranda.
Bên cạnh đó, Los Blaugrana đang phải đàm phán với các cầu thủ để giảm khoảng 40% lương. Gerard Pique, Marc Andre ter Stegen, Frenkie de Jong và Clement Lenglet được cho là đồng ý giảm lương. Còn những người khác vẫn đang lưỡng lự.
Giờ đây, Barcelona sẵn sàng "đặt lên kệ" bất kỳ món hàng nào họ có thể bán. Samuel Umtiti đã được rao bán. Miralem Pjanic cũng tương tự. Coutinho được xem là hàng tồn. Ousmane Dembele cũng không còn cửa ở lại nhưng lại đang dính chấn thương.
Nhưng việc bán những cầu thủ này không phải là chuyện đơn giản. Bởi lẽ, không nhiều CLB sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để rước các cầu thủ Barcelona. Đó chưa kể họ còn phải trả khoản lương khổng lồ cho họ. Có lẽ, Barcelona chỉ ước được rằng "xóa bỏ" mức lương của những cầu thủ này ra khỏi quỹ lương của CLB.
Antoine Griezmann cũng được xem là gánh nặng với khoản lương lên tới 20 triệu euro. Ngay cả khi không muốn loại Griezmann lúc này (bởi lấy đâu người ra sân) thì Barcelona cũng có thể "nhắm mắt cho qua", trừ khi phép màu xuất hiện. Việc bán đi ngôi sao người Pháp có thể giúp cho Barcelona giải bài toán tài chính dễ dàng hơn một chút. Đó là lý do vì sao Barcelona đang phải "chạy đôn chạy đáo" giải quyết tương lai của Griezmann, kể cả việc đổi lấy Saul hay Dybala (những người có mức lương mềm hơn).
Barcelona giờ đây giống như một kẻ hoảng loạn. Họ có thể bán tất cả những gì có thể, chỉ trừ Messi. Nhưng vấn đề ở thời điểm này, Messi đâu còn là người của Barcelona (chưa có tiền ký hợp đồng mới).