1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Barcelona bây giờ có còn “hơn một đội bóng”?

(Dân trí) - Những vụ bê bối tài chính, những bản hợp đồng sặc mùi tiền, Barcelona bây giờ có lẽ chẳng còn xứng là một đội bóng chứ đừng nói đến “hơn cả một đội bóng”, câu khẩu hiểu thể hiện giá trị cốt lõi của “gã khổng lồ xứ Catalonia”.

Năm 2006, cả thế giới hết lời ngợi ca Barcelona với hợp đồng tài trợ áo đấu đầu tiên trong lịch sử. “Gã khổng lồ xứ Catalonia” cuối cùng đã chấp nhận nhượng bộ. Sau hơn một thế kỷ không dính tì vết, chiếc áo đấu hai màu xanh đỏ đặc trưng của đội chủ sân Nou Camp đã xuất hiện tên nhà tài trợ.

BLĐ đã lái con thuyền Barca đi chệch hướng
BLĐ đã lái con thuyền Barca đi chệch hướng

Cái tên xuất hiện trên áo đấu Barca là Unicef, quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc chứ không phải là một hãng bia hay hãng cá cược nào hết. Hợp đồng tài trợ áo đấu này chỉ có trị giá 1 triệu bảng, thấp hơn nhiều lần so với số tiền những đội bóng lớn khác thu về nhờ tài trợ áo đấu. Vì vậy, sự xuất hiện của dòng chữ Unicef trên áo đấu Barca giống một hoạt động từ thiện hơn một hợp đồng kinh tế.

Song hành với những nghĩa cử cao đẹp ngoài sân cỏ, Barca thời điểm bấy giờ làm mê đắm hàng triệu con tim bằng thứ bóng đá tấn công tận hiến đẹp mắt. Những đôi chân nghệ sĩ của Ronaldinho, Xavi hay Deco ra sân bằng lối đá vị nghệ thuật đúng nghĩa, đi ngược hoàn toàn với xu hướng chơi bóng thực dụng đến độ cực đoan của hầu hết các đội bóng lớn. Nói cách khác, đội chủ sân Nou Camp gợi cho người xem hình ảnh của một chàng hiệp sĩ Don Quixote (Đông-Ki-Sốt hay Đôn Kihôtê) sẵn sàng chết vì cái đẹp.

Mes que un club - hơn một câu lạc bộ - câu khẩu hiệu gắn liền và đặc tả về Barcelona, một đội bóng có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ sân cỏ, gắn liền đến cả chính trị, xã hội ở trong nước lẫn toàn cầu. Năm 1968, chủ tịch Narcis de Careras đã gắn câu nói này vào lịch sử Barca, nhằm ủng hộ xứ Catalonia thoát khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha, của nhà độc tài Franco.

Lẽ dĩ nhiên, chế độ độc tài Franco cố gắng chấm dứt ý nghĩa xã hội mà Barca đem đến, kìm hãm sự phát triển của đội bóng được xem như biểu tượng của xứ Catalonia. Thời gian trôi qua, Franco qua đời, nền dân chủ một lần nữa trở lại với đất nước Tây Ban Nha. Thoát khỏi sự kìm kẹp, Barcelona muốn áp dụng câu khẩu hiệu của đội bóng rộng hơn nữa, không chỉ gói gọn trong xứ sở Catalonia.

BLĐ đã lái con thuyền Barca đi chệch hướng
Từ đội bóng hiếm hoi nhất quyết giữ sự tinh khiết cho chiếc áo đấu, BLĐ Barca biến chiếc áo thành chiếc xe quảng cáo

Barca nỗ lực tạo nên tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới mà nghĩa cử để tên Unicef trên áo đấu là một minh chứng điển hình. Nhưng trong những năm gần đây, ban lãnh đạo đội bóng đã ném niềm tự hào của xứ Catalonia xuống bùn đen bằng những quyết định sặc mùi tiền. Cụ thể hơn, Barca dần trở lại đúng nghĩa của một đội bóng tầm thường, một doanh nghiệp vị đồng tiền thay vì một biểu tượng mang tính xã hội.

Chiếc áo đấu của Barca ngày càng trở nên giống như một chiếc xe hơi gắn nhiều nhãn mác hơn là một chiếc áo bóng đá thuần túy. Tuần vừa qua, đội chủ sân Catalonia cho thấy động thái tận thu tiền quảng cáo trên áo đấu khi gắn logo Beko, một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ lên tay áo. Tất nhiên ở giữa ngực áo vẫn gắn tên nhà tài trợ Qatar Airways vốn đã gây ra vô vàn tranh cãi.

Dòng chữ Qatar Airways thực chất là sự kế thừa của Qatar Foundation, chấm dứt lập trường từ chối quảng cáo thương mại trên áo đấu xuyên suốt lịch sử Barca. Logo Unicef ​​ được chuyển đến một vị trí ít được chú ý hơn, ít trang trọng hơn trên áo đấu của Barca từ mùa giải 2011-12. Cũng từ thời điểm này, đội bóng xứ Catalonia bắt đầu thu về khoản tiền tài trợ áo đấu khổng lồ có trị giá lên tới 125 triệu bảng.

Cuối năm ngoái, Barcelona công bố hợp đồng tài trợ áo đấu mới với Intel. Cay đắng cho những cules, trưởng bộ phận tiếp thị của tập đoàn Intel Deborah Conrad mô tả thỏa thuận này có ý nghĩa “nhiều hơn một hợp đồng tài trợ”. Có lẽ Deborah Conrad sử dụng cách chơi chữ dựa theo khẩu hiệu Barcelona, hoặc chỉ là sự trùng hợp không may. Nhưng thỏa thuận này thể hiện rõ thái độ của ban lãnh đạo với chiếc áo mà những người đi trước đã mất bao công gìn giữ sự tinh thiết.

Chiếc áo đấu
từng là niềm tự hào của những cule đã không còn
Chiếc áo đấu từng là niềm tự hào của những cule đã không còn

Song hành với những bản hợp đồng quảng cáo đi ngược hoàn toàn với giá trị cốt lõi mà Barca theo đuổi xuyên suốt lịch sử, những thành phần chóp bu tại Nou Camp còn liên tục dính vào những vụ bê bối tài chính đáng xấu hổ. Sự việc đáng kể nhất dĩ nhiên là vụ gian lận chuyển nhượng Neymar của cựu Chính Josep Maria Bartomeu, người kế nhiệm Rosell đã mô tả toàn bộ vụ bê bối này như một vết nhơ, một nỗi xấu hổ trong lịch sử gã khổng lồ xứ Catalonia.

Cách đây không lâu, đến lượt hậu vệ kỳ cựu Eric Abidal lên tiếng chỉ trích BLĐ Barca như những kẻ “ngụy quân tử” trơ tráo. Chẳng ai có thể quên những thông điệp được Barca phát đi trên toàn thế giới về tình trạng bệnh tình của Abidal, rồi hình ảnh Puyol nhường cơ hội nâng cao chức vô địch Champions League 2010-11 cho hậu vệ người Pháp...

Những nghĩa cử cao đẹp ấy vô hình chung đánh bóng tên tuổi Barca, tạo nên hình ảnh đội bóng này như một chỗ dựa vững chãi để Abidal vượt qua cơn bạo bệnh. Tuy nhiên, đây gần như chỉ là chiêu trò giúp Barca đánh bóng tên tuổi trong khi thực chất đội bóng này chẳng chịu chi lấy một xu trong quá trình anh điều trị căn bệnh hiểm nghèo.

Cuối cùng, lý do Barcelona hoạt động rất năng nổ trên thị trường chuyển nhượng hè 2014 với những thương vụ như Suarez, Ivan Rakitic, Claudio Bravo và Marc-Andre ter Stegen, là bởi vì mối đe dọa về lệnh cấm chuyển nhượng vẫn treo lơ lửng trên đầu. Lệnh cấm này xuất phát từ việc Barca vi phạm luật FIFA trong việc chuyển nhượng cầu thủ 10-18 tuổi. Án phạt chính thức vẫn chưa được đưa ra song Barca không thể không sốt sắng khi kỳ chuyển nhượn hè 2014 có thể là phiên chợ người cuối cùng họ được tham dự trong nhiều năm tới.

Barca dính
vào quá nhiều vụ bê bối trong những năm qua
Barca dính vào quá nhiều vụ bê bối trong những năm qua

Tất cả những bê bối trên khiến bầu trời Nou Camp trở nên âm u hơn bao giờ hết. Thời gian tươi đẹp suốt thập kỷ qua chẳng khác nào bữa tiệc tưng bừng của Barcelona. Nhưng bây giờ, sau bữa tiệc, gã khổng lồ xứ Catalonia như một kẻ say xỉn dẫm chân vào bùn lầy rác rưởi, càng vùng vẫy càng chìm sâu.

Duy Khánh