Từ thất bại của ĐTVN tại AFF Cup:

Bao giờ? Biết đến bao giờ?

(Dân trí) - Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…

Xin mượn câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói lên cái tâm trạng của người yêu BĐVN sau những gì ĐT trình diễn tại AFF Cup. Thử nghĩ mà xem: cứ trước mỗi một giải BĐ khu vực là chúng ta lại mơ, giống như mơ về một người tình, cứ trước mỗi lần gặp Thái là chúng ta lại hy vọng, giống như hy vọng được chạm vào nước mắt giai nhân!

 

Nhưng rồi người tình ấy – giai nhân ấy cứ lần lượt bỏ ta đi. Mơ vẫn chỉ là mơ, hy vọng vẫn chỉ là hy vọng, để rồi cứ sau mỗi lần như thế lại là những lời mổ xẻ, than vãn.

 

Lần này, còn gì nữa để mà mổ xẻ, để mà than vãn? Chúng ta thất bại vì một sự ảo tưởng vào sức mạnh của chính mình? Nói rồi. Chúng ta thất bại vì có một ông thầy bảo thủ, suốt bao nhiêu năm chỉ có chừng ấy bài vở?

 

Nói rồi. Chúng ta thất bại vì đẳng cấp chỉ có thế, vì BĐVN thật ra vẫn là một nền bóng “chuyên nghiệp quái gở”, nên phần ngọn – ĐTQG cũng có nhiều chuyện “quái gở” như thế? Cũng nói rồi.

 

Bạn hãy thử lướt qua các trang báo, và hãy  thử đọc lại những bài báo sau thất bại của ĐT tại Tiger Cup 2004 rồi SEA Games 2005 để xem chúng có gì khác nhau không? Xin được trả lời ngay: chẳng khác gì cả! Vẫn chừng ấy những nguyên nhân (đã nói trên), vẫn chừng ấy những sự trách móc, vẫn chừng ấy những lời than vãn…

 

Ừ thì trách móc, ừ thì than vãn…mặc, nền bóng của chúng ta vẫn cứ như thế! ĐT của chúng ta vẫn cứ như thế! Và rồi báo chí - người hâm mộ cũng vẫn cứ như thế: trước khi bóng lăn thì “bơm” tất cả lên mây xanh, nào là ĐT đang tràn đầy cơ hội đăng quang, nào là chúng ta sẽ thắng Thái trên sân Mỹ Đình, nhưng rồi sau đó,… sau đó thì sao nhỉ?

 

Thật ra niềm tin của người hâm mộ không có tội, niềm tin của những người cầm bút cũng không có tội. Nhưng khi niềm tin cứ bị đẩy tới mức thái quá thì nó rất dễ dẫn tới sự ảo tưởng. Và khi đã ảo tưởng rồi, nghĩa là khi bản thân mình đã tự giăng bẫy mình thì người ta sẽ phải rất đau đớn khi đối diện với một thực tại không phải là ảo tưởng. Và như thế, tốt nhất là từ bây giờ đừng ảo tưởng nữa?

 

Sáng nay, trên đồng loạt các trang báo, người ta nói nhiều đến chuyện phải thay ông Riedl. Tôi cũng nghĩ là phải thay ông Riedl, bởi một lý do đơn giản là bất cứ cái gì đã cũ kĩ thì cần phải được thay đổi. Song thực tình, tôi không tin là người kế nhiệm ông Riedl, dù là ông Jose Mourinho, Alex Ferguson, Arsene Wenger hay bất cứ một vị HLV tên tuổi nào khác khi tới đây sẽ tạo ra một cái gì đột biến.

 

Bởi vì như người ta đã nói nhiều rồi đấy, hang loạt những yếu tố căn cốt của một nền BĐ, chẳng hạn như khâu đào tạo trẻ, chẳng hạn như việc bồi dưỡng đạo đức cầu thủ… còn bị buông lỏng thì những sự thay đổi ở phần ngọn ( 1 vị HLV mới – 1 ông thầy mới) cũng chỉ là thay đổi để cho vui.

 

Mà chết, VFF đang xây 1 trung tâm đào tạo trẻ rồi đấy! Các CLB sau khi phải “ăn đạn” của cầu thủ giờ cũng đã chú tâm tới việc bồi dưỡng đạo đức cầu thủ rồi đấy!

 

Vậy thì phải chăng, hãy đợi đến khi những cái nền này thực sự được hoàn tất để mà trông đợi vào một ngày mai cất cánh?

 

Còn bây giờ, thôi thì cứ hy vọng, cứ tin yêu, để rồi cứ hát mãi cái điệp khúc: “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ/ ôi, những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…”.

 

Phan Đăng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm