1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Ban Tư vấn đạo đức không nhận được sự hợp tác từ BTC giải

(Dân trí) - Ban Tư vấn đạo đức cho biết họ không nhận được sự quan tâm đúng mức của BTC giải. Còn liên quan đến nghi án tiêu cực của XMXT Sài Gòn, ban này thừa nhận chẳng có ai trong ban trực tiếp dự khán trận đấu XMXT Sài Gòn - K.Kiên Giang.

Trong buổi trao đổi thông tin với giới truyền thông sáng nay (16/8), một trong những vấn đề mà Ban Tư vấn đạo đức bức xúc nhất chính là chưa nhận được sự hợp tác đúng mức của BTC giải.

 

Cụ thể, Trưởng ban Tư vấn đạo đức, ông Nguyễn Công Khế cho biết ban này đã gửi 10 văn bản khác nhau, nêu lên những vấn đề về nghi ngờ tiêu cực, vấn đề trọng tài, có liên quan đến nhiều đội bóng và nhiều nhân vật khác nhau, nhưng hầu hết các công văn này đều bị BTC giải cho… chìm xuồng.

 

Đấy có lẽ là lý do mà Ban Tư vấn đạo đức tỏ ra rất bức xúc với BTC giải, trước khi đề nghị Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly nên từ chức.

 

Khi được giới truyền thông hỏi về việc tại sao trong khoảng 6 tháng hoạt động vừa qua, Ban Tư vấn đạo đức rất ít khi thông tin cho giới truyền thông các công việc của ban, ông Nguyễn Công Khế cho rằng sở dĩ Ban ít khi công bố thông tin rộng rãi vì yêu cầu từ phía VPF và VFF muốn xử lý các vấn đề phức tạp trong nội bộ trước, phải báo cáo nội bộ trước.

 

Dù vậy, từ nay, theo ông Khế thì Ban tư vấn đạo đức sẽ chủ động thông tin rộng rãi cho giới truyền thông, bởi những sự việc mà Ban báo cáo theo kiểu nội bộ cho BTC giải, VPF hay VFF đều không được xử lý đến nơi đến chốn.

 

Phó Ban tư vấn đạo đức Nguyễn Văn Vinh phát biểu: “Trong các cuộc họp, các anh ở VFF, BTC giải phát biểu rất mạnh mẽ, rằng phải thế này, phải thế kia, nhưng khi hành động, tôi lại thấy các anh làm điều ngược lại”.

 

Một vấn đề khác đang được quan tâm, đó là việc Ban tư vấn đạo đức đề xuất trừ điểm CLB Xi măng (XM) Xuân Thành Sài Gòn, sau trận đấu với K.Kiên Giang ở vòng 19 V-League, dường như những căn cứ và những lập luận mà Ban tư vấn đạo đức đưa ra vẫn chưa thuyết phục hoàn toàn giới truyền thông.

 

Đặc biệt, có một chi tiết khá đắt được nhà báo Dư Hải (báo Thể Thao TPHCM) đưa ra là không có thành viên nào của Ban tư vấn đạo đức trực tiếp dự khán trận K.Kiên Giang - XM Xuân Thành Sài Gòn trên sân Kiên Giang, nhưng lại nhận định rằng đội bóng thành phố thi đấu “có vấn đề” (khi nhà báo Dư Hải đặt ra câu hỏi “Tôi không thấy ai trong số các anh có mặt ở sân Kiên Giang trong trận đấu trên?”, Ban tư vấn đạo đức chưa có câu trả lời thỏa đáng).

 

Không ít đại diện của các cơ quan truyền thông tham dự buổi trao đổi thông tin sáng nay chưa đồng tình về cách sử dụng một tin nhắn nặc danh để làm căn cứ trừ điểm một đội bóng. Những tin nặc danh dạng này chỉ nên xem là một kênh thông tin để tiếp tục tìm hiểu, thay vì vội vã đưa ra kết luận.

 

Những tin nhắn nặc danh dạng này xuất hiện rất nhiều, và không phải lúc nào cũng đúng về kết quả của các trận đấu, ví dụ như có tin nhắn từng dự đoán XM Xuân Thành Sài Gòn thua Đồng Nai trên sân Đồng Nai, nhưng rốt cuộc 2 đội lại hòa 0-0. Chính vì vậy, những kết luận vội vã và thiếu căn cứ có thể làm hại đến uy tín của cả một tập thể, cả một thương hiệu.

 

Về phía Ban tư vấn đạo đức, theo nhận định của Ban này, thời gian qua ngoài việc thiếu sự hợp tác của các cơ quan có liên quan, cụ thể là BTC giải, cũng như các phòng ban của VFF, thì một nguyên nhân khác khiến họ khó làm việc xuất phát từ những quy định chồng chéo, thậm chí đối nghịch hẳn nhau trong điều lệ hoạt động của Ban, do VPF ban hành.

 

Cụ thể, trong điều lệ hoạt động của Ban tư vấn đạo đức được VPF ban hành, có đoạn nêu cần bảo mật thông tin, có đoạn lại viết cần phải công khai, minh bạch. Đấy chính là lý do mà Ban tư vấn đạo đức không biết dựa vào điều khoản nào để hoạt động cho đúng.

 

Quan điểm của Ban tư vấn đạo đức là họ cần được sự hợp tác chặt chẽ hơn từ BTC, đồng thời Ban này cho biết sẽ đấu tranh đến cùng với các hiện tượng tiêu cực, cũng như bảo lưu quan điểm cần phải thay Trưởng BTC giải V-League, nhằm chọn người tốt hơn, đầy đủ năng lực hơn.

 

Kim Điền

Dòng sự kiện: V-League 2014