Góc nhìn:

Ballack, Chelsea và bài học thất bại của Brazil

(Dân trí) - World Cup 2006, Brazil thất bại bẽ bàng ở chính thời điểm họ được tung hô lên tận mây xanh. Kỳ vọng lớn nhất, cũng là thất vọng ê chề nhất không nằm ngoài cái gọi là “Bộ tứ huyền ảo”.

Với Ronaldinho-Kaka-Ronaldo-Adriano, HLV Alberto Parreira lúc đó sở hữu hàng công đáng gờm nhất thế giới. Và Brazil đã “chết” ngay trên bệ phóng được xây dựng bởi niềm tin cảm tính đó, khi mà câu trả lời của “bộ tứ huyền ảo” - đặc biệt là Ronaldinho - quá nhạt nhoà.

 

Brazil có những tinh binh khác, và mỗi khi được vào sân, Fred, Robinho hay Juninho Bernambucano chưa một giây nào khiến Parreira thất vọng. Nhưng họ không được tin dùng, vì Parreira vẫn hy vọng vào sự bừng sáng của “bộ tứ huyền ảo”.

 

Parreira đã trả giá vì tin vào danh tiếng đơn thuần mà không hiểu được rằng những ngôi sao của họ đã bị vắt đến cùng kiệt sức lực và khát khao sau một mùa giải căng thẳng ở Serie A và La Liga.

 

Chelsea, với sự xuất hiện của hai ông sao cỡ bự là Michael Ballack và Andriy Shevchenko, không che giấu tham vọng thống trị châu Âu. Kỳ vọng đặt lên vai Ballack và Sheva là không hề nhỏ, dù đây là lần đầu tiên hai ngôi sao đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp này đặt chân lên xứ sở sương mù.

 

“Chết” vì thủ

 

Một sự trùng lặp vô tình, Mourinho lại đem áp dụng sơ đồ biến hoá giữa 4-2-2-2 và 4-3-3 mà Parreira đã từng thất bại ở Đức mới cách đây hơn 2 tháng. Hiệu quả của nó thì cần phải xem xét, nhưng có một điều mà ai cũng thấy là Chelsea luôn gặp khó trước những đối thủ giỏi đánh biên.

 

Ballack, Chelsea và bài học thất bại của Brazil - 1
 Chelsea đã đánh mất sức mạnh ở hai cánh?

 

Trong 4 tiền vệ của Chelsea, không có ai là tiền vệ bám biên điển hình, chính vì thế mỗi lức bóng được đối phương phát triển dọc biên, chỉ có hai hậu vệ cánh đứng mũi chịu… đòn.

 

Từ pha “đổ đòn” chính xác của Pogatetz trong trận đấu mà The Blues để Boro “đè ngửa” ở những phút cuối, đến trận thắng nhọc nhằn trước Liverpool ở vòng 4, tử huyệt của Chelsea chính là hành lang bên trái, mặc dù họ sở hữu những tên tuổi chẳng thể xem thường Ashley Cole và Wayne Bridge.

 

Hàng chục cú đánh đầu sai địa chỉ của Dirk Kuyt, Peter Crouch không tước mất của thầy trò Mourinho 3 điểm, nhưng đã buộc họ để lộ hết hồn vía ra ngoài. Brazil cũng từng quay quắt với những quả đánh biên, khi Kaka và Ronaldinho bó vào trung lộ. Thực tế, Brazil bị loại từ một pha bắt lỗi ở biên khi cú treo bóng của Zizou được Henry chuyển thành bàn.

 

“Chết” vì công

 

Chelsea quen đá với một trung phong cắm, một nhạc trưởng và đôi cánh cơ động. Lối chơi tấn công toàn diện đó chính là bí quyết giúp Mourinho sưu tập 2 chiếc Cup vô địch nước Anh.

 

Nhưng với sự xuất hiện của Ballack, thế công đó đã bị đảo lộn. Với một núi tiền lương tháng, Ballack không thể đá dự bị, còn Lampard vốn đã là khâu không thể thiếu trong cỗ máy của Mourinho. Mourinho dường như quên mất rằng, Ballack cần thời gian để thích nghi với những cuộc đua sức trên sân cỏ Anh, cần thời gian để tìm lại mình sau một World Cup căng thẳng.

 

Ở Bayern hay ĐT Đức, Ballack chỉ chơi hay khi là thủ lĩnh tuyệt đối và duy nhất trên sân. Ballack chỉ là ông vua khu trung tuyến khi “chốn” chật hẹp và nóng bỏng ấy là của riêng mình.

 

Ballack, Chelsea và bài học thất bại của Brazil - 2
Chelsea trở nên rất... Chelsea khi Robben vào sân 

 

Nhưng khi về với Chelsea, Ballack phải chia đất với Lampard, và khu trung tuyến lại càng trở nên chật hẹp hơn. Nhìn Ballack và Lampard “dẫm đạp lên nhau” ở Chelsea mà nhớ Brazil đã bế tắc như thế nào ở World Cup 2006, khi cả hai “nhạc trưởng” Kaka và Ronaldinho đều đảm nhiệm vai trò chủ xướng.

 

Chelsea vẫn đang thắng, nhưng chưa thấy cách thắng của một kẻ bề trên thực thụ với lối đá “thập diện mai phục” như họ đã thể hiện ở mùa giải trước. Trớ trêu thay, cái hình ảnh đó lại trỗi dậy phần nào khi Ballack bị đuổi ra sân, và Robben được tung vào bên cánh trái.

 

Những pha lên bóng thần tốc và quyết liệt như một mũi khoan của Robben, sự cơ động và rảnh chân của Lampard đã khiến Chelsea không hề bị động dù thua người và cần bảo toàn tỷ số.

 

Dù nhân sự có khác nhau, nhưng lối đá với hai tiền vệ quét và hai tiền vệ công của Chelsea đang làm tái hiện hình ảnh của một Brazil bạc nhược và bế tắc của mùa hè nước Đức.

 

Trên băng ghế dự bị, Mourinho còn rất nhiều hảo thủ, nhưng vấn đề là ông có đủ lòng tin vào họ, hay vẫn bằng mọi giá tìm cách lắp ghép Lampard và Ballack với nhau. Và một khi họ còn đá bên nhau, bản hoà nhạc của The Blues sẽ ra sao khi có đến hai người nhạc trưởng?

 

Mourinho có sa lầy vào bài toán Ballack, như Parreira đã sa lầy với “bộ tứ huyền ảo”, như Ferguson đã từng bất lực trong việc tìm “lối thoát” cho Veron ngày nào?  

H.L