Bài toán nan giải của bóng đá Việt Nam trong năm 2017

(Dân trí) - Đấy là vấn đề được đặt ra sau khi Công Vinh giải nghệ, cũng là vấn đề của bóng đá Việt Nam trong năm 2017, ở thời điểm mà chúng ta cực kỳ khan hiếm chân sút nội có chất lượng cao.

Thật ra thì Công Vinh cũng không có phong độ tốt trong năm 2016. Dù vậy, anh vẫn là lựa chọn hàng đầu ở vị trí trung phong của đội tuyển quốc gia, bởi chúng ta cũng khó kiếm ra tiền đạo khác đáng tin cậy hơn.

Trong danh sách 23 tuyển thủ Việt Nam dự AFF Cup 2016 vừa rồi, ngoài Công Vinh, còn có 2 chân sút thường xuyên sắm vai tiền đạo ở CLB, đó là Văn Toàn tại HA Gia Lai và Lê Văn Thắng ở Hải Phòng.

Dù vậy, Văn Toàn lại bất lợi về mặt thể hình, còn Lê Văn Thắng lại không phải cầu thủ được đào tạo ngay từ đầu để đá tiền đạo (thậm chí ở trận bán kết lượt đi với Indonesia, HLV Nguyễn Hữu Thắng còn sắp Lê Văn Thắng đá tiền vệ trung tâm, vị trí mà anh cũng từng chơi tại Thanh Hoá trước đây).

Lê Công Vinh chia tay bóng đá, để lại khoảng trống mênh mông nơi hàng tiền đạo
Lê Công Vinh chia tay bóng đá, để lại khoảng trống mênh mông nơi hàng tiền đạo

Tiền đạo còn lại của đội tuyển tại AFF Cup là Công Phượng hầu như chỉ ngồi dự bị trong năm 2016, nên không đảm bảo được phong độ. Vả lại, Công Phượng giống Văn Toàn ở chỗ bất lợi về mặt thể hình, nên càng không thích hợp với vai trò trung phong.

So với lần lên ngôi vô địch AFF Cup cách nay 8 năm, chất lượng tiền đạo ở đội tuyển rõ ràng là đi xuống. Hồi đấy, ngoài Công Vinh, đội tuyển còn có 2 tiền đạo khác gần như có trình độ tương đương là Quang Hải và Việt Thắng. Cả hai dù cao thấp khác nhau, nhưng có điểm chung là rất khoẻ và có lối chơi tương đối hiện đại.

8 năm sau ngày lên ngôi vô địch Đông Nam Á, chất lượng và số lượng các chân sút của bóng đá nội không những không được cải thiện, mà còn kém dần đi.

Văn Toàn có tốc độ, có kỹ thuật, nhưng thể hình lại không phù hợp cho vị trí trung phong (ảnh: Gia Hưng)
Văn Toàn có tốc độ, có kỹ thuật, nhưng thể hình lại không phù hợp cho vị trí trung phong (ảnh: Gia Hưng)

Đấy có thể cũng là vấn đề của chúng ta trong năm 2017. Sau khi Công Vinh giải nghệ, chân sút được đánh giá cao nhất bóng đá Việt Nam có lẽ là Anh Đức. Ngặt nỗi, Anh Đức đã ở vào tuổi 32, chẳng phải là tương lai của đội tuyển, cũng chưa bao giờ có duyên với đội tuyền quốc gia.

Một chi tiết khác không thể không đề cập, đấy là càng về sau này, các tiền đạo của bóng đá Việt Nam càng... lùn. Ngoài Văn Toàn, Công Phượng như đã kể trên, cầu thủ khác có thể chơi tiền đạo khi cần là Văn Quyết cũng gặp bất lợi cực lớn về mặt hình thể.

Điều này có vẻ như đi ngược lại với xu thế của bóng đá hiện đại, nơi các trung phong ngày một cao lớn và rất giỏi va chạm. Tiêu biểu là đội tuyển láng giềng Thái Lan. Các trung phong của đội bóng đất Chùa Vàng gồm Teerasil Dangda (1m81) và Chatthong (1m85) có thể hình rất tốt.

Ngoài nhiệm vụ săn bàn, họ còn có thêm nhiệm vụ khác là làm tường, càn lướt, phá sức hàng thủ đối phương, săn bóng ngay bên phần sân của đối thủ, phòng ngự từ xa. Và quan trọng nhất, khi cần, họ biết cách không chiến, khác với các chân sút mà bóng đá Việt Nam đang có.

Sau khi Công Vinh giải nghệ, khoảng trống mênh mông nơi hàng tiền đạo đã lộ ra. Đấy cũng là vấn đề của bóng đá Việt Nam từ năm tới: Đi tìm lời giải cho việc đào tạo và phát hiện chân sút phù hợp cho một đội tuyển với phong cách hiện đại cần phải xây dựng.

Kim Điền

Bài toán nan giải của bóng đá Việt Nam trong năm 2017 - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm