1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bài học nào cho U16 Việt Nam?

(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam có thói quen cứ hễ thua 1 trận đấu ở bất cứ lứa tuổi nào cũng đòi rút ra ngay bài học, trong khi điều cần học ở đây có khi lại là thái độ của những người lớn, những người đang điều hành nền bóng đá, chứ không phải là các cầu thủ trẻ.

Thắng - thua hôm nay không quyết định được ngày mai

Ở lứa tuổi 16, đôi khi thắng hay thua trong một trận đấu quốc tế cũng không có khác biệt lớn. Chuyện hôm nay thắng, thậm chí thắng đậm, hôm sau lại thua, và ngược lại, cũng là điều bình thường. Yếu tố kinh nghiệm là vấn đề mấu chốt, mà mới 16 tuổi thì lấy đâu ra kinh nghiệm.

Như đã từng đề cập, ngay đến cấp độ châu lục còn chưa có sự ổn định trong lứa tuổi này, cấp độ thế giới cũng vậy, thì nói gì đến đấu trường Đông Nam Á và bóng đá Việt Nam.

Nhưng ngặt nỗi, bóng đá Việt Nam có thói quen là cứ hễ thua bất cứ trận đấu nào cũng đòi rút ra ngay bài học, cho dù đang đề cập đến lứa tuổi nào. Người ta quên mất rằng đào tạo trẻ là cả một quá trình dài đằng đẳng, hoàn toàn không phải là chuyện chỉ cần đá một trận đấu là thấy ngay điều cần khắc phục.

Thành ra, có thấy được mặt tốt hoặc mặt chưa tốt của lứa cầu thủ U16 hiện nay cũng không thể sửa ngay được: Cứ nhìn lứa U19 của Công Phượng thì khắc thấy, đã qua 3 năm kể từ khi nổi lên từ giải Đông Nam Á năm 2013, lứa này cho đến nay vẫn còn nguyên nhược điểm là thiếu hiệu quả, kém thể lực và không mạnh về bản lĩnh, huống hồ gì là với các cầu thủ U16 còn ít tuổi hơn.

Cho dù U16 Việt Nam có thắng hay thua Australia trong trận chung kết U16 Đông Nam Á thì vẫn chưa biết sẽ đứng ở đâu so với họ, khi đôi bên cùng trưởng thành
Cho dù U16 Việt Nam có thắng hay thua Australia trong trận chung kết U16 Đông Nam Á thì vẫn chưa biết sẽ đứng ở đâu so với họ, khi đôi bên cùng trưởng thành

Và kỳ thực thì việc U16 Việt Nam có thắng hay thua Australia trong trận chung kết vừa rồi thì vẫn có chung một kết quả, đó là lứa cầu thủ đây sau vài năm vẫn không thể bắt kịp trình độ của bóng đá Australia, vẫn chưa chắc sánh ngang người Thái, và cũng không có gì đảm bảo rằng chúng ta đủ sức đứng đầu Đông Nam Á.

Thay đổi một hay một vài thế hệ là phải thay đổi cả quy trình đào tạo, hệ thống đào tạo và chất lượng quản lý nền bóng đá, chứ không phải đơn giản là thay đổi từ một – hai trận thua.

Ví dụ chỉ riêng khâu thể lực thôi, nếu không cải thiện toàn bộ quy trình đào tạo và quy chuẩn về mặt thể lực trong quy trình ấy thì sau bao nhiêu năm nữa chúng ta vẫn yếu, có rút bao nhiêu kinh nghiệm từ nay đến hết sự nghiệp các cầu thủ U16 hôm nọ vẫn cứ kém đối thủ về mặt thể lực.

Bài học là bài học nào?

Bài học, nếu có, ở đây có lẽ nên dành cho những người lớn, những người đang nắm vai trò điều hành nền bóng đá, chứ không phải dành cho các cầu thủ trẻ.

Chưa gì VFF đã nhanh nhẩu tuyên bố sẽ đầu tư lứa này làm nòng cốt tham dự SEA Games 2021 thì dường như chưa thấu hiểu hết tính chất của lứa tuổi 16. Và thật ra thì trong bóng đá nói chung, có hàng loạt trường hợp không có gì đặc biệt lúc 16 – 17 tuổi, nhưng càng lớn càng hay (huyền thoại Zinedine Zidane đến mãi năm sau 24 tuổi mới nổi tiếng bên ngoài nước Pháp, chỉ sau khi CLB Bordeaux của anh năm 1996 đánh bại AC Milan ở bán kết cúp C3 – nay là Europa League).

Ngược lại, có những trường hợp tuổi U16 rất nổi, nhưng càng lớn càng chìm, vì cơ bản bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao khác xa nhau. Như lứa U16 năm 2000 của Văn Quyến sau này chỉ còn mỗi mình trung vệ Minh Đức vô địch AFF Cup 2008 với đội tuyển quốc gia.

Vả lại, riêng chuyện VFF tuyên bố đầu tư cho lứa U16 hiện tại cũng đã là phát biểu hơi... phóng đại khả năng thực của cơ quan quản lý bóng đá nội. VFF thực tế cũng chỉ hoạt động bằng tiền tài trợ, họ không kinh doanh, không tự sinh ra lãi, nên bản thân tổ chức này làm gì có dư... kinh phí mà đòi đầu tư.

Chuyện đầu tư là chuyện của các CLB, các lò đào tạo và của các ông chủ đội bóng. Còn chuyện của VFF là hoạch định chiến lược, tìm định hướng đúng và xuyên suốt cho bóng đá nội, trong đó có khâu đào tạo. Vì vậy, đừng lẫn lộn vai trò và chức năng của các bên, cũng đừng quá cao hứng trước hiệu ứng mạnh mà đội tuyển U16 Việt Nam vừa tạo ra.

Điều mà người ta cần ở người nắm vai trò điều hành trong tư cách một “tỉnh táo viên” là đưa ra những hoạch định đúng, chứ không phải là các phát biểu trong lúc cao hứng mang tính chạy theo sự kiện.

Hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam sai quy trình và thiếu phương pháp khoa học cũng ở điểm ấy, sai ở chỗ người điều chỉnh quy trình lại chỉ chạy theo sự vụ!

Trọng Vũ

Bài học nào cho U16 Việt Nam? - 2