"Cuộc chiến" bản quyền truyền hình bóng đá nội

AVG “nói không” với đề nghị VPF, hợp tác cùng VTV

(Dân trí) - Chiều nay, AVG đã trả lời VPF về những nội dung đơn vị này đưa ra trong buổi gặp mặt trước đó. AVG khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán khi VPF có đủ tư cách pháp lý, đồng thời cam kết dành toàn bộ lợi nhuận đầu tư cho thể thao Việt Nam.

Như tin đã đưa, ngày 21/2, lãnh đạo VPF - AVG đã có buổi làm việc để lắng nghe những đề nghị VPF đưa ra liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp có thời hạn 20 năm mà VFF ký với AVG cuối năm 2010. Trong buổi làm việc, đại diện VPF nêu ra 3 vấn đề lớn với AVG:

VPF muốn được chuyển giao lại bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp để VTV quảng bá rộng rãi; Đề nghị VPF điều chỉnh thời hạn và mức giá chi trả hàng năm để tăng doanh thu cho CLB; Cam kết mang lại hơn 70 tỷ đồng/3 năm nếu được tiếp quản hợp đồng từ AVG theo hướng để VTV khai thác.
 
AVG “nói không” với đề nghị VPF, hợp tác cùng VTV - 1
Lãnh đạo AVG "nói không" với các đề nghị VPF đưa ra

Sau 7 ngày suy nghĩ, chiều 28/2, Phó Tổng giám đốc AVG Hoàng Xuân Bắc đã ký công văn số 49/TTAV-CV trả lời những vấn đề mà lãnh đạo VPF đã nêu ra trong buổi làm việc với AVG.

Nội dung công văn khẳng định, AVG đồng ý với VPF quan điểm cần tính tới lợi ích của bóng đá Việt Nam. AVG đã, đang và sẽ tiếp tục suy nghĩ, hành động vì bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

 

AVG tái khẳng định chỉ đàm phán với VPF về bản quyền (tức khai thác thương mại các trận đấu đã được hoàn thành phần sản xuất tín hiệu) sau khi VPF đáp ứng đầy đủ điều kiện pháp lý bao gồm: VFF ký hợp đồng ủy quyền cho VPF khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam; Bộ VH-TT&DL phê duyệt Quy chế bóng đá chuyên nghiệp; VPF công nhận và cam kết tôn trọng hợp đồng mà VFF ký với AVG giai đoạn 2011- 2030.

 

Về lời đề nghị để VTV là đơn vị độc quyền nắm giữ bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp, AVG khẳng định không đồng ý. Công  văn của AVG nêu rõ: AVG đã có kế hoạch và đang làm việc với VTV, VTC theo hướng cả 3 đơn vị cùng hợp tác khai thác (thậm chí cùng nhận chuyển nhượng từ VFF) thương quyền truyền hình các giải bóng đá của Việt Nam (đương nhiên nếu được sự đồng ý của VFF).

 

Với đề nghị về số tiền phải trả, AVG cho biết sẽ trao đổi với VTV và VTC trước khi có ý kiến trả lời VPF. Tuy nhiên, AVG nhấn mạnh đến thời điểm này, số tiền cần thanh toán theo hợp đồng là trả cho VFF chứ không phải trả VPF.

 

Liên quan đến lời đề nghị: “AVG phải làm việc với VFF để giao lại quyền khai thác thương quyền cho VPF” mà VPF đưa ra. Đơn vị nắm giữ bản quyền khẳng định không thực hiện lời đề nghị này. AVG khuyến cáo VPF có quyền đề nghị VFF, nhưng trong mọi trường hợp VFF và VPF cần tôn trọng hợp đồng đã ký với AVG. Một khi AVG (với sự đồng ý của VFF) đã phối hợp với VTV và VTC cùng khai thác thương quyền truyền hình bóng đá thì tới đây, VFF hoặc đơn vị được ủy quyền của VFF sẽ trao đổi cùng ba đơn vị: VTV, VTC, AVG.

 

Trong công văn phúc đáp VPF, AVG tái khẳng định sẽ thực hiện cam kết dành toàn bộ nguồn lợi nhuận từ việc khai thác bản quyền cho thể thao Việt Nam như đã nêu ra tại buổi họp chiều 20/2. Ngay cả khi VTV, VTC và AVG cùng nhận chuyển nhượng và cùng khai thác thương quyền truyền hình bóng đá chuyên nghiệp.

 

Tại Hội nghị Ban chấp hành VFF khóa VI vừa kết thúc tại Hà Nội, lãnh đạo VFF cho biết chỉ tiến hành thủ tục chuyển giao quyền quản lý - tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp cho VPF sau khi Bộ VH-TT-DL phê duyệt Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi. VFF vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về vấn đề bản quyền truyền hình. Trong lúc chờ đợi, VFF khẳng định các bên cần tôn trọng kết luận do thanh tra Bộ VH-TT-DL vừa đưa ra.

 

Chí Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm