Arsenal và bài học về “bóng ma” của MU thời hậu Sir Alex

(Dân trí) - Dù HLV Wenger không thể mang về danh hiệu lớn cho Arsenal trong nhiều năm qua nhưng ông vẫn yên vị. Đó là sự bất thường trong bóng đá hiện đại. Nhưng cũng cần hiểu cho “Pháo thủ” bởi họ lo ngại về cuộc khủng hoảng như MU thời hậu Sir Alex Ferguson.

Sự bất thường ở Arsenal…

Trên tờ ESPN, nhà báo Mark Ogden đã gọi HLV Wenger là… sự bất thường trong bóng đá hiện đại. Bởi lẽ, giờ đây, khái niệm một HLV “bám rễ” ở CLB đã gần như không còn tồn tại bởi hơi thở “sống gấp” của làng túc cầu.

HLV Wenger là sự bất thường trong bóng đá hiện đại
HLV Wenger là sự bất thường trong bóng đá hiện đại

“Căn bệnh” thành tích, cùng sự thiếu kiên nhẫn của các ông chủ… là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Họ không thể chờ đợi quá lâu để thấy thành công của HLV hướng tới thành công sau khi bỏ ra hàng trăm triệu trên thị trường chuyển nhượng. Đó cũng là điều dễ hiểu. Ở chiều ngược lại, HLV hiện nay cũng có xu hướng đi tìm thử thách ở nhiều CLB, giải đấu khác nhau hơn là trụ lại CLB trong hơn 20 năm. Đơn giản, đó là công việc nhàm chán.

Thực tế, hai đại diện thành công nhất Premier League những năm gần đây là Man City và Chelsea đều là những CLB có chủ trương không gắn bó lâu dài với một HLV. Chelsea đã giành Champions League với Di Matteo, vô địch Europa League với Benitez, đăng quang ở Premier League cùng Mourinho. Trong khi đó, Man City cũng lên ngôi ở Premier League với hai HLV khác nhau là Mancini và Pellegrini. Ngay cả Leicester City cũng sẵn sàng sa thải HLV Ranieri chỉ vài tháng sau không ông giúp CLB tạo nên câu chuyện thần kỳ với chức vô địch Premier League. Chẳng sao cả, miễn là thành công!

Nhiều ra ngoài châu Âu, Real Madrid, Bayern Munich Barcelona cũng liên tục “làm mới” băng ghế huấn luyện. Không một HLV nào có thể trụ lại những CLB này quá 3 năm trong những năm qua. Ngược lại, bản thân HLV Pep Guardiola đều chủ động rời khỏi Barcelona và Bayern Munich để tìm thách thức mới.

Nói về sự vận động của bóng đá hiện đại, Giám đốc điều hành của Man City, Ferran Soriano chia sẻ trên tờ ESPN: “Ba năm trong bóng đá là thời gian dài. Trong bóng đá, những đội bóng đều có chu kỳ. Có HLV tồn tại được 2,3 chu kỳ nhưng có người chỉ trụ được 1 chu kỳ.

Rõ ràng, chúng tôi muốn HLV tiếp theo ở lại CLB trong một vài năm nhưng không thể là 26 năm được. Đó thực sự là ngoại lệ. Tôi nghĩ một chu kỳ tồn tại khoảng 3,4 hay 5 năm. Có một số HLV làm việc 1,2 chu kỳ nhưng khi ấy, mọi người sẽ cảm thấy mệt mỏi. Các cầu thủ cần giáo án khác hấp dẫn hơn. Trong khi đó, bản thân HLV cũng muốn ra đi để tìm kiếm thách thức. Đó là chuyện bình thường trong bóng đá hiện đại”.

Tất nhiên, nếu như HLV Wenger không dẫn dắt Arsenal, có lẽ, ông đã bị “bay ghế” từ rất lâu. Mặc dù vậy, trước áp lực lớn từ những người hâm mộ trong nhiều năm qua, rất có thể, BLĐ Arsenal sẽ sa thải “Giáo sư” sau mùa giải này. Nếu chuyện đó xảy ra chẳng ai bất ngờ.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng nếu muốn sa thải Wenger

Tuy nhiên, việc sa thải HLV từng làm việc lâu năm ở CLB là điều không hề dễ dàng. Đơn giản, triết lý của “Giáo sư” đã ngấm vào từng tế bào của Arsenal. Một HLV mới sẽ không dễ để thay đổi nó trong một sớm một chiều.

Arsenal cần chuẩn bị kỹ lường nếu muốn sa thải HLV Wenger
Arsenal cần chuẩn bị kỹ lường nếu muốn sa thải HLV Wenger

Hơn nữa, một trong những yếu tố quan trọng giúp HLV Wenger có “kim bài miễn tử” ở Arsenal là bởi ông vẫn giúp CLB có vé dự Champions League và điều quan trọng là mang về nguồn lợi kinh tế lớn cho CLB.

Nên nhớ, cổ đông chính của Arsenal, Stan Kroenke không quá quan trọng thành tích. Đối với ông, việc duy trì đều đặn vị trí dự Champions League là thành công. Thay vào đó, tỷ phú này luôn quan tâm tới vấn đề kinh tế (với chính sách kiếm tiền tối đa, chi tiền tối thiểu). Về khoản này, HLV Wenger rất được lòng ông chủ người Mỹ bởi sự “tiết kiệm” của mình.

Nếu sa thải HLV Wenger, Arsenal cần phải có chiến lược rõ ràng, nếu không muốn rơi vào tình cảnh của MU thời hậu Sir Alex. Trong những năm qua, MU đã vung hàng núi tiền (trung bình 150 triệu bảng mỗi năm) để tăng cường lực lượng nhưng đều không có hiệu quả. CLB vẫn thi đấu bết bát và thậm chí đã không được tham dự Champions League ở mùa giải này.

Ngay cả khi HLV Mourinho cập bến, MU vẫn chưa thể có thành công như ý. Điều đó cho thấy, cái bóng của Sir Alex Ferguson quá lớn. BLĐ đội bóng không thể kiếm được người hiểu đội bóng và biết “liệu cơm gắp mắm” giỏi như cựu HLV người Scotland.

Tương tự, dù không ít người hâm mộ chỉ trích HLV Wenger nhưng chưa chắc người kế nhiệm đã làm được như ông. Thậm chí, người ta lo ngại rằng “Pháo thủ” sẽ sụp đổ (cả về thành tích lẫn hiệu quả kinh doanh) sau khi ông thày người Pháp ra đi.

Ít ai biết rằng, từ trước khi nghỉ hưu, Sir Alex Ferguson đã có thời gian dài “truyền nghề” cho hai trợ lý Mike Phelan và Rene Meulensteen. Đặc biệt, hai trợ lý này có quyền lực khá lớn trên sân tập của MU. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của David Moyes chính là việc “quét sạch” hai trợ lý của Sir Alex Ferguson, khiến CLB đi chệch đường ray. Kể từ đó, Van Gaal, Mourinho đã tới và xây dựng CLB theo nhiều cách “méo mó” khác nhau.

Vì vậy, Arsenal cần phải đặc biệt lưu ý vấn đề này. Nếu “Giáo sư” ra đi, họ cần lưu ý giữ chân những người như Boro Primorac, Steve Bould, Neil Banfield (trợ lý HLV), Andries Jonker (Giám đốc học viện bóng đá trẻ). Đó là những nhân vật rất hiểu về Arsenal và họ có thể là nhân tố xây dựng “cái nền” của CLB trong triều đại mới. Ngoài ra, việc mời những nhân vật có ảnh hưởng lớn như Thierry Henry về làm trợ lý HLV cũng là động thái cần thiết.

Nói vậy để thấy cái khó của BLĐ Arsenal. Sự tồn vong của CLB có thể được quyết định bởi canh bạc này.

H.Long