1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

70 năm ngày thể thao Việt Nam: Theo nghiệp thể thao là vinh quang

(Dân trí) - Ở nước ngoài, các VĐV luôn “sống khỏe” khi theo nghiệp thể thao. Còn với Việt Nam, thể thao chưa thể nuôi sống bản thân và gia đình, nếu như các VĐV không đạt thành tích cao.

Biết vậy, nhưng hầu hết những ai theo nghiệp thể thao đều không muốn bỏ. Với họ, nghiệp thể thao như một sự chinh phục đỉnh cao và vinh quang, chứ không đơn thuần chỉ là 1 nghề.

Thể thao tại các nước phát triển thực sự đã trở thành một ngành công nghiệp đa ngành nghề, một “cỗ máy kiếm tiền” hiệu quả. Với Việt Nam, nó chỉ xuất hiện ít năm gần đây với vài gương mặt nổi trội.

Những năm qua, người hâm mộ biết đến các gương mặt như Lê Quang Liêm, Tiến Minh, Ánh Viên… Họ không chỉ sống khỏe bằng nghề, mà còn kiếm tiền tỷ mỗi năm, trở thành tấm gương sáng để lớp trẻ soi vào.

Tiến Minh có tình yêu đặc biệt với môn cầu lông
Tiến Minh có tình yêu đặc biệt với môn cầu lông

Thế nhưng, để có thành công và những khoản tiền thưởng, tiền tài trợ khổng lồ, ít ai biết những VĐV này đã phải gian khổ tập luyện như thế nào từ khi chỉ mới vài tuổi. Họ tập luyện bao nhiêu tiếng 1 ngày và chịu thiệt thòi như thế nào với bạn bè đồng trang lứa. Có người còn sẵn sàng bán cả cơ nghiệp để theo đuổi nghiệp thể thao. Do vậy, sự đánh đổi của các VĐV để có thành quả nhất định như ngày hôm nay, cũng hoàn toàn xứng đáng.

Thể thao Việt Nam vẫn đầy những Sự thiệt thòi, khó khăn. Những VĐV kiếm tiền tỷ như trên chỉ là “của hiếm”, chưa thể nhân rộng. Đem câu hỏi hỏi các VĐV rằng: “Lương mỗi tháng được nhận bao nhiêu?” Đa số đều trả lời “ít lắm”, hoặc là im lặng. Những VĐV có đôi chút thành tích quốc tế còn đỡ, còn với các VĐV trẻ thì thật sự đáng buồn.

Rất nhiều VĐV, hoặc là từ bỏ nghề để tìm con đường mưu sinh khác, hoặc là cố bám trụ với nghề. Có những người vì thể thao mà chấn thương, tàn tật suốt đời nhưng được quan tâm, đền bù chẳng đáng là bao. Sau vinh quang, thể thao Việt Nam đã lãng quên họ, đó là một thực tế phũ phàng.

VĐV Dương Thúy Vi (wushu) chia sẻ: “Tôi có một trăn trở nhất khi nghĩ về thể thao nước nhà chính là vấn đề chấn thương. Là người từng chấn thương nhiều nên tôi quá hiểu cảm giác ấy. Cuộc đời VĐV khi giải nghệ mà không dính chấn thương nghiêm trọng cũng là thành công rồi. Còn nếu có chấn thương, khi làm các công việc khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong muốn rằng các VĐV nếu không theo được đến cùng với nghiệp thể thao, thì khi bước sang ngã rẽ khác, họ cũng cần được giúp đỡ”.

Nhà vô địch Asiad 2014 nói rằng cô là số ít VĐV may mắn nên có nhiều thành quả hơn. Còn những VĐV khác có thể họ không đạt được kết quả như mong muốn hoặc kém may mắn hơn nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tất cả tập luyện, thi đấu vì đam mê, chứ để nuôi gia đình thì khó lắm.

Nghiệp thể thao luôn nhiều gian nan và đầy khó khăn
Nghiệp thể thao luôn nhiều gian nan và đầy khó khăn

Với các VĐV thể thao, tiền lương thường được gắn liền với những thành tích cụ thể. Các VĐV tâm sự, nếu như năm nào có huy chương còn có tiền thưởng, chứ không thì coi như tập chay cả năm.

Gian khổ, thiệt thòi là vậy nhưng ít ai thay đổi quyết định theo nghiệp thể thao nếu như được lựa chọn lại. Với họ, nghiệp thể thao như một sự chinh phục đỉnh cao và vinh quang, chứ không đơn thuần chỉ là 1 nghề để nuôi bản thân, gia đình.

“Đối với tôi, được đứng trên bục trao huy chương, hát quốc ca và nhìn cờ Việt Nam được kéo lên, chính là niềm hạnh phúc nhất. Những lúc đó, nước mắt tôi như tuôn rơi, mọi sự vất vả, hy sinh bao năm tập luyện thi đấu đều quên hết”, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn tâm sự.

Thể thao thành tích cao luôn đòi hỏi phải có sự chuẩn bị từ cấp cơ sở. Mục tiêu phát triển thể lực và tầm vóc của người VN, phát triển thể thao trong trường học, làm nền tảng cho thể thao thành tích cao. Đây là vấn đề mang tính xã hội, mang tính trọng điểm, cần được toàn xã hội tham gia. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo giáo dục thể chất trong trường học đã được đặt ra từ cách đây 20-30 năm nhưng giải quyết nó không phải đơn giản.

Chính vì sự phát triển thiếu bài bản, nên nhìn chung những ai đã trót theo nghiệp thể thao, đều phải xác định thiệt thòi, gian nan ngay từ đầu.

Sự khác biệt của các VĐV Việt Nam với các đồng nghiệp thế giới đòi hỏi những nhà quản lý thể thao nước nhà cần phải tạo ra một hệ thống luyện tập, đào tạo, thi đấu, tuyển chọn VĐV thực sự khoa học, bên cạnh nỗ lực phấn đấu của mỗi VĐV. Từ đó, chúng ta sẽ thu hẹp được khoảng cách với bạn bè châu lục và thế giới.

Vẫn biết thể thao Việt Nam cần nhiều năm nữa mới vươn tới tầm của thế giới, nhưng từ đó, chúng ta hiểu hơn giá trị của thể thao, để đồng cảm, chia sẻ và trân trọng với những ai đã, đang và sẽ theo đuổi con đường này.

Quang Vinh