Scandal bóng đá Anh
1/3 số vụ chuyển nhượng tại Anh “có mùi”
(Dân trí) - Từ tháng Giêng năm 2004 đến 31/1/2006, một phần ba các vụ chuyển nhượng tại giải Ngoại hạng được liệt vào danh sách “có dấu hiệu sai trái” của FA, báo The Times tiết lộ.
>> Sam Allardyce - Đau lòng vì con
>> "Bão" tiêu cực đã tràn tới nước Anh?
Trước đó LĐ BĐ Anh đã đưa một cựu cảnh sát thủ đô London có tên là John Stevens vào điều tra 362 số vụ chuyển nhượng của 26 CLB tại các hạng đấu (mà chủ yếu trong số đó là các đội bóng thuộc Premiership).
Theo The Times, nhóm điều tra của Stevens đã tổ chức phỏng vấn hơn 100 nhân chứng hiện đang hành nghề trong lĩnh vực bóng đá tại Anh cũng như nước ngoài. Điều đáng ngạc nhiên là trong số những người môi giới cầu thủ thi đấu tại giải Ngoại hạng có không ít người không có chứng chỉ hành nghề do FIFA cấp.
Bên cạnh đó, nhóm điều tra này đã bắt đầu thu thập được thông tin về những khoản tiền có dấu hiệu “bất bình thường” trong chi trả chuyển nhượng.
Với chương trình được phát trên BBC cùng những đoạn quay về những HLV muốn có thêm những khoản “lót tay” từ các vụ chuyển nhượng, thông qua FA, Stevens đã yêu cầu BBC chuyển sang cho nhóm điều tra những bằng chứng cụ thể cùng với lời hứa sẽ điều tra đến cùng.
Được biết, nhóm này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc hồ sơ ở nước ngoài. Ngay cả những cầu thủ chuyển đến từ Pháp, trong hai năm đó, đã có nhiều thay đổi: Chủ tịch Robert Louis-Dreyfus, cựu HLV Rolland Courbis của Marseille đang phải đối mặt những vụ điều tra trong nước còn Paris SG vừa thay đổi BLĐ nên không dễ gì có được những bằng chứng cần thiết.
Dù vậy, theo Tony Cascarino, một cựu tuyển thủ Ireland từng có nhiều năm thi đấu tại Anh, Pháp, người từng lên tiếng tố cáo tiêu cực trong làng bóng đá Anh, khi trả lời phỏng vấn của The Times đã tỏ vẻ nghi ngờ về khả năng làm trong sạch hóa môi trường bóng đá tại xứ sở Sương mù:
“Đã hàng chục năm qua, những vụ lót tay đã xuất hiện tại bóng đá Anh. Khó có thể tin được một chương trình tivi, một lời hứa như đinh đóng cột hay một cuộc điều tra lại có thể thay đổi mọi thứ.
Nếu một cầu thủ được chơi cho một đội bóng họ thích với bản hợp đồng có mức lương cao ngất chắc chắn họ không nề hà gì để cho người môi giới, HLV và người lãnh đạo trích rút một phần trong đó. Và họ luôn tự nhủ rằng đó như một món quà cám ơn”.
Mặt khác, Cascarino khẳng định: “Với một thị trường béo bở nhiều lợi nhuận như giải bóng đá Anh, những người làm môi giới đang tăng lên chóng mặt thậm chí chấp nhận hành nghề chui, bất chấp FA có ý định can thiệp”.
Báo cáo sơ bộ dày 300 trang về những khoản tiền “bẩn” trong các vụ chuyển nhượng tại đảo quốc này sẽ được gửi tới cho Richard Scudamore, Trưởng ban tổ chức Premier League vào cuối tháng 9 trước khi gửi cho Chủ tịch các CLB vào ngày 2/10.
Vũ Phong
Theo The Times, 20minutes