1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

10 ngôi sao sớm lụi tàn sau thành công tại World Cup

(Dân trí) - Sân chơi World Cup luôn trình làng nhiều ngôi sao lớn của bóng đá thế giới, tuy nhiên sau sự thăng hoa đó, vì những lý do khác nhau nhiều cầu thủ sa sút phong độ và “biến mất” một cách bất ngờ.

 

1. Salvatore "Toto" Schillaci (Italia, World Cup 1990): Dù Italia không thể lên ngôi vô địch thế giới trên sân nhà nhưng Toto Schillaci đã có một kỳ World Cup thành công với danh hiệu Vua phá lưới (6 bàn). Năm đó, ông mới 25 tuổi và tiếp tục tỏa sáng ở năm tiếp theo tại Serie A. Tiếc là sự nghiệp của Schillaci sớm lụi tàn ở tuổi 30 do không duy trì phong độ đỉnh cao và kết thúc cuộc đời cầu thủ ở một CLB Nhật Bản.
 
 
10 ngôi sao sớm lụi tàn sau thành công tại World Cup - 1

Schillaci không còn là chính mình sau World Cup 1990

 

2. Josimar (Brazil, World Cup 1986): Ở một đất nước mà “tre chưa già nhưng măng đã mọc” như Brazil, việc một cầu thủ sớm bị lãng quên là điều dễ hiểu. Tại World Cup 1986, Josimar nổi lên là một hậu vệ phải hàng đầu thế giới, đặc biệt là pha ghi bàn vào lưới Ba Lan. Nhưng anh đã không duy trì được sự ổn định do thói ăn chơi trụy lạc và chia tay ĐTQG chỉ với 16 lần khoác áo.

 

3. Paul Gascoigne (Anh, World Cup 1990): Với 57 lần khoác áo ĐT Anh, lại tỏa sáng rực rỡ ở World Cup 1990, ai cũng đánh giá Gascoigne là tài năng hiếm có của bóng đá xứ sở sương mù. Nhưng giai đoạn sau đó, Gazza lại bất ngờ tắt ngấm, khiến “Tam sư” vào giai đoạn sa sút khi vắng mặt ở World Cup 1994. Bản thân Gascoigne mắc chứng nghiện rượu và sớm kết thúc sự nghiệp tưởng như sẽ vô cùng sáng chói của anh.

 

4. Gerry Armstrong (Bắc Ailen, World Cup 1982): Trong những năm thập niên 80, bóng đá Bắc Ailen thực sự là thế lực đáng nể của châu Âu. Với ngôi sao sáng nhất vương quốc Anh khi đó là Armstrong, họ đã chơi cực hay ở Espana 82. Nhưng chỉ vì quyết định sai lầm sang Mallorca, Armstrong đã nhanh chóng bị lãng quên và kết thúc sự nghiệp khi mới 30 tuổi.

 

5. Oleg Salenko (Nga, World Cup 1994): Kỷ lục ghi 5 bàn trong chiến thắng 6-1 của Nga trước Cameroon dù không giúp đội bóng Đông Âu vượt qua vòng bảng, nhưng Salenko vẫn giành danh hiệu Vua phá lưới (6 bàn). Đáng tiếc là sau đó, những chấn thương liên miên khiến anh phải từ giã sự nghiệp khá sớm, mở ra chu kỳ khủng hoảng tài năng của “Gấu Nga”.
 
 
10 ngôi sao sớm lụi tàn sau thành công tại World Cup - 2

Oleg Salenko đã tỏa sáng với 5 bàn trong thắng lợi trước Cameroon

 

6. Joe Gaetjens (Mỹ, World Cup 1950): Một tiền vệ hoàn hảo bậc nhất trong đội hình tuyển Mỹ tại World Cup 1950, đặc biệt Gaetjens là tác giả bàn thắng duy nhất trong thắng lợi chấn động 1-0 trước Anh. Nhưng sự nghiệp ông đã nhanh chóng chấm dứt bởi những bê bối bên ngoài sân cỏ và đến nay, người Mỹ đã dần lãng quên Joe Gaetjens.

 

7. Ruben Moran (Uruguay, World Cup 1950): Từng có mặt ở trận chung kết lịch sử Uruguay-Brazil năm 1950 tại Maracana và dù không ghi được bàn thắng, Moran vẫn được đánh giá là tiền vệ không thể thay thế của Uruguay năm đó. Đáng tiếc, Moran đã chỉ còn là bóng mờ sau vinh quang đó và nhanh chóng mất chỗ ở ĐTQG.

 

 

8. Ilhan Mansiz (Thổ Nhĩ Kỳ, World Cup 2002): Bị coi là kép phụ trước giải nhưng nhờ những nỗ lực đáng nể, Mansiz trở thành chân sút lợi hại của TNK, góp phần giúp đội bóng này giành hạng 3 chung cuộc tại World Cup 2002. Sau đó, Ilhan được khá nhiều đội bóng để ý nhưng chấn thương và sự sa sút nhanh chóng khiến anh không còn được HLV Terim trọng dụng. Mansiz chia tay ĐTQG khi mới 28 tuổi và mới thi đấu có vỏn vẹn 21 trận.
 
 
10 ngôi sao sớm lụi tàn sau thành công tại World Cup - 3

Ilham Mansiz đã bị lãng quên sau World Cup 2002

 

9. Viola (Brazil, World Cup 1994): Một phát hiện mới lạ của HLV Zagallo khi Viola chứng tỏ anh có những kỹ năng không thua gì Romario hay Bebeto. Viola đã chơi cực hay trong trận chung kết năm 1994 khi liên tục khiến hàng thủ trứ danh của Italia lao đao. Tiếc là sau chức vô địch World Cup tại Mỹ, Viola đã quá tự mãn và thói ăn chơi sa đọa khiến anh không còn lần nào được khoác áo Selecao.

 

10. Ernie Brandts (Hà Lan, World Cup 1978): Trong lối chơi tổng lực của Hà Lan ở thập niên 70, Brandts (khi đó mới 22 tuổi) là mắt xích không thể thay thế ở hàng thủ. Ông đã thể hiện tư duy chiến thuật và tư chất thủ lĩnh hoàn hảo ở chiến thắng 5-1 trước Áo, giúp Hà Lan giành ngôi á quân ở World Cup 1978. Tuy nhiên, cá tính quá mạnh mẽ cùng cuộc sống phóng túng khiến Brandts không còn duy trì phong độ đỉnh cao ở những năm sau đó.

 

Anh Tuấn