Hướng tới SEA Games 24:

Boxing: Gian nan giấc mộng “vàng”

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Với mục tiêu 1 HCV tại SEA Games 24, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thịnh đã liên tục tập huấn cọ xát từ nửa năm nay. Thậm chí, đội đã tính đến phương án lựa chọn hạng cân trọng điểm nào để “tránh mặt” các tay đấm mạnh của Thái Lan, Phillipines… nhưng xem ra đường tới vòng nguyệt quế còn quá gian truân.</P>

Không tiền, vẫn quyết lấy “vàng”!

 

Trong “cơn đói” chung của đoàn thể thao Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games, đội boxing vốn chưa được coi là môn trọng điểm càng khốn đốn. So với các đối thủ trong khu vực như Thái Lan và Phillipines, trình độ của các tay đấm Việt Nam còn khá khiêm tốn.

 

Chính vì thế BHL đội boxing đã lên chương trình tập huấn khá dày đặc từ giữa năm 2007 để tìm hiểu các hạng cân mạnh của đối thủ nhằm… tránh. Trong tháng 8, đội boxing nữ đã sang thi đấu co xát với các VĐV mạnh của Trung tâm thể thao Vũ Hàn (Trung Quốc) để tích luỹ thể lực và hoàn thiện kỹ thuật.

 

Trước đó, cả đội cũng đã dự giải đấu hữu nghị ở Thái Lan để “bắt giò” các tay đấm đội chủ nhà. Qua gần 1 tháng (từ 10/9 - 5/10) thi đấu tập huấn với “ông kẹ” Phillipines ở Nhổn, đội boxing nữ đã nắm được sơ bộ “hình hài” các đối thủ nhưng rốt cục, hạng cân nào của Thái Lan và Phillipines cũng… mạnh như nhau.

 

Boxing: Gian nan giấc mộng “vàng” - 1

Một tháng thi đấu giao hữu với các VĐV Phillipines
giúp các tay đám nữ VN tiến bộ nhiều

 

Trong khi đó Tạ Minh Nghĩa, nữ VĐV từng đoạt 1 trong số 2 HCB tại SEA Games 23 đã lập gia đình và không có mặt trong danh sách. Rà đi soát lại, BHL xác định “cửa” đoạt HCV sáng nhất là ở hạng cân 48 của Vũ Thị Hải Yến và hạng 54 của Đinh Thị Phương Thanh. Hai hạng cân nhỏ này trình độ của các tay đấm trong khu vực ĐNÁ còn tương đương nhau, nên nếu may mắn đội boxing Việt Nam có cơ hội tạo bất ngờ. Tuy nhiên, do kinh phí haạnchế, chỉ có Thanh được ăn uống theo chế độ “gà nòi”, còn cả đội chỉ ăn theo mặt bằng chung.

 

Dự SEA Games 24 với 7 hạng cân, boxing VN chỉ xác định trọng tâm tranh chấp huy chương là ở giải nữ, còn đội nam chỉ đi thi đấu để cọ xát, học hỏi. Trong tháng 10, đội đã liên hệ dự giải đấu hữu nghị Lào mở rộng nhưng cuối cùng kế hoạch cũng bị huỷ bỏ và thiếu tiền. HLV Nguyễn Đức Thịnh than: “Đã lên kế hoạch đi tàu vào Vinh rồi bắt ôtô sang Lào cho rẻ, thế mà cuối cùng cũng đành bỏ”.

 

May mà cán bộ bộ môn có quan hệ khá tốt với LĐ boxing Thái Lan, nên trong giải giao hữu tiền SEA Games tới ở Thái Lan, cả đội sẽ được bao ăn, ở miễn phí. Kinh phí đi lại và những khoản phát sinh cũng được các địa phương có VĐV chi trả, nên xem như Bộ VH-TT&DL chỉ mất tiền… tiêu vặt cho VĐV và sinh hoạt phí của các cán bộ, trọng tài.

 

Cả 5 đối thủ dự SEA Games là Thái Lan, Phillipines, Lào, Malaysia, Indonesia đều tham dự giải này, nên thầy trò đội boxing nữ rất kỳ vọng sẽ “đọc vị” được sở trường, sở đoản của các đối thủ để vững tin hơn vào mục tiêu 1 HCV.

 

Gập ghềnh đường lên đài đấu

 

Boxing du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Người khởi xướng môn võ này không ai khác là ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch kiêm Tổng TK UB Olympic Việt Nam hiện nay. Thời đó, đã có lúc boxing Việt Nam gây được tiếng vang lớn trong các đấu trường khu vực nhưng đến năm 1994, bộ môn này bị “xoá sổ” sau một sự cố đáng tiếc ở giải VĐQG ở Hải Phòng.

 

Cho đến cuối năm 2004, boxing mới vượt qua những định kiến xã hội để trở lại nhưng cũng đành lấy các VĐV tán thủ của môn Wushu rẽ ngang sang luyện tập. HLV phó Nguyễn Như Cường giãi bày: “Người ta cứ định kiến với môn boxing, một phần vì xem trên phim ảnh cứ thấy những cảnh chết khi đang thượng đài, hoặc đánh nhau máu me bê bết. Thực ra, đây là Quyền Anh nghiệp dư, có hệ thống bảo hiểm cẩn thận nên cũng như các môn võ khác mà thôi”.

 

Boxing: Gian nan giấc mộng “vàng” - 2

Con đường trở lại của boxing còn lắm thử thách

 

Một động lực khiến thầy trò môn boxing vượt qua khó khăn để đến với SEA Games là ở giải đấu này năm 2005, đội boxing đã đoạt 2 HCB mà một trong 2 trận chung kết đó những nhà chuyên môn vẫn tiếc rẻ vì nếu trọng tài công bằng thì có thể “vàng” đã về tay Minh Nghĩa.

 

Ở Việt Nam, phong trào boxing nữ đang phát triển mạnh hơn và tiền đò cũng sáng sủa hơn các đồng nghiệp nam bởi tình độ của các tay đấm nam trong khu vực đã vượt xa mặt bằng ở Việt Nam nhiều lần. Các tay đấm của Thái Lan, Phillipines và Lào không còn xa lạ gì ở các đấu trường châu lục và thế giới.

 

Nhưng ngặt nỗi, hầu hết các bậc phụ huynh đều không muốn cho những cô con gái rượu của mình theo nghiệp đánh đấm, một phần vì định kiến với môn này, một phần cũng vì bộ môn này còn quá mới nên ít được quan tâm.

 

Ở đội boxing nữ hiện nay, độ tuổi trung bình rất thấp (hầu hết các VĐV sinh năm từ 1988 - 1990), nhưng thường các cô gái cũng thượng đài ít năm rồi bỏ nghiệp lấy chồng hoặc theo hướng khác.

 

Thế nên, dù phong trào chơi boxing đã dần dần mở rộng, nhưng phát triển được một tay đấm phong trào trở thành một võ sĩ có chất lượng quả là lắm gian nan!

 

Hồng Kỹ