1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ý nghĩa sống còn của trục Moskva-Tehran với Damascus

(Dân trí) - Chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga ngày 23/11 tuy ngắn ngủi, nhưng tỏ rõ một thông điệp dứt khoát...

Ý nghĩa sống còn của trục Moskva-Tehran với Damascus - 1

Tổng thống Vladimir Putin họp báo trực tuyến với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga tại Moskva ngày 20/11. (Ảnh: MIKHAIL KLIMENTYEV/AFP)

Đó là cảnh báo Tây phương: không được can thiệp vào nội tình Syria! Xem ra sự sống còn của chế độ Damascus hơn bao giờ hết, vẫn đang được trục Nga-Iran bảo vệ quyết liệt.

Theo phát ngôn viên điện Kremlin, sau cuộc gặp thượng đỉnh trong vòng một giờ rưỡi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Giáo chủ Iran, Ayatollah Khamenei tại Tehran, hai bên đã “hoàn toàn” có cùng quan điểm về tình hình Syria, nhất là về “tính chất không thể chấp nhận được các âm mưu can thiệp từ bên ngoài để áp đặt một giải pháp chính trị”. 

Kênh truyền hình nhà nước Nga Rossia-24 dẫn lời Tổng thống Putin tuyên bố sau cuộc thảo luận với lãnh tụ tối cao Iran: “Không ai có thể và có quyền từ bên ngoài bắt buộc người dân Syria chấp nhận một chính quyền tại Syria. Chỉ có người dân mới có quyền định đoạt”.

Lời tuyên bố này, theo AFP, mang ý nghĩa dứt khoát khước từ đòi hỏi của các cường quốc phương Tây bao gồm cả Pháp cùng khu vực Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út (vẫn cho rằng Tổng thống Syria Bachar al-Assad phải ra đí, do không có tư cách chính đáng để lãnh đạo đất nước?)

Tại Syria, với sức mạnh của không quân Nga và vũ khí của Nga, cùng sự trợ giúp của lực lượng vệ binh Hồi giáo Iran, lực lượng Hồi giáo võ trang Hezbollah-Liban do Iran tài trợ, quân đội chính phủ Syria từ thế bị động trên chiến trường đã dần lấy lại thế chủ động trước cả IS, al-Qaeda và “phe đối lập ôn hòa” do phương Tây hậu thuẫn.

Từ sau vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đặt bom phá hủy máy bay dân sự Nga trên vùng trời bán đảo Sinai của Ai Cập ngày 31/10, và gần đây nhất là loạt vụ khủng bố tại Paris, phương Tây mới cho thấy dấu hiệu muốn hợp tác với Nga để tiêu diệt khủng bố.

Trong cuộc họp tại Vienna, Áo giữa tháng 11 quy tụ khoảng 20 nước, các quốc gia chủ chốt như Pháp, Mỹ, Nga, Iran đã đồng ý một kế hoạch đầy tham vọng là tổ chức một cuộc hội đàm trước ngày 1/1/2016 nhằm cứu vãn hòa bình tại Syria. Tuy nhiên, cho dù các bên thỏa thuận về một chính phủ chuyển tiếp, Nga và Iran vẫn không chấp nhận “hy sinh” Tổng thống Syria al Assad.

AFP dẫn lập luận của Giáo chủ Khamenei cho rằng kế hoạch lâu dài của Mỹ là nắm Syria trong tay, sau đó tiến tới kiểm soát toàn khu vực. Đây bị coi là mối đe dọa lớn với Iran và Nga.

Theo Giáo chủ Hồi giáo Iran, “khủng bố Hồi giáo” (hiểu theo nghĩa là phe Suni) nếu không bị tiêu diệt, sẽ mở rộng địa bàn hoạt động sang Trung Á.

Lãnh tụ Iran cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Syria là “do dân bầu lên” và Mỹ không được quên “lựa chọn dân chủ” này.

Lời tuyên bố trên đây cũng tương tự như lập luận của Tổng thống Nga khi lệnh cho quân đội Nga can thiệp vào Syria giữa lúc quân đội của chính phủ Damascus đang thất thế trên khắp các mặt trận.

Và vào thời điểm này khi Tổng thống Pháp bắt đầu cuộc vận động thành lập một liên minh quốc tế rộng lớn chống IS và sẽ đến Moskva vào ngày 26/11, những tuyên bố từ Teheran càng cho thấy rõ thế chủ động của trục Nga-Iran.

Theo chuyên gia Pháp François Burgat, những nước giúp chế độ Syria hợp pháp thường ra tay một cách nghiêm túc và luôn giữ vững lập trường. Ngược lại, phía phương Tây hậu thuẫn cho “phe đối lập ôn hòa” thì luôn bị chi phối “vì đạo lý” (?)

AFP cũng nhắc lại việc chính phủ Pháp vẫn chưa quên quyết định “rút lui” vào giờ chót của Tổng thống Obama năm 2013 trước lúc không kích Syria.

Nga và Iran là hai đồng minh chủ chốt của ông Assad kể từ khi làn sóng nổi dậy chống chính quyền bùng phát tại Syria năm 2011 và nhanh chóng biến thành nội chiến.

Ngày 30/9 Nga phát động chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria.

Sau vụ máy bay Nga bị IS đánh bom tại bán đảo Sinai của Ai Cập hôm 31/10 làm 224 người thiệt mạng, Nga tăng cường chiến dịch chống IS tại Syria.

Từ phía Iran, Tehran đã viện trợ cho đồng minh Damascus về quân sự và tài chính, bao gồm cả cử cố vấn quân sự thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran sang giúp chính phủ Syria.

Quý Cao (tổng hợp)

Ý nghĩa sống còn của trục Moskva-Tehran với Damascus - 2