Dịch cúm A/H1N1:
WHO chưa nâng mức báo động, dịch diễn biến phức tạp
(Dân trí) - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bà sẽ chưa nâng báo động về cúm A/H1N1 lên mức cao nhất, trong khi tiếp tục theo dõi diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở Nhật Bản, nơi số ca nhiễm đã lên đến 135 chỉ trong vài ngày qua.
Phát biểu tại cuộc họp thường niên của WHO đang diễn ra tại Geneva, người đứng đầu WHO Margaret Chan cho rằng dịch cúm A/H1N1 “đang trong giai đoạn hoà hoãn” và cảnh báo của tổ chức này sẽ vẫn ở mức 5 trên 6. Tuy nhiên, bà thừa nhận đây là “khoảng lặng” nguy hiểm và lo ngại hiện nay là virut cúm này có thể phối hợp với các chủng cúm khác và trở thành chủng nguy hiểm hơn. “Chúng ta không thể biết thời kỳ này sẽ kéo dài bao lâu”, bà thừa nhận.
Tại cuộc họp, hàng chục nước đã thúc giục WHO thay đổi các tiêu chuẩn tuyên bố một đại dịch, cho rằng tổ chức này phải xem xét mức độ nguy hiểm của virut cúm này chứ không chỉ mức độ lây nhiễm của nó trên toàn cầu. Lo ngại một tuyên bố về đại dịch cúm có thể gây ra một cơn sóng thần phá hoại nền kinh tế và châm ngòi cho nỗi khiếp sợ trên cả hành tinh, nhiều nước trong đó có Anh, Nhật Bản, Trung Quốc đã yêu cầu WHO thận trọng trước khi nâng mức cảnh báo.
Mặc dù không có thay đổi nào được đưa ra tại phiên họp đầu tiên trong cuộc họp kéo dài 5 ngày này, WHO tuyên bố sẽ lắng nghe kiến nghị của các nước thành viên.
Để góp phần vào việc nghiên cứu vacxin chống cúm A/H1N1, trước khi khoá họp khai mạc, Mexico đã chính thức trao cho WHO chủng và thông tin khoa học liên quan đến virut cúm A/H1N1 từ cách lây nhiễm, triệu chứng đến những nơi bùng phát.
Tình hình ở Nhật Bản gia tăng khả năng nâng mức cảnh báo
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học cho rằng số ca nhiễm cúm A/H1N1 ở Nhật Bản đang tăng mạnh làm gia tăng khả năng WHO sẽ sớm nâng mức báo động đại dịch lên 6, mức cao nhất.
Phiên họp thường niên của WHO đã khai mạc ngày 18/5 ở Geneva với trọng tâm là biện pháp đối phó với dịch cúm A/H1N1 khi dịch này có chiều chuyển hướng sang châu Á, với số bệnh nhân được xác định nhiễm dịch ở Nhật Bản đã lên đến 135 ca chỉ trong 3 ngày.
WHO tuyên bố việc phát hiện tình trạng lây nhiễm được duy trì liên tục trong một cộng đồng bên ngoài Bắc Mỹ - sự lây nhiễm giữa người và người chứ không phải do đi du lịch ở vùng nhiễm bệnh, sẽ là lý do đủ để tuyên bố một đại dịch - ở mức 6, đánh dấu thời điểm dịch bệnh lây lan cả thế giới. Đó là nguyên nhân WHO đang theo dõi sát sao diễn biến về dịch cúm A/H1N1 ở Nhật Bản, nơi số ca nhiễm tăng mạnh không ngờ khiến nhà chức trách phải đóng cửa hơn 2.000 trường học trong ngày 18/5 ở khu vực phía Tây.
Kể từ khi dịch cúm này có dấu hiệu bùng phát tại Mexico tháng trước, WHO đã nâng mức báo động trên toàn cầu lên 5 - tức là chỉ còn một bước nữa là báo động đại dịch. Gần 9.000 người đã được xác nhận nhiễm bệnh ở 41 nước, trong khi WHO thừa nhận con số thực tế còn cao hơn nhiều. Đã có ít nhất 76 ca tử vong, trong đó Mexico ghi nhận 68 ca và Mỹ 6 ca.
Các đại biểu quyết định rút ngắn cuộc họp từ 10 ngày xuống còn 5 ngày để các quan chức có thể tập trung vào công tác chuẩn bị ở mỗi quốc gia đối phó với cúm A/H1N1.
Những dấu hiệu lo ngại mới
Mặc dù sự nguy hiểm của vi rút cúm A/H1N1 không nghiêm trọng như dự báo, nhưng những ngày qua tình hình dịch bệnh diễn biến khá nhanh trên toàn cầu. Chỉ trong thời gian 2 tuần từ ngày 3 đến ngày 17/5, số ca nhiễm cúm A/H1N1 trên thế giới đã từ 900 tăng lên 8.500 ca, trong đó 3 nước Mỹ, Mexico và Canada chiếm hơn 95%. Tuần trước, tình hình lây lan dịch bệnh tại châu Á khá rõ rệt, các nước Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia ... lần lượt báo cáo xuất hiện dịch, rồi đến tình hình tại Nhật Bản diễn biến trầm trọng bắt đầu từ cuối tuần trước.
Vấn đề mà WHO và giới chuyên gia y học hiện nay lo ngại nhất là virut cúm A/H1N1 sẽ biến dạng thành loại virut mới dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu. Cá biệt, số ca bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nghiêm trọng xuất hiện gần đây tại Mexico, Mỹ và Canada không hề có biểu hiện triệu chứng sốt cao khác thường. Nghiên cứu xét nghiệm cho thấy virut cúm A/H1N1 đã xuất hiện tình trạng biến thể. Tình hình này khiến việc nghiên cứu vacxin càng thêm khó khăn, cũng chứng minh sự lo ngại của các cơ quan hữu quan không phải là không có căn cứ.
Các chuyên gia dịch tễ học đã tổng kết đặc điểm của dịch cúm A/H1N1 là tính lây nhiễm và tỷ lệ tử vong của dịch cúm này không cao lắm (đến thời điểm này, tỷ lệ lây nhiễm của những trường hợp được xác nhận lây nhiễm cúm A/H1N1 là từ 1,45% đến 1,6%, tương đương với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cảm cúm thông thường theo mùa). Điều cấp bách nhất hiện nay là các nước tiến hành giao lưu và hợp tác nhiều hơn về nghiên cứu chế tạo vacxin cũng như tiến hành nghiên cứu về khả năng biến thể của virut cúm này.
Nguyễn Viết
Tổng hợp