1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Washington trả giá trong những nước cờ mới

Sự hỗn loạn tại những bàn cờ chính trị mới khiến Washington phải trả giá khi không nắm được những quân cờ mới, chứ nói gì đến việc làm chủ bàn cờ...

Ngày 7/12/1941, phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng, đánh tan tác quân đội Mỹ tại hạm đội Thái Bình Dương, buộc Mỹ phải tham gia Chiến tranh Thế giới thứ II.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ bị tấn công bởi một kẻ thù bên ngoài nước Mỹ. Sự kiện Trân Châu Cảng mở ra một bước ngoặt mới cho Thế chiến II.

Ngày 11/9/2001, 60 năm sau sự kiện Trân Châu Cảng, nước Mỹ lại bị tấn công. Dù tính chất của hai vụ tấn công là khác nhau, song độ ác liệt và ảnh hưởng của sự kiện với niềm kiêu hãnh Mỹ thì không khác gì nhau.

Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ và cả thế giới.

Từ sau sự kiện 11/9, Washington đã thể hiện rõ nhất vị thế thống soái của mình trong thế giới đơn cực, khi tự cho mình được quyền tấn công vào bất cứ thực thể chính trị nào trên thế giới, nếu Washington nghi ngờ có liên quan tới lực lượng khủng, như lời cựu Tổng thống George W.Bush khi phát động tấn công Afghanistan.

Hình ảnh trận Trân Châu Cảng năm xưa - một nỗi ám ảnh không dễ nguôi ngoai. Ảnh : Internet
Hình ảnh trận Trân Châu Cảng năm xưa - một nỗi ám ảnh không dễ nguôi ngoai. Ảnh : Internet

Và cũng từ sau sự kiện 11/9, sự quyết liệt của Mỹ trong tấn công khủng bố quốc tế đã lật nhào các thực thể chính trị bị cho là liên quan tới khủng bố hay gây tội ác chống lại loài người, từ đó sắp đặt nhiều bàn cờ chính trị mới để đảm bảo an toàn từ xa cho nước Mỹ. Tuy nhiên, các nước cờ chính trị của Washington hầu hết đều không đạt được mục đích.

Nguyên nhân thì có nhiều, song quan trọng nhất chính là sự nửa vời trong các nước đi của Washington khi sắp đặt những bàn cờ chính trị mới, đó là không xây dựng nền tảng quyền lực cho các lực lương chính trị thân Mỹ. Sự nửa vời thể hiện rõ nhất là việc Washington không giúp xây dựng chủ thuyết cho lực lượng cầm quyền, thậm chí còn ngăn chặn điều ấy.

Song chính sự nửa vời của Washington đã khiến nước Mỹ phải trả giá, không chỉ việc an ninh nước Mỹ bị đe doạ cả ở trong và ngoài nước Mỹ, mà quan trọng hơn là sự hỗn loạn tại các bàn cờ chính trị mới nếu thiếu lợi ích Mỹ, vắng sức mạnh Mỹ.

Lực lượng thân Mỹ thiếu chủ thuyết khiến Washington ngày càng mất vai trò tại các bàn cờ chính trị mới do chính mình tạo ra.

Vậy tại sao Mỹ không giúp lực lượng thân Mỹ xây dựng chủ thuyết để đảm bảo an toàn cho nước Mỹ?

Washington không hỗ trợ xây dựng chủ thuyết tại các bàn cờ chính trị mới vì muốn mãi làm chủ ván cờ

Có lẽ Washington không thể không giật mình trước sức mạnh của nhà nước Israel sau khi dân tộc Do Thái có được Tổ quốc của mình và thực thể chính trị đại diện cho mình. Việc một nhà nước của người Do Thái xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới là cơ hội tuyệt vời cho Mỹ trong việc tạo đối trọng với Liên Xô tại vùng đất nóng Trung Đông.

Tuy nhiên, khi một mình Israel chống lại cả thế giới Ả-Rập thì có lẽ Washington cũng không thể ngờ tới. Chắc chắn lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ chỉ đảm bảo cho nhà nước Do Thái tồn tại và phát triển, còn việc “đánh đông dẹp bắc” thì cần phải có một vũ khí lợi hại hơn nhiều. Và đó chính là chủ thuyết – chủ nghĩa Zeonist, nền tảng quyền lực của nhà nước Do Thái.

Washington dường như đã nhận ra sự lợi hại của chủ thuyết, mà việc Israel sẽ thoát khỏi vòng kiềm toả của Mỹ sẽ xảy ra trong tương lai, là có thể nhận diện. Và quả thật như vậy.

Việc chính quyền Tổng thống George H.W.Bush (Bush cha) phải nhượng bộ chính quyền của Thủ tướng hiếu chiến nhất Israel Yitzak Shamir trong nhiều vấn đề đã thể hiện rõ điều ấy.

Bên cạnh đó là việc Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng muốn thoát ra khỏi cái áo chật chội mà Washington may cho họ, cũng được xem là lời cảnh báo cho việc xây dựng chủ thuyết tại những bàn cờ chính trị mới. Chủ thuyết được xem là cốt lõi của ý thức hệ dân tộc, được xem là công cụ quan trọng nhất trong việc khai quật sức mạnh quốc gia.

Thứ vũ khí tinh thần quan trọng ấy khi đã được trao thì không bao giờ nhận lại được nữa. Thứ vũ khí tinh thần ấy luôn là khởi nguồn cho lực li tâm khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Bởi chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc luôn quan trọng hơn rất nhiều so với sự hà hơi của lợi ích Mỹ, sự bảo trợ của sức mạnh Mỹ.

Điều đó đồng nghĩa thời gian Washington làm chủ ván cờ chính trị mới do chính mình tạo ra sẽ được giới hạn. Việc báo trước tương lai một đồng minh có thể trở thành một đối thủ sẽ là lời cảnh báo cho Washington về việc sắp đặt những bàn cờ chính trị mới của mình.

Đương nhiên Mỹ không muốn “cầm súng bắn vào chân mình”, vì vậy Washington không tìm cách giúp lực lượng thân Mỹ tại những bàn cờ chính trị mới có được thứ vũ khí tinh thần lợi hại – chủ thuyết.

Nỗi ám ảnh của Chiến tranh Lạnh khiến Washington không hoàn tất các nước đi của mình

Với mấy chục năm tồn tại cuộc Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ, Washington đã nhận ra sự nguy hiểm trong việc đối trọng ý thức hệ. Do vậy, sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh lạnh kết thúc thì Washington tìm cách hạn chế tối đa việc trang bị thứ vũ khí lợi hại mà ngay khi trao cho đồng minh là đã biết ngay hậu quả với nước Mỹ.

Cuộc Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ được thể hiện rõ nhất qua việc chạy đua vũ trang của hai bên, trong đó có cả vũ khí hạt nhân, nhằm tạo ưu thế cho mình trước đối thủ. Hậu quả là kho vũ khí giết người hàng loạt ngày càng to ra, đe doạ cả loài người trước hiểm hoạ diệt vong. Do vậy, dù rất nóng nhưng một cuộc chiến tranh Xô – Mỹ đã không xảy ra.

Khi không thể chiến thắng đối phương trong một cuộc chiến tranh mà kết quả sẽ là sự diệt vong của cả nhân loại, Washington và Moscow đã chuyển sang một cuộc chiến nguy hiểm hơn là đối đầu về ý thức hệ. Và để chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu này, Washington cũng phải chạy đua với đối thủ không kém gì chạy đua vũ trang.

Hình ảnh vụ khủng bố 11/9 - một sự kiện bước ngoặt, khởi phát cho những nước cờ chính trị nửa vời của Washington. Ảnh : Getty
Hình ảnh vụ khủng bố 11/9 - một sự kiện bước ngoặt, khởi phát cho những nước cờ chính trị nửa vời của Washington. Ảnh : Getty

Khi sự đối trọng đang ở đỉnh cao thì đối thủ lại biến mất. Việc Liên Xô tan rã được dư luận phương Tây nhìn nhận là chiến thắng của Washington trong cuộc Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ, song với những nhà hoạch định chiến lược của nước Mỹ thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi lẽ, Liên Xô và hệ thống các nước XHCN ở đông Âu tan rã chủ yếu là do nguyên nhân nội tại.

Vì vậy, với một chiến thắng mà không phải do mình tạo ra khiến cho những bộ óc chiến lược tại Washington hoài nghi về phía sau chiến thắng ấy. Và trong sự hoài nghi ấy chắc chắn có dự báo về việc một thực thể chính trị thay thế vai trò của Liên Xô sẽ hồi sinh trong tương lai.

Do vậy, trong thời gian hậu Chiến tranh Lạnh, Washington tìm mọi cách để không tái sinh một cuộc đối đầu ý thức hệ, dù Liên Xô có tái sinh.

Và quả thực là vai trò của Liên Xô đã dần được khôi phục khi Tổng thống Nga Vladimir Putin làm hồi sinh sức mạnh cho nước Nga và có những nước đi chiến lược, tạo vị thế cho nước Nga ngày một lớn hơn trên trường quốc tế.

Sự xuất sắc của Putin đã khiến nước Nga nhanh chóng trở thành đối trọng với phương Tây và cuộc Chiến tranh Lạnh đang có nguy cơ hồi sinh.

Tuy nhiên, nếu cuộc Chiến tranh Lạnh Nga – phương Tây hồi sinh thì sự nguy hiểm của nó đối với Washington không như cuộc Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ, vì Washington lúc này tạm tránh được cuộc đối đầu ý thức hệ.

Bởi lẽ việc Putin hồi sinh sức mạnh Nga nhanh hơn việc định hình lại cốt lõi ý thức hệ sau khi... Liên Xô tan rã.

Song sự nguy hại lại nằm ở sân sau mới của Mỹ - đó chính là sự hỗn loạn tại những bàn cờ chính trị mới mà Washington tạo ra, sau các chiến dịch tìm và diệt khủng bố cũng như loại bỏ những thực thể mà Washington nhìn nhận là "phạm tội ác chống lại loài người". Washington đã phải trả giá cho sự nửa vời ấy khi không nắm được những quân cờ mới, chứ nói gì đến việc làm chủ bàn cờ.

Washington đã không thể trừng phạt Tripoli sau cái chết của Đại sứ Mỹ tại Libya Ohn Christopher Stevens, bởi không biết trừng phạt ai trong một Libya gần như vô chủ.

Một chính trường Iraq hỗn loạn hay gần đây nhất là sự thất thủ của phe đối lập Syria tại Aleppo, là những hậu quả rõ nhất bởi sự nửa vời của Washington.

Những hậu quả tai hại từ những nước đi không hoàn tất chắc chắn sẽ khiến Washington phải có những nước đi mới, hình thành những ván cờ mới, từ đó tạo ra những bàn cờ chính trị mới.

(Những nước đi “khắc phục” của Washington như thế nào, người viết xin được phép trình bày ở kỳ tiếp theo).

Theo Ngọc Việt

Đất Việt