Vướng lợi ích riêng, châu Á khó đồng thuận
Trung Quốc đang trỗi dậy – quá nhanh. Vậy tại sao phần còn lại của châu Á không thể cùng nhau phối hợp hành động?
Thập niên qua, các quốc gia Đông Á đã gây bất ngờ cho các nhà quan sát bởi dường như họ đã muốn chung tay sát cánh. Dù gì thì đây cũng là khu vực mà sự thù hận từ xa xưa (và có thể cũng không đến mức quá xưa) đã ăn quá sâu. Nhưng các nhà quan sát cũng chưa nên đặt quá nhiều hy vọng: Những mâu thuẫn ngày nay và di sản lịch sử vẫn đang ngăn cản việc biến các thỏa thuận thành một mối hợp tác khu vực đích thực.
Trên lý thuyết thì tiến bộ đạt được có vẻ đang diễn ra nhanh. Năm 2010, Trung Quốc, Australia và New Zealand đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho phép quyền ưu tiên tiếp cận những thị trường của nhau. Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc cũng đang đàm phán một hiệp định mậu dịch tự do.
Nhưng công cuộc gắn kết các liên minh kinh tế Đông Á đang phải chịu gánh nặng lịch sử và trở nên trục trặc bởi những hiệp định an ninh thiếu hiệu quả. Ba điểm nóng lớn nhất trong khu vực đã tồn tại từ nhiều thập kỷ, nếu không nói là thế kỷ, và giống như miệng núi lửa - sống âm ỉ nhưng đôi khi vẫn gây chết người.
Không kể các cuộc chiến tranh của Pháp, Mỹ và Trung Quốc với Việt Nam, thì cuộc chiến toàn diện cuối là chiến tranh Triều Tiên, đã kết thúc gần 60 năm trước. Nhưng hậu quả của nó còn đeo đẳng tới tận hôm nay: CHDCND Triều Tiên và Mỹ chưa bao giờ đạt được một hiệp định hòa bình và về cơ bản vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Tương tự, cuộc xâm lược của đế quốc Nhật đối với Trung Quốc, Triều Tiên và Đài Loan và toàn bộ khu vực Đông Nam Á là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới những biến động ở châu Á thế kỷ 20. Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn để lại những ảnh hưởng chính trị ở châu Á lớn hơn nhiều ở Mỹ - mà minh chứng là sự đổ vỡ của hiệp định quân sự Hàn Quốc - Nhật Bản vì tinh thần chống Nhật còn dai dẳng tại xứ Hàn.
Nếu Nhật Bản bị đè nén bởi gánh nặng lịch sử, thì Trung Quốc cũng vậy. Sau khi quân du kích Trung Quốc đánh bật quân Nhật ra khỏi đất nước năm 1945, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đẩy Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng ra đảo Đài Loan năm 1949. Tháng 7, Trung Quốc tổ chức lễ thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" để quản lý khoảng 77.000 dặm vuông Biển Đông. Hành động này đã gây phẫn nộ cho 5 quốc gia khác tuyên bố một phần Biển Đông là lãnh thổ của mình. Tổng thống Philippine Benigno Aquino dường như đã lên tiếng thay cho mọi người dân trong khu vực khi có bài phát biểu hồi tháng 7, với câu nói: "Nếu kẻ nào đó bước vào sân nhà chúng ta và nói mảnh sân này là của anh ta, chúng ta có cho phép điều đó?"
Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan còn có tranh chấp gay gắt vì một quần đảo không người ở, năm giữa ba bên, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Vấn đề này đã đánh đúng vào tâm lý dân tộc chủ nghĩa tại các bên tranh chấp. Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara hồi tháng 6 thậm chí còn có một đề nghị rất mỉa mai rằng nên đặt tên cho con gấu trúc sắp chào đời tại vườn thú Tokyo là Sen-Sen hay Kaku-Kaku.
Ai đó có thể cho rằng một khi các quốc gia Đông Á giàu lên và ổn định hơn thì sẽ muốn thiết lập những đồng minh khu vực để giúp bảo vệ lợi ích và chủ quyền của nhau. Nhưng đây là một khu vực mà hoạt động ngoại giao rất dễ thay đổi và sự nghi kỵ tiếp tục cản trở những dàn xếp hợp lý cho mỗi bên. Khó có thể tin được khi tại đây chỉ có một liên minh quân sự duy nhất trong khu vực - đó là giữa Trung Quốc và Triều Tiên, một hiệp định được "hoàn tất bằng máu", như lời của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt miêu tả hồi năm 2009.
Tất nhiên, Mỹ cũng có các cam kết tương tự với một loạt quốc gia trong khu vực. Mỹ đã ký các thoả thuận quốc phòng chính thức với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine, Thái Lan và Australia và các quan hệ đối tác an ninh thân thiết (tức liên kết ở cấp độ thấp hơn liên minh) với Singapore và Indonesia. Nhưng các quan hệ hợp tác này chưa được trải qua thử thách kể từ Chiến tranh Triều Tiên, khi lính và thủy quân lục chiến Mỹ chống lại cuộc tấn công dữ dội của quân đội tq trên sông Áp Lục; nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc khiến Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc tôn trọng các thỏa thuận an ninh của mình.
Một hiệp ước quân sự khả thi duy nhất khác trong khu vực là "Hiệp ước phòng vệ 5 bên" giữa Australia, Anh, New Zealand, Malaysia và Singapore ký kết năm 1971. Năm quốc gia đã thống nhất tham vấn lẫn nhau trong trường hợp bị gây hấn từ bên ngoài nhằm vào bán đảo Malaysia. Nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia châu Á không quan tâm đến phòng thủ: ngân sách quân sự đang gia tăng nhanh chóng. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi sau 3 năm, trong khi bình quân các quốc gia Đông Nam Á đã tăng chi tiêu quốc phòng 13,5% trong năm 2011, và tổng chi tiêu ngân sách quốc phòng của châu Á sẽ vượt châu Âu lần đầu tiên trong năm nay. Điều đó cho thấy các quốc gia châu Á sẽ càng khó gần nhau hơn.
Đối với ASEAN, tổ chức chính trị quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Á, cũng đang rất căng thẳng bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Được thành lập từ năm 1967 với mục tiêu mang đến tình đoàn kết trong khu vực nhưng ASEAN rõ ràng chưa phải là một hiệp ước phòng thủ: các thành viên nhất chí không tấn công lẫn nhau (nhưng thực tế họ đã đôi lần phá vỡ cam kết, mới đây nhất là vào năm 2008 và 2011, khi quân đội Campuchia và Thái Lan đụng độ sau những tranh chấp về chủ quyền ngôi đền nằm giữa biên giới hai nước). Trong một hội nghị thường niên vừa diễn ra vào tháng 7 tại Campuchia, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN đã không đưa ra được thông cáo chung, nguyên nhân có thể là do sự can thiệp của Trung Quốc với tham vọng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Vai trò trung tâm hiện nay của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng đồng nghĩa, cho dù lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh cùng với những tuyên bố mạnh miệng của Trung Quốc, các quốc gia láng giềng đều muốn tránh những rủi ro cho nền kinh tế nước mình khi đối đầu trực tiếp vơi Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc cũng đang cảm thấy dễ bị tổn thương. Chu Phong (Zhu Feng), phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, năm 2009 từng miêu tả Trung Quốc là "một cường quốc mới nổi đơn độc" - ý nói đây là một quốc gia chỉ có liên minh duy nhất trong số 14 nước láng giềng là với Triều Tiên.