"Vua đại dương" Trung Quốc và mối lo của Mỹ
(Dân trí) - Giới chức hải quân Mỹ hiện đang đau đầu với một loại vũ khí do Trung Quốc phát triển, được cho là đang làm thay đổi thế cân bằng quyền lực trên Thái Bình Dương. Đó là tên lửa chống tàu sân bay đầu tiên của thế giới, có tên gọi Dong Feng 21D.
Từ trước tới nay, nhiều người cho rằng không có gì thể hiện sức mạnh trên biển cũng như trên không khắp toàn cầu của Mỹ rõ ràng hơn các tàu sân bay. Được trang bị các chiến đấu cơ có thể thâm nhập sâu vào trong các vùng chiến sự, hạm đội tàu sân bay của Mỹ từ lâu đã thống trị ở khắp các vùng biển.
Và nay Trung Quốc đang phát triển Dong Feng (Đông Phong) 21D, tên lửa đạn đạo chống tàu đầu tiên và duy nhất trên thế giới còn được ví như "ông hoàng đại dương", có thể phóng đi từ đất liền với độ chính xác đủ để tiêu diệt hệ thống phòng thủ của tàu sân bay đang di chuyển tiên tiến nhất, với tầm xa 1.500km. Một phiên bản của Đông Phong đã được phô diễn trong một cuộc diễu hành quân sự vào năm ngoái.
Theo các nhà phân tích, bước thử nghiệm cuối cùng của Đông Phong 21D có thể sớm diễn ra vào cuối năm nay, mặc dù nhiều người vẫn hoài nghi là làm thế nào Trung Quốc có thể nhanh chóng hoàn chỉnh độ chính xác của Đông Phong 21D để "khống chế" được một tàu sân bay đang di chuyển trên đại dương.
Giới phân tích nhấn mạnh rằng mặc dù Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều để có một hạm đội tàu sân bay riêng, nhưng họ sẽ phải mất nhiều thập niên nữa để bắt kịp trình độ cũng như kinh nghiệm của các thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ.
Song họ cũng cho rằng Trung Quốc không cần phải có tàu sân bay để “đối” với tàu sân bay Mỹ. Đông Phong 21D, thông minh hơn, và rẻ hơn rất nhiều, có thể tấn công thành công tàu sân bay Mỹ hay ít nhất là ngăn không cho nó tiến gần hơn vào Trung Quốc đại lục.
Cũng theo giới phân tích, loại vũ khí này có thể cách mạng hóa vai trò của Trung Quốc trong cán cân quyền lực tại Thái Bình Dương, làm suy yếu khả năng can thiệp của Washington vào bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra liên quan đến vấn đề Đài Loan hay Triều Tiên. Tên lửa này cũng được đánh giá là sẽ “triệt” con đường tiếp cận an toàn của tàu thuyền Mỹ vào vùng biển quốc tế gần bờ biển dài 18.000km của Trung Quốc.
Mặc dù về lý thuyết bom nguyên tử có thể đánh đắm được tàu sân bay, nếu người sử dụng sẵn sàng nâng mức cảnh báo lên cấp độ hạt nhân, thì vũ khí thông thường Đông Phong 21D lại có lợi thế là có thể bắn trúng mục tiêu đang chuyển động với độ chính xác tuyệt đối, không gây “liên lụy” tới khu vực xung quanh.
Theo Toshi Yoshihara, giáo sư tại Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ: “Trung Quốc có thể tiến ra và tấn công Mỹ trước khi Mỹ có thể tiến đủ gần tới lục địa Trung Quốc để đáp trả”. Và tên lửa chống tàu sân bay “có thể có tác động tâm lý dai dẳng đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Nó khẳng định thêm rằng hải quân Mỹ không còn thống trị những ngọn sóng đại dương như họ đã từng có kể từ cuối Thế chiến II”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo về nguy cơ này trong một hội nghị không quân vào tháng 9 năm ngoái. Ông Gates cho biết đầu tư của Trung Quốc vào chiến tranh mạng, vệ tinh, các loại vũ khí chống tàu, chống máy bay, cùng với tên lửa đạn đạo “có thể đe dọa” sức mạnh của Mỹ.
Song những điều trên vẫn là cảnh báo, bởi chúng ta vẫn chưa biết rõ khi nào và liệu Trung Quốc có thể hoàn chỉnh được công nghệ Đông Phong 21D hay không. Ngoài ra, bắn trúng một tàu sân bay đang di chuyển không hề dễ dàng. Một số chuyên gia cũng cho rằng phải mất tới một thập niên nữa, hoặc hơn Trung Quốc mới có thể tạo ra được đe dọa thực sự.
Phan Anh
Theo AP