Điều tra của The New York Times
Vụ thuốc giả Trung Quốc làm nhiều người trên thế giới mất mạng
Trong hơn hai mươi năm qua, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người trên thế giới, chủ yếu là trẻ em, đã tử vong khi được điều trị bằng một số loại thuốc ho, thuốc giảm sốt, thuốc tiêm tạp nhiễm chất diethylene glycol. Gần đây nhất là các vụ nhiễm độc ở Panama và Trung Quốc.
Thế nhưng xuất xứ loại hóa chất độc hại này chưa bao giờ được làm sáng tỏ. Bài điều tra đăng trên tờ The New York Times số ra hôm qua đã hé mở phần nào bí ẩn chết người này.
Đầu tiên là chứng suy thận. Rồi hệ thần kinh trung ương bắt đầu ngưng hoạt động. Bại liệt lan ra toàn thân, khiến hơi thở khó khăn hơn, thường là bất khả nếu không có máy trợ hô hấp. Cuối cùng, phần lớn các bệnh nhân đều chết.
Thủ phạm là chất diethylene glucol (DG), thường dùng làm dung môi công nghiệp và chất chống đông. Những kẻ làm giả đã dùng nó thay cho một chất tạo ngọt an toàn nhưng đắt tiền hơn là glycerin, để sản xuất ra nhiều loại tân dược, thực phẩm, kem đánh răng và nhiều sản phẩm khác mà không cần biết nó đã gây ra hàng ngàn cái chết ở nhiều nơi trên thế giới. Panama là nạn nhân mới nhất. Năm ngoái, ít nhất 365 người đã chết do sử dụng loại thuốc ho nhiễm độc DG.
Điều tra của The New York Times cho thấy hãng dược phẩm Panama đã nhập khẩu 46 thùng glycerin, trên nhãn hiệu là 99,5% nguyên chất, từ một nhà máy ở đồng bằng sông Dương Tử, Trung Quốc, sau khi đi vòng vèo qua 3 công ty thương mại ở Bắc Kinh và Barcelona. Không một công ty nào kiểm nghiệm lại thành phần hàng hóa mà họ buôn bán.
Nguy hiểm hơn, tên nhà sản xuất và chủ hàng trên giấy chứng nhận chất lượng nhiều lần bị sửa đổi, dập xóa, khiến người mua cuối cùng không thể xác định xem nhà sản xuất có nằm trong danh sách các công ty hóa chất được phép hay không.
Ngoài Panama, các vụ ngộ độc hàng loạt khác do DG còn xảy ra ở Trung Quốc, Haitti, Bangladesh, Argentina, Nigeria và Ấn Độ. Tháng 4/2006, một bệnh viện ở Quảng Châu lần đầu tiên dùng loại thuốc hiệu Amillarisin A để trị bệnh ở tuyến mật, do hãng dược phẩm Qiqihar (tỉnh Hắc Long Giang) bào chế. Trong vòng 1 tháng sau đó, 18 bệnh nhân đã tử vong.
Đến tháng 9/2006, hàng trăm ca tử vong bất thường lại được ghi nhận ở Panama. Sau nhiều tháng phân tích, nguyên nhân được xác định là độc chất DG nhập từ Trung Quốc dưới nhãn hiệu glycerin, và được sử dụng để bào chế thuốc ho. Đi tìm nguồn gốc 46 thùng "glycerin" nhập vào Panama, các phóng viên điều tra của The New York Times lần đến Nhà máy hóa chất Taixing ở thành phố Hengxiang, theo chứng từ là nhà cung cấp gốc.
Tuần trước, Cục Thực phẩm và Dược phẩm liên bang Hoa Kỳ (FDA) đã phát ra cảnh báo yêu cầu các nhà bào chế và nhập khẩu Mỹ "đặc biệt cảnh giác" trong việc giám sát chất DG. Thông báo của FDA không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng bắt buộc tất cả các lô hàng glycerin nhập khẩu phải được kiểm nghiệm xem có nhiễm DG hay không. |
Trên mạng internet, người ta thấy hình ảnh quảng cáo một công xưởng hiện đại với những tòa nhà cao tầng. Còn trên thực tế, Nhà máy Taixing là một cơ sở sản xuất... lậu, nằm trong một tòa nhà chỉ có đúng 1 tầng! Số "glycerin" bán cho Panama không phải do Taixing sản xuất ra mà mua lại từ một tư nhân là Vương Quý Bình. Bình cũng chính là người bán DG cho hãng dược Qiqihar đã nói ở trên, dưới nhãn hiệu giả mạo là glycerin.
Trước các nhà điều tra, Bình - người mới học hết lớp 9, nói rằng anh ta không có ý định hại chết người khi đánh tráo glycerin nguyên chất bằng DG, vì trước đó anh đã tự mình... thử nếm mà không thấy bị làm sao (!). Mỗi tấn DG bán ra dưới mác glycerin, Bình lãi trung bình 1.000 USD. Để đánh lừa người mua, Bình đã sử dụng giấy phép và giấy phân tích thành phần giả mạo. Vương Quý Bình bị bắt khi đang trên đường đào thoát cùng vợ và con trai. Án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu người đàn ông 41 tuổi này. Hãng dược Qiqihar bị đóng cửa, 5 nhân viên bị truy tố vì "gây ra sự cố nghiêm trọng".
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là không có nhà máy sản xuất glycerin nào ở Trung Quốc bị chính quyền làm phiền sau các vụ việc trên. Mọi ý định của The New York Times tiếp xúc với các cơ sở này đều bị từ chối. Thay vì rao bán "glycerin y tế" như trước đây, các nhà sản xuất này bây giờ gọi sản phẩm của họ là TD glycerin (TD, trong tiếng Trung, nghĩa là chất thay thế). Và như vậy, thứ hóa chất không được kiểm nghiệm về độ an toàn này vẫn đang hằng ngày được bán khắp trong nước cũng như xuất khẩu ra thế giới.
Theo Trường Khanh
Thanh niên