1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vụ thảm sát Ai Cập: Tiết lộ những chi tiết động trời

Những kẻ khủng bố giết chết 305 người tại đền thờ Hồi giáo ở Ai Cập hôm 24-11 mang theo lá cờ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, chúng đeo mặt nạ.


Ngôi đền bị tấn công có tên Al-Rawdah ở Bir al-Abed, gần El-Arish trên bán đảo Sinai. Ảnh: Reuters

Ngôi đền bị tấn công có tên Al-Rawdah ở Bir al-Abed, gần El-Arish trên bán đảo Sinai. Ảnh: Reuters

Thủ phạm vụ tấn công thảm khốc này là khoảng 30 tay súng. Chúng tạo ra một vùng chết chóc quanh ngôi đền thiêng bằng cách chặn các lối thoát và đốt cháy hàng loạt ô tô trước khi xả súng vào những người cầu nguyện. Cuộc thảm sát kéo dài tổng cộng 20 phút.

Văn phòng công tố Ai Cập hôm 25-11 nói rằng những kẻ tấn công đeo mặt nạ và mặc đồng phục kiểu quân đội, bao vây các cửa sổ và cửa chính trước khi kích hoạt một quả bom và xả súng trường tự động vào các nạn nhân.

"Chúng có khoảng 25-30 tên, mang theo cờ IS, chốt ở các vị trí trước cửa đền và 12 cửa sổ khác cùng súng trường tự động"- tuyên bố từ phòng công tố giải thích.


Hiện trường. Ảnh: Reuters

Hiện trường. Ảnh: Reuters

Trong vụ tấn công đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, được gọi là vụ thảm sát thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại của Ai Cập, những kẻ sát nhân đã nhằm vào những người dân vô tội, chúng hét lớn "Allahu Akbar" khiến đám đông giẫm đạp lên nhau và tìm cách nhảy ra khỏi cửa sổ để thoát thân. "Allahu Akbar", tạm dịch là ("Thánh Allah Vĩ đại", vốn là câu nhiều kẻ khủng bố theo IS khác cũng hô vang trong nhiều vụ tấn công vừa qua trên khắp thế giới).

Thế nhưng, khi các nạn nhân bỏ chạy– trong đó phần nhiều là những người Hồi giáo Sufis, một giáo phái Hồi giáo huyền bí bị những kẻ thánh chiến dòng Sunni căm ghét, họ đã rơi vào một cái bẫy đã sắp sẵn và bị thảm sát thương tâm.

Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 27 trẻ em. Ít nhất 128 người khác bị thương, theo hãng thông tấn nhà nước Ai Cập. Những kẻ tấn công sau đó chạy khỏi ngôi đền có tên Al-Rawdah này ở Bir al-Abed, gần El-Arish trên bán đảo Sinai, trước khi bị các chiến đấu cơ quân đội Ai Cập không kích vài giờ sau đó.

Tuyên bố từ Tổng công bố Nabil Sadeq cho thấy những kẻ tấn công đã tới ngôi đền nói trên trong 5 chiếc xe và chia nhau ra đứng ở cửa chính và 12 cửa sổ của ngôi đền trước khi nổ súng.

Chúng còn phóng hỏa 7 chiếc xe khác bên ngoài ngôi đền, những chiếc xe này là của người đi cầu nguyện.


Nhiều ô tô bị phóng hỏa bên ngoài ngôi đền. Ảnh: Reuters

Nhiều ô tô bị phóng hỏa bên ngoài ngôi đền. Ảnh: Reuters

Abdullah Abdel-Nasser, 14 tuổi, dự lễ cầu nguyện cùng cha trong ngày định mệnh đó, kể lại rằng xả súng bắt đầu ngay khi giáo sĩ của đền chuẩn bị nghi lễ, người cầu nguyện đã bị hoảng loạn, tán loạn tìm chỗ lẩn trốn.

Một kẻ tấn công lúc đó la lớn cho phép trẻ em rời khỏi đền, nên Abdel-Nasser cho biết cậu đã vội vã bỏ chạy, dù cũng bị thương ở vai.

"Tôi thấy nhiều người ở cửa ra vào, nhiều người đã chết. Tôi không nghĩ ai có thể sống sót"- Abdel-Nasser kể lại khi đang ở trong bệnh viện ở TP Ismailia, nơi tiếp nhận khoảng 40 nạn nhân bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.

Trong khi đó, một người tên là Mohammed Ali cho biết anh mất tổng cộng 18 thành viên trong gia đình trong vụ tấn công.

Ngôi đền này thuộc về một gia tộc địa phương có tên Jreer, thế nên rất nhiều người trong gia tộc này tới cầu nguyện ở đây.

Theo Đỗ Quyên

Người Lao Động