Vũ khí Ukraine khét tiếng từng khiến máy bay Nga trả giá đắt giờ hết thời
(Dân trí) - Từng là khắc tinh với chiến đấu cơ Nga trong giai đoạn đầu xung đột nhưng các loại tên lửa vác vai như Stinger của Ukraine giờ đây đã trở nên vô dụng và gần như bất lực.
Nga khắc phục thành công điểm yếu chết người
Khi cuộc chiến tiếp tục kéo dài, mối đe dọa từ bom lượn có điều khiển của Nga, đã trở thành thách thức lớn đối với quân đội Ukraine (AFU) ở tiền tuyến và những diễn biến gần đây cho thấy hệ thống phòng không hiện tại của họ ngày càng kém hiệu quả trước những loại vũ khí tiên tiến này.
Kể từ tháng 3/2023, quân đội Nga (RFAF) đã thử nghiệm và cải tiến bom có điều khiển với mô-đun cánh lượn hiệu chỉnh quy hoạch phổ quát (UMPK), nâng tầm bay của chúng lên con số ấn tượng là 80km, thậm chí theo một số chuyên gia, tầm bay của chúng còn có thể xa hơn.
Việc cải tiến những quả bom này đã giúp máy bay chiến thuật Nga có thể thả bom từ không phận của mình, cách biên giới gần 40km, tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương, tạo ra những lỗ hổng mới của hệ thống phòng thủ Ukraine.
"Những quả bom cỡ lớn, rẻ tiền từ thời Liên Xô, đã được Nga hiện đại hóa và trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất giữa cuộc chiến tổng lực giữa Nga và Ukraine hiện nay", hãng tin ABC News viết.
Bom lượn có điều khiển của Nga hiện gồm hai loại:
Bom lượn UMPK
Vốn không điều khiển và được thả rơi tự do, khi được trang bị UMPK, những quả bom hạng nặng trong kho dự trữ từ thời Liên Xô đã có một sức sống mới, dễ dàng lướt đi với quãng đường từ 50-70km ở tốc độ cao để tiếp cận mục tiêu, cho phép máy bay hoạt động ngoài vùng hỏa lực phòng không dã chiến của Ukraine.
Điều quan trọng là "đồ chơi mới" lại rẻ hơn rất nhiều vì giá một mô-đun UMPK chỉ khoảng 20.000 USD.
Khi cuộc xung đột bắt đầu, do thiếu bom có điều khiển từ xa nên máy bay Nga phải thả bom thông thường ở độ cao thấp, gần như ngay trên đầu quân Ukraine nên dẫn đến tổn thất về máy bay, vì các đơn vị Ukraine được trang bị nhiều tên lửa phòng không vác vai (MANPADS).
Mọi thứ bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tốt hơn khi xuất hiện mô-đun UMPK, biến bom thường thành bom có điều khiển, giống như loại JDAM-ER của Mỹ. Nhờ đột phá này, không quân chiến thuật Nga đã "hồi sinh" khi có thể thả bom cách mục tiêu từ cự ly 50-70km với độ chính xác cao.
Đầu tiên, Nga lắp mô-đun UMPK cho loại bom thường FAB-250, sau đó là FAB-500, rồi đến FAB-1500. Con "quái vật" khủng khiếp nhất trong bộ sưu tập của tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga hiện nay là FAB-3000. Ngoài bom phá, thì bom chùm và bom nhiệt áp cũng được trang bị mô-đun này.
Phương tiện chủ lực của không quân Nga hiện nay là tiêm kích đa năng Su-34, tuy nhiên máy bay ném bom Su-24M cũng được nâng cấp để thả những quả bom mới này.
Bom lượn D-30
D-30 (hay UMPB) là vũ khí tấn công chính xác kết hợp giữa công nghệ dẫn đường quán tính và cánh lượn, được Nga phát triển vào đầu thập niên 2000. Hiện nó vẫn là một phần quan trọng trong kho vũ khí của không quân Nga.
Vũ khí mới này có trọng lượng 500kg và dài khoảng 3 mét, là loại bom cỡ nhỏ, được phóng từ máy bay chiến đấu ở độ cao khoảng 10km. Đặc điểm chính của nó là không có động cơ chuyên dụng để đẩy, mà dựa vào lực lướt khí động học theo "nguyên lý phóng lao" của đôi cánh để tiếp cận mục tiêu.
Chúng sử dụng dẫn đường quán tính để điều chỉnh quỹ đạo giữa hành trình và hệ thống hiệu chỉnh dẫn đường vệ tinh để tăng độ chính xác với tầm bay từ 40-80km, có thể đạt tốc độ lên tới 1.000km/h và mang nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm đầu đạn nổ mạnh và đầu đạn xuyên phá để phá hủy các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ như căn cứ quân sự, trung tâm vận tải và thậm chí cả máy bay trên mặt đất.
Về bản chất, cả hai loại bom hoạt động theo nguyên lý như nhau. Điểm khác nhau là D-30 được sản xuất "tất cả trong 1" ngay từ nhà máy, có thiết kế khí động học cho việc thả từ xa, nên có tầm bay xa hơn.
Hiện tại, chúng vẫn là một trong những vũ khí tấn công chính xác, được sử dụng rộng rãi trong không quân chiến thuật Nga. Chúng chứng minh rằng, vũ khí cũ vẫn có thể có hiệu quả cao trong chiến tranh hiện đại.
Mặc dù những quả bom này không được phương Tây, phân loại là "vũ khí thông minh", nhưng độ chính xác của chúng rất ấn tượng, với khả năng lệch không quá 20m so với hồng tâm.
Tên lửa Stinger của Ukraine vô dụng
Một trong những vấn đề quan trọng mà Ukraine phải đối mặt là các loại bom mới và nâng cấp của Nga đều không có dấu hiệu tỏa nhiệt để những tên lửa phòng không vác vai của Ukraine có thể khóa mục tiêu.
Vấn đề này hạn chế nghiêm trọng hiệu quả phòng không của Ukraine, vì loại MANPADS như Stinger của Mỹ, được thiết kế dẫn đường bằng tín hiệu nhiệt, không có tín hiệu này thì MANPADS gần như vô dụng, chẳng thể đánh chặn chúng.
Bên cạnh đó, những chiến đấu cơ Nga như Su-34 hay Su-24M khi thả bom đều bay ở độ cao lớn, cách xa mục tiêu nên các hệ thống phòng không dã chiến của Ukraine cũng đành bất lực.
Để chống lại vũ khí này, AFU buộc phải thích nghi bằng cách kết hợp hỏa lực giữa pháo phòng không và chiến thuật tác chiến điện tử (EW), để phá vỡ hoặc chuyển hướng bom lượn đang bay.
Những biện pháp đối phó này chỉ đạt được thành công hạn chế, nhưng quy mô lớn của cuộc ném bom của Nga ở một số khu vực - đặc biệt là xung quanh các thành phố pháo đài ở tiền tuyến, như Avdiivka, Pokrovsk hay Kurakhove - đã khiến AFU bị áp đảo.
Ngoài ra, Vladimir Bezruk, người đứng đầu lực lượng công binh Ukraine tại khu vực Kharkov, đã chỉ ra thiệt hại từ cả D-30 và bom FAB-250/500 cũ là tương đương nhau vì cùng sử dụng một loại đầu đạn.
Lợi thế đáng kể của bom có điều khiển nằm ở tầm xa và độ chính xác, khiến AFU khó phòng thủ hơn nhiều. Rõ ràng, xu hướng Nga sử dụng ồ ạt vũ khí mới đã buộc Ukraine phải đánh giá lại các chiến lược phòng không của mình.
Việc quân đội Ukraine dựa vào MANPADS để phòng thủ chống lại các mối đe dọa bay thấp như bom lượn, đã bộc lộ một lỗ hổng nghiêm trọng trong khả năng phòng thủ của họ.
Để đáp trả, lực lượng Kiev được cho là đã tăng cường nỗ lực nhắm vào các kho tên lửa, đạn dược và đường tiếp tế cũng như những sân bay nằm sâu bên trong nước Nga để hạn chế phi vụ ném bom của đối phương.
Tuy nhiên sự phát triển liên tục về chiến thuật và công nghệ vũ khí của Nga, đang buộc Ukraine tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mà Kiev đang có dấu hiệu đuối sức.
Trong khi bom lượn là một phần quan trọng trong kho vũ khí của Nga thì AFU ngày càng dựa vào các phương pháp phòng thủ phi truyền thống, nhằm cố gắng hạn chế sức mạnh của đối phương.
Câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có thể phát triển được biện pháp đối phó hiệu quả, khi thiệt hại của họ về bom lượn, đã trở thành nỗi đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường?