1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vũ khí tối mật của Liên Xô trên quỹ đạo

Cách đây 50 năm, tháng 12/1965, một loại vũ khí mật của Liên Xô là tổ hợp tên lửa quỹ đạo R-36 với tên lửa 8K69 đã được thử nghiệm thành công.

Gần 3 năm sau, ngày 19/11/1968, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ra quyết định đưa tổ hợp tên lửa chiến lược R-36 với tên lửa quỹ đạo 8K69 này vào trực chiến.

Điểm đặc biệt của R-36 là ở chỗ người Mỹ chuẩn bị đánh trả các đòn tấn công tên lửa của Liên Xô từ phía Bắc (qua Bắc cực), nhưng các tổng công trình sư Xô Viết đã tìm ra cách tấn công đối phương từ phía Nam bằng 8K69.

Sau đây là một số thông tin rất ngắn gọn về kiểu tên lửa này.

1.  Ba kiểu tên lửa cho cùng một mục tiêu nhưng cuối cùng chọn một

Từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, Liên Xô triển khai thiết kế tên lửa có thể tấn công tiêu diệt mục tiêu từ quỹ đạo gần Trái Đất.

Có 3 phòng thiết kế cùng tham gia vào cuộc cạnh tranh này: đó là Phòng thiết kế - thử nghiệm số 586 của Mikhail Iangel, Phòng thiết kế - thử nghiệm số 1 của Sergey Korolev và Phòng thiết kế - thử nghiệm số 52 của Vladimir Chelomei (Viện sỹ V.Cholomei – hai lần Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, cha đẻ của tên lửa mang tên mang “Proton” vẫn đang còn được sử dụng, vệ tinh nhân tạo của trái đất “Proton”, ông là một trong những người có công đầu trong tiến trình xây dựng “ lá chắn hạt nhân” của Liên Xô – còn Ianghel và Korolev là nhưng công trình sư Liên Xô bạn đọc đều đã biết).

Phòng thiết kế X.Korolev thiết kế GR-1 (“tên lửa toàn cầu ” – viết tắt tiếng Nga). Các tính năng kỹ thuật tương tự như tên lửa của Iangel. Tuy nhiên, khi thử nghiệm đã phát hiện một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến chế tạo động cơ cho tầng một của tên lửa nên GR-1 không được sản xuất hàng loạt. Đã có 2 tên lửa được chế tạo nhưng đến năm 1964, dự án của Korolev bị loại ra khỏi cuộc đua.

Vũ khí tối mật của Liên Xô trên quỹ đạo - 1

Tên lửa quỹ đạo 8K69

Tuy vậy, tên lửa “GR-1” cũng đã hoàn thành sứ mệnh “đe dọa'' của mình. Số là một trong 2 qủa tên lửa nói trên đã tham gia Lễ duyệt binh mừng Ngày chiến thắng 9/5/1965. Vì đã được công bố công khai từ trước nó là tên lửa quỹ đạo nên gây “ấn tượng” rất mạnh cho các đại biểu phương Tây dự khán lễ duyệt binh.

Còn Phòng thiết kế - thử nghiệm V. Chelomei thiết kế tên lửa “UR-200” phóng từ các trận địa cố định và từ các hầm phóng tên lửa kiểu “Sheksna”. Đã phóng thử nghiệm 9 lần và duy nhất chỉ có lần đầu thất bại – 8 lần còn lại đều thành công.

Tuy nhiên, “sản phẩm” của Chelomei cũng không được sản xuất hàng loạt. Một trong những lý do chính thuộc về kỹ thuật là không thể bảo quản tên lửa trong một thời gian dài sau khi đã nạp nhiên liệu. Một lý do khác và có lẽ đây mới là lý do quan trọng nhất - Phòng thiết kế Chelomei và chính bản thân V.Chelomei vốn rất được Nhikita Khrushov (Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô) ưu ái nâng đỡ.

Ngay sau khi N. Khrushov bị hạ bệ thì những công việc nhằm hoàn thiện UR-200 cũng được lệnh dừng lại – dĩ nhiên, đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Như vậy, người chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua là Mikhail Iangel – tổ hợp tên lửa R-36 với tên lửa 8K69 của ông đã được thử nghiệm thành công (tháng 12/1965 như đã nói ở trên) và được sản xuất hàng loạt để đưa vào trang bị. Năm 1969, một trung đoàn đã được thành lập với biên chế 18 tổ hợp phóng bố trí tại Trường bắn № 5 của Bộ Quốc phòng Liên Xô (sân bay vũ trụ Baikonur).

2. Nỗi ám ảnh đối với Người Mỹ

Ưu thế nổi bật của tổ hợp tên lửa Iangel là có tầm bắn không hạn chế. Ngoài ra, tên lửa được đưa lên quỹ đạo gần Trái Đất và có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Lục địa Bắc Mỹ với đường bay vòng qua Nam Cực. Vào thời điểm đó thì hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ “Safeguard” được bố trí để đánh chặn tên lửa Xô Viết từ hướng Bắc (qua Bắc cực).

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nghiệm thu cấp nhà nước Tonkikh khi đó đã phát biểu tại lễ nghiệm thu như sau: “Iangel thực sự là một nhà chiến lược, biết là không thể đối đầu trực diện với đối phương (tức là tấn công qua Bắc cực), ông đã vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ bằng cách tấn công từ hướng Nam.

Có lẽ người Mỹ đã không nghĩ rằng chúng ta có thể tìm ra biện pháp đáp trả (hệ thống phòng thủ chống tên lửa), lại càng không thể nghĩ chúng ta có thể chế tạo được “một tên lửa toàn cầu” như vậy. Tuy nhiên, Iangel đã chứng minh cho họ thấy những tính toán đó là quá chủ quan”.

Sự xuất hiện của tên lửa quỹ đạo Liên Xô đã buộc Mỹ phải chi một khoản tiền rất lớn để thành lập một vành đai phòng thủ chống tên lửa gần như thành hình tròn. Điều đáng sợ nữa đối với người Mỹ là không thể xác định được điểm tiếp đất của tên lửa khi nó đang bay trên quỹ đạo.

Có một chi tiết khá thú vị liên quan là một năm trước khi tổ hợp tên lửa trên được đưa vào trang bị, Liên Xô và Mỹ đã ký Hiệp ước cấm bố trí vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo. Tuy nhiên, tên lửa 8K69 không vi phạm Hiệp ước nói trên (vì bố trí trên mặt đất).

Lần thử nghiệm R-36 đầu tiên đã thất bại. Nhiên liệu bị rò rỉ chảy xuống nền bê tông và bốc cháy. Nhưng tháng 12/1965, tên lửa đã được thử nghiệm thành công - nó đã bay đúng một vòng quanh Trái Đất ở độ cao khoảng 150 km và rơi xuống khu vực được tính toán trước với sai số không đáng kể.

Trong tổng cộng 19 lần thử nghiệm tên lửa, chỉ có 4 lần thất bại nhưng tất cả đều do những sai sót trong khâu sản xuất, có nghĩa là có thể khắc phục được. Những thử nghiệm tiếp theo để hoàn thiện đã được kéo dài trong 3 năm và sau đó tên lửa được nghiệm thu. Nhiệm vụ sản xuất tên lửa này được giao cho Nhà máy chế tạo máy “ Iuznyi” (phía nam) tại thành phố Dnhepropetrovsk (tại Ukraine hiện nay).

Khi người Mỹ nhận thức được rằng, chỉ cần một quả tên lửa của tổ hợp R-36 - không chỉ có thể bay đến nước Mỹ từ hướng mà họ không “chờ sẵn” mà còn có thể biến một thành phố lớn, ví dụ như New York thành một đống gạch vụn, nên buộc phải tham gia vào các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược. Hiệp ước như vậy được ký kết năm 1979. Đến năm 1983 các tổ hợp tên lửa R-36 được đưa ra khỏi trang bị.

3. Một số tính năng chủ yếu của tên lửa 8K69

Tổ hợp tên lửa – cố định, với các tổ hợp và sở chỉ huy trong hầm phóng được bảo vệ trước các vụ nổ hạt nhân trên mặt đất .

Tổ hợp phóng – hầm phóng kiểu “OS”.

Kiểu tên lửa – xuyên lục địa, quỹ đạo, sử dụng nhiên liệu lỏng, hai tầng,

Trọng lượng phóng -181,297 tấn

Chiều dài -32,65 m

Đường kính -3m

Nhiên liệu : lỏng

Số lượng khối tác chiến -1

Công suất đầu đạn -5Mt

Trọng lượng nhiên liệu -48,5 tấn

Cự ly bắn tối đa – không hạn chế trong phạm vi một vòng quanh Trái Đất

Thời gian chuẩn bị phóng từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu – 4 phút

Sử dụng trong tác chiến – trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, nhiệt độ từ - 40 đến + 500 C và tốc độ gió trên mặt đất đến 25m/s, trước và sau tác động của một vụ nổ hạt nhân lên tổ hợp phóng

Thời gian trực chiến – từ 1968 đến 1983.

Theo Lê Hùng – Nguyễn Hoàng

Đất Việt