Vũ khí Nga đang thất thế ở châu Á
(Dân trí) - Dù Nga là cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới (chỉ đứng sau Mỹ) nhưng xuất khẩu vũ khí của Mátxcơva đang gặp khó tại thị trường châu Á, nơi chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.
Lý do chính là các nước nhập khẩu truyền thống của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng tự sản xuất vũ khí hoặc cắt giảm nhập khẩu vũ khí từ Nga do các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, phần lớn các quốc gia Đông Âu, từng là liên minh với Liên Xô cũ vốn nhập nhiều vũ khí từ Nga, hiện lại đang nhập khẩu từ các nước phương Tây.
Để bù lại sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu vũ khí, dầu mỏ và đất hiếm sang các nước phương Tây, Nga đã tăng cường quan hệ kinh tế với các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Bằng chứng cho thấy Mátxcơva và Bắc Kinh đã ký những hợp đồng lớn về khai thác dầu khí vào năm ngoái.
Xuất khẩu vũ khí cũng là một phần quan trọng của mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Á. Tính từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, châu Á là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mátxcơva.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước nhập khẩu vũ khí lớn từ Nga. Trong giai đoạn 2010-2014, Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt chiếm tới 39% và 11% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.
Trung Quốc từ lâu được biết đến là nhập khẩu vũ khí của Nga. Từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1949, quân đội Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu trang thiết bị vũ khí từ Nga/Liên Xô cũ hoặc thông qua chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tăng cường nhập khẩu vũ khí từ các quốc gia khác, trong đó có Israel, ngay sau khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lúc đó thực hiện cải cách kinh tế. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn là nhà nhập khẩu trang thiết bị quân sự chính từ Nga. Hiện Trung Quốc muốn nhập khẩu hệ thống phòng thử tên lửa S-400 Triumf của Nga.
Nhưng điểm lưu ý là Bắc Kinh hiện đang trong quá trình phát triển ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Phần lớn công nghệ là nhập khẩu từ Nga. Trung Quốc hiện có khả năng phát triển các trang thiết bị vũ khí tối tân, thậm chí vượt một số thiết bị hiện đại do phương Tây sản xuất. Trung Quốc, ngoài ra, còn xuất khẩu một số trang thiết bị quân sự đến các quốc gia có truyền thống nhập từ Nga với giá rẻ hơn để cạnh tranh ngược lại với Nga.
Trong khi đó, Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 trên thế giới, cũng là bạn hàng lớn của Nga. Trong giai đoạn 2004-2013, nhập khẩu vũ khí từ Nga chiếm tới 75% tổng số kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ. Tuy nhiên, tình hình có thể sớm thay đổi. Các nhà quan sát lo ngại rằng New Delhi quá phụ thuộc vào Mátxcơva về nhu cầu vũ khí và họ ủng hộ cho việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu. Ấn Độ hiện có một lợi thế hơn Trung Quốc đó là New Delhi không chịu sự trừng phạt về nhập khẩu vũ khí của các nước phương Tây. Trong khi đó, Bắc Kinh hiện vẫn đang bị các nước phương Tây trừng phạt về nhập khẩu vũ khi sau vụ việc trên Quảng trường Thiên An Môn.
Năm ngoái, Mỹ đã chính thức thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ. Tổng giá trị hợp đồng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ ký với Mỹ đã tăng lên 2 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn nhiều so với mốc 200 triệu USD vào năm 2009.
Ngoài ra, Thủ tướng Narendra Modi còn tuyên bố rằng New Delhi cần tự chủ trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao trong nước, một phần trong sáng kiến đầy tham vọng: “Sản xuất tại Ấn Độ”. Và sáng kiến này bước đầu đã mang lại kết quả. Trong số đó phải kể đến pháo Dhanush 155 li và tàu sân bay lớp Vikrant đầu tiên do New Delhi tự chế tạo.
Tất cả những thông tin trên được coi là bất lợi cho ngành xuất khẩu vũ khí của Nga. Tuy vậy, các nhà sản xuất vũ khí của Nga đang cố gắng hạ giá thành để đẩy mạnh xuất khẩu đến các nước châu Á khác. Theo chuyên gia Pyotr Topychkanov, Trung tâm Carnegie tại Mátxcơva, Nga có cơ hội mở rộng các hợp đồng xuất khẩu đến các nước châu Á khác như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Bangladesh và Pakistan.
Vũ Duy
Theo The Diplomat