Vũ khí Mỹ có thể làm thay đổi cục diện Châu Á - Thái Bình Dương
Bất luận ngân sách teo tóp, Lầu Năm Góc vẫn đầu tư mạnh vào nghiên cứu vũ khí. Quan sát kỹ hơn sẽ thấy hầu hết các loại vũ khí đời mới của Mỹ đều được thiết kế cho khái niệm chiến thuật Air-Sea Battle (tác chiến trên không và biển) mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra cách đây không lâu.
Tên lửa “có mắt” và hơn thế nữa
Thế hệ tên lửa “có mắt” và bay đến mục tiêu bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) như Tomahawk bây giờ có thể được xem là xưa. Trung tuần tháng 11/2013, Lockheed Martin đã thử nghiệm thành công tên lửa diệt hạm tầm xa (Long Range Anti-Ship Missile-LRASM) trong khuôn khổ một chương trình nằm dưới sự hỗ trợ của Cơ quan các dự án nghiên cứu cấp tiến quốc phòng (DAPRA) và Phòng nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ (ONR). Điểm khác biệt giữa LRASM với các loại tên lửa chính xác hiện tại là nó không chỉ được tích hợp hệ thống GPS chống nhiễu (anti-jam GPS) mà còn hoạt động… tự động.
Sau khi được phóng, LRASM sẽ bay dò tìm mục tiêu tự động, bằng cách liên lạc với máy bay do thám thông qua hệ thống Weapon Data Link. Nếu được phép tấn công thông qua lệnh của hệ thống điều khiển, LRASM sẽ lao thẳng vào mục tiêu. Nói cách khác, với các tên lửa thông thường, người ta phải “khóa” mục tiêu trước rồi mới bắn (điều này khiến tăng tỷ lệ bắn trượt đối với mục tiêu di động); trong khi đó, với LRASM, người ta bắn tên lửa lên trước rồi mới ngắm mục tiêu. Chính vì vậy nên LRASM chuyên trị “xử” các mục tiêu vốn di động liên tục (đặc biệt hữu dụng để diệt tàu chiến đối phương).
Tên lửa LRASM
Điều đáng chú ý ở chỗ LRASM tương thích với tất cả hệ thống phóng lẫn bệ phóng hiện tại, chẳng hạn hệ thống phóng VL-41 đang hiện diện trên tất cả tàu chiến hiện đại của Mỹ. Từ năm 2009 đến nay, Lockheed Martin đã thiết kế và đánh giá thử nghiệm hai loại LRASM: LRASM B là tên lửa hành trình siêu thanh bay ở tầm cao; và LRASM A được thiết kế bay thấp nhưng khả năng tàng hình tốt hơn. Cả hai đều được phóng từ máy bay. Với mẫu LRASM hiện tại, nó được thiết kế để trang bị cho chiến đấu cơ F-35.
Cần nói thêm, ngoài LRASM, DAPRA còn có dự án tên lửa ArcLight, được thiết kế để tấn công mục tiêu ở khoảng cách 2.000 hải lý (3.700km) chỉ trong 30 phút. “ArcLight sẽ mang lại khả năng thay đổi luật chơi trong chiến tranh” - phát ngôn viên DAPRA nói - “Khả năng có thể tấn công chính xác mục tiêu từ bất cứ nơi nào trên thế giới khi được khai hỏa từ những con tàu chiến thông thường sẽ giảm chi phí việc điều quân và mang lại những lợi thế về mặt chiến thuật lẫn chính trị”. Trước mắt, LRASM có thể được triển khai sớm trong tương lai gần, “để đối phó với Trung Quốc” - phát ngôn viên DAPRA nói thẳng!
Hệ thống SBX
Cho đến nay, thế giới chưa có hệ thống radar nào tương tự Hệ thống radar cảnh báo SBX (Sea-Based X-Band). Điểm khác biệt giữa SBX với các hệ thống radar khác của Mỹ là SBX dùng dải băng X trong khi Aegis dùng băng S và Patriot dùng băng tần số cao C. Tần số băng X vừa cao vừa ổn định; và bước sóng ngắn của nó (8-12 gigahertz) giúp chụp được ảnh độ phân giải cao. Di chuyển với vận tốc 15km/giờ, nằm trên một bệ nổi có chiều dài 116m; cao 85m và nặng 50.000 tấn (trị giá 900 triệu USD), nó có hệ thống ăngten hình cầu (Hãng Raytheon chế tạo theo hợp đồng của Boeing), với diện tích 384m2 trên đó có khoảng 45.000 module nhận - phát tín hiệu. Quả cầu ăngten nặng 8,1 tấn (cao 31,1m với đường kính 36,5m) được làm chất liệu sợi đặc biệt có thể chịu được bão táp mưa sa với sức gió hơn 210km/giờ...
Tướng tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh tên lửa phòng không Hoa Kỳ Trey Obering cho biết, SBX có thể nhận biết một vật thể nhỏ chỉ bằng quả bóng chày ở San Francisco (California) khi nó nhìn từ một địa điểm cực xa chẳng hạn Chesapeake Bay ở Virginia, tức ở khoảng cách 4.700km! SBX được sử dụng để theo dõi tên lửa đối phương từ mọi ngóc ngách thế giới và cảnh báo tức thì để lực lượng phòng không Mỹ bắn chặn. Nó không chỉ kết nối với các bộ chỉ huy tư lệnh mặt đất mà còn “ăn rơ” với các tàu chiến Mỹ đậu rải rác khắp nơi. Về lý thuyết, SBX có thể dễ dàng nhận biết sự khác biệt giữa đầu đạn tên lửa thật với đồ dỏm ngụy trang (decoy). “Bạn có thể thấy rõ đinh tán, cánh đuôi và nhiều bộ phận khác của tên lửa rơi cháy trong quá trình bay” - theo Larry Briggs, Giám đốc chương trình SBX của Raytheon.
Tầm quan sát SBX hiệu quả nhờ nó có thể di chuyển chứ không cố định như hầu hết hệ thống radar; và ăngten được thiết kế hình cầu để nó có thể khắc phục yếu tố tự nhiên mặt cong của Trái đất (gọi là “chân trời radar”). Nó dò được vệ tinh khi mục tiêu cách Trái đất khoảng 241km và đang di chuyển với vận tốc 17.000 dặm/giờ (tức khoảng 27.358km/giờ)! SBX-1 cung cấp thông tin cho USS Lake Erie và khu trục hạm này đã bắn tên lửa không đầu đạn “hạ gục” vệ tinh “ngay tại chỗ”!
Tháng 4/2012, nó rời quân cảng Trân Châu và mò vào biển Đông, để “giám sát phi vụ thử tên lửa Unha-3 của Bắc Triều Tiên” từ ngày 12 đến 16/4/2012; rồi trở về Trân Châu ngày 21/5/2012. Nó lại được đưa vào Biển Đông cuối năm 2012 để theo dõi thường trực Bắc Triều Tiên. Lần này thì Bắc Kinh thấy nhột thật sự. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không ít hơn một lần đã phải lên tiếng “yêu cầu Mỹ giải thích” và nói thẳng rằng “mục đích đen tối” của SBX Band là ngó chừng Trung Quốc.
Theo bản tuyên bố chung Mỹ - Nhật ký vào tháng 10/2013, một SBX Band thứ hai sẽ đưa đến căn cứ không quân Kyogamisaki (thuộc Kyoto) ở phía tây nước Nhật nhằm bổ sung cho hàng rào phòng thủ cảnh báo với hệ thống radar hiện thời đặt ở phía bắc nước này...
Trực thăng Apache: xưa rồi!
Cách đây không lâu, trên mạng xuất hiện một hình ảnh “rò rỉ” tại Trung Quốc cho thấy quân đội nước này dường như đang sở hữu máy bay trực thăng với thiết kế hệt như chiếc Apache. Không biết thực hư chuyện này thế nào nhưng với Mỹ, dù Apache vẫn còn được sử dụng và được nâng cấp liên tục, loại máy bay này cũng đã lỗi mốt bởi nó đã hiện diện từ năm 1975. Thượng tuần tháng 10/2013, theo Foreign Policy, các viên chức lục quân Mỹ đã ký bản ghi nhớ “thỏa thuận đầu tư kỹ thuật” với bốn đối tác - nhóm Bell-Lockheed Martin; nhóm Boeing-Sikorsky; Karem Aircraft và AVX Aircraft - để phát triển mẫu trực thăng hiện đại thay thế loạt trực thăng cũ, trong đó không chỉ có Apache mà cả UH-60 Black Hawk hoặc thậm chí V-22.
Đây là một phần của dự án dài hơi “Joint Multirole” (JMR) với mục tiêu sản xuất loại trực thăng chiến đấu đa năng. Loại trực thăng mới đang được đặt hàng phải đảm bảo các tiêu chí: có thể bay ít nhất 265 dặm/giờ (426,476km/giờ) - gấp đôi vận tốc cao nhất của các loại trực thăng trung bình hiện tại; có thể “đậu” trên không ở độ cao 6.000 feet (1828,8m) ở môi trường nhiệt độ 95oF (35oC); phải giảm tiếng ồn xuống mức tối thiểu; và tất nhiên phải có khả năng tàng hình. Tất cả các nhóm trên có 9 tháng để hoàn thành thiết kế; Lục quân sẽ chọn hai trong số đó để đầu tư sản xuất; thử nghiệm bay thực tế năm 2018; và được đưa vào phục vụ năm 2030.
Với hãng Karem (được sáng lập bởi Abraham Karem, bậc thầy về UAV, với ảnh hưởng lớn trong thiết kế UAV Predator), họ đã chào hàng mẫu TR36TD Optimum Speed Tiltrotor (OSTR) với thiết kế giống chiếc V-22. Karem cho biết OSTR có thể bay với vận tốc 414 dặm/giờ (666km/giờ), có khả năng “leo” cũng như “đậu” lơ lửng ở độ cao hơn bất kỳ trực thăng nào hiện tại… Với Hãng AVX Aircraft (mới thành lập 3 năm), mẫu của họ là chiếc có thân na ná thân xe hơi, chạy bằng hai cánh quạt motor ghép chồng và hai cánh quạt đẩy ở hông dùng để tăng tốc trong trường hợp cần thiết. AVX Aircraft cho biết trực thăng của họ có “giá rất mềm”… Mẫu kế đến là V-280 Valor của nhóm Bell Helicopter-Lockheed Martin (cả hai đều có bề dày kinh nghiệm chế tạo trực thăng; Bell chính là hãng sản xuất cánh và động cơ cho V-22). V-280 Valor được miêu tả là có thể “bay nhanh cùng tầm hoạt động gấp đôi so với các loại trực thăng quân sự hiện tại”…
Cuối cùng là nhóm Sikorsky-Boeing, với mẫu mang thiết kế dựa vào chiếc thử nghiệm X-2 của họ - hiện giữ quán quân về tốc độ với 290 dặm/giờ (466,7km/giờ). Tương tự mẫu của AVX Aircraft, mẫu của Sikorsky-Boeing cũng có hai cánh quạt ghép chồng trên trục đứng. X-2, của “chuyên gia trực thăng” Sikorsky (được thành lập bởi kỹ sư Mỹ gốc Nga Igor Sikorsky năm 1925; và chính là hãng thiết kế mẫu Sikorsky S-70 với hai sản phẩm UH-60 Black Hawk và SH-60 Seahawk vào năm 1974), đã được cho nghỉ hưu năm 2011.
Tàu ngầm lớp Virginia
Ngày 6/5/2013, chiếc tàu ngầm USS Minnesota (SSN-783) thuộc lớp Virginia mới nhất của Hải quân Mỹ đã thực hiện chuyến chạy “rôđa” đầu tiên. USS Minnesota là chiếc thứ 10 trong dự án 30 chiếc tàu ngầm lớp Virginia. Trước đó, người anh em của nó, chiếc thứ 9, USS Mississippi (SSN 782) 7.800 tấn trị giá 2,6 tỉ USD, đã được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2012. Có thể nói tàu ngầm lớp Virginia là thế hệ tàu ngầm hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Chạy bằng hạt nhân (vòng đời 33 năm) với vận tốc hơn 46km/giờ, tàu ngầm lớp Virginia nói chung và USS Mississippi nói riêng được thiết kế để làm tàu ngầm “tàng hình”. Hệ thống sonar giúp nó phát hiện tàu đối phương trước khi nó bị phát hiện. Theo mô tả của phóng viên Wired, USS Mississippi gần như không phát ra tiếng động. Khi nó chạy, bên trong tàu, người ta hoàn toàn không nghe tiếng động cơ. Âm thanh duy nhất nghe được là tiếng… máy lạnh. Thao tác di chuyển của nó cực kỳ linh hoạt: từ độ sâu 47m lặn xuống 122m chỉ mất 1 phút; và êm đến mức nếu bạn đang cầm cốc nước thì cũng chẳng có giọt nào sánh ra ngoài. Không như tàu ngầm thế hệ trước, kính tiềm vọng của USS Mississippi là hệ thống điện tử quang học gồm sợi cáp quang cho phép phòng điều khiển không chỉ quan sát được bề mặt đại dương mà còn giúp liên lạc vệ tinh để truyền nhận dữ liệu. Chiếc kính tiềm vọng này còn có các camera độ phân giải cao, hệ thống cảm ứng hồng ngoại, hệ thống laser hồng ngoại… Hình ảnh được thấy từ nó được truyền xuống phòng chỉ huy và hiển thị trên màn hình LCD.
Để nhận thông tin, USS Mississippi cần nổi lên ở độ sâu cách mặt nước khoảng 18m. Khi đó, thủy thủ có thể kết nối Internet băng thông rộng để truy cập vào mạng nội bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân hoặc gửi e-mail về gia đình. Nhờ hệ thống kết nối vệ tinh, nó cũng có thể liên lạc được với các chiến đấu cơ để phối hợp tác chiến. Ở độ sâu sâu hơn, việc liên lạc bằng băng thông rộng bị hạn chế nhưng tàu vẫn có thể kết nối được với vệ tinh để nhận lệnh… Có thể hoạt động suốt 90 ngày trong lòng biển, USS Mississippi chứa tổng cộng 138 người. Và bởi lang thang suốt ba tháng xa nhà nên USS Mississippi còn có cả lò nướng bánh mì để cung cấp bánh nóng hổi mỗi ngày cho thủy thủ đoàn...