Vũ khí laser - “sát thủ vô hình” đáng sợ của không quân Mỹ
Quân đội Mỹ đang có kế hoạch tích hợp hệ thống vũ khí laser trên máy bay chiến đấu vào giữa những năm 2020.
“Sát thủ vô hình” đáng sợ
Thời gian gần đây, Lầu Năm Góc đã bí mật thử nghiệm một hệ thống vũ khí laser dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu trong khuôn khổ Chương trình mang tên "Next-Generation Air Dominance - NGAD" (tạm dịch Thế hệ mới thống lĩnh bầu trời). Máy bay tương lai này được cho là sở hữu những tính năng tối tân nhất, trong đó phải kể đến trí trí tuệ nhân tạo, radar quang tử và vũ khí laser.
Tuy nhiên, máy bay chiến đấu thế hệ mới dự kiến sẽ mất thời gian dài để phát triển và hoàn thiện, vì thế không quân Mỹ đã chuyển hướng sang trang bị cho máy bay chiến đấu hiện tại của họ những tính năng của thế hệ thứ 6, trong đó có vũ khí laser.
Kế hoạch này dựa trên hệ thống phòng vệ bằng laser năng lượng cao (SHiELD) của tập đoàn Lockheed Martin, giúp máy bay chiến đấu tự vệ trước một cuộc tấn công bằng tên lửa. Mark Stephen, chuyên gia laser tại Lockheed Martin cho biết: “Lockheed Martin đang nghiên cứu để tích hợp hệ thống laser trên máy bay chiến đấu chiến thuật trong vòng 2 năm tới. Chúng tôi đang dành nhiều thời gian để tìm hiểu loại hình laser phù hợp nhất”.
Ban đầu, hệ thống có thể được dùng để bảo vệ những máy bay chiến đấu cũ, không có khả năng tàng hình để tránh sự phát hiện của đối phương. Khi được gắn trên thân hoặc cánh của máy bay chiến đấu, SHiELD có thể bắn hạ các tên lửa đất đối không và không đối đất.
Các máy bay chiến đấu hiện nay, phần lớn chỉ dừng lại ở việc sở hữu khả năng phòng thủ bị động trước một tên lửa đang chuẩn bị lao tới. Phi công có thể điều khiển máy bay tránh quỹ đạo của lên lửa, phóng pháo sáng để đánh lạc hướng chúng, hoặc rải các đám mây kim loại khiến tên lửa dẫn đường bằng radar không thể phát hiện mục tiêu. Sóng điện từ của radar đối phương khi gặp các đám mây kim loại sẽ phản xạ gây ra các chấm trắng nhỏ li ti nhấp nháy trên màn hình của radar đối phương làm che lấp và lẫn tín hiệu mục tiêu thực.
Tia laser sẽ là phương tiện phòng thủ chống tên lửa thực sự và đầu tiên của máy bay chiến đấu trong một cuộc không chiến, giúp chúng bắn hạ tên lửa dễ dàng. Vũ khí laser tạo ra những hiệu ứng khác biệt mà các loại vũ khí động năng hay vũ khí hóa học không thể có được. Vũ khí laser sử dụng các xung ánh sáng tập trung để truyền năng lượng đến mục tiêu, nhanh chóng đốt nóng và phá hủy nó.
“Không có tiếng động, không có tiếng ồn, không ai biết điều gì xảy ra. Đối phương không biết thiết bị của họ bị làm hỏng cho đến khi họ cố gắng kích hoạt nó”, Đại tá Tom Palenske chỉ huy Nhóm tác chiến số 1 của Không quân Mỹ giải thích.
SHiELD là hệ thống lắp trên giá treo. Điều này đồng nghĩa với việc nó sẽ chiếm một giá treo lắp bên ngoài máy bay chiến đấu thường dùng để dự trữ bom, tên lửa hoặc cảm biến. Thế nhưng hệ thống này lại khó tích hợp với các máy bay tàng hình như F-22 Raptor hoặc F-35 Joint Strike Fighter bởi việc lắp giá treo sẽ phá vỡ cấu trúc làm giảm tiết diện radar, qua đó giảm khả năng tàng hình của máy bay.
Cả hai dòng máy bay này có lẽ không cần đến vũ khí laser mới vì chúng được tích hợp sẵn công nghệ tàng hình để qua mắt tên lửa của đối phương. Trái lại, SHiELD có lẽ phù hợp hơn với những dòng máy bay chiến đấu không có khả năng tàng hình như F-15E, F-15C,F-15EX Eagle, F-16 Fighting Falcons và thậm chí cường kích “thần sấm” A-10C Warthog. Thay vì mang thêm một quả bom hay một tên lửa, việc mang được hệ thống laser sẽ giúp chúng bắn hạ bất cứ tên lửa nào của đối phương đang bay tới.
SHiELD, cùng với hệ thống bắn pháo sáng và thiết bị gây nhiễu một ngày nào đó có thể được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo R2D2 có nhiệm vụ bảo vệ máy bay chiến đấu khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và giúp phi công tập trung hoàn thành các nhiệm vụ khác.
Laser sẽ là vũ khí hữu ích trên không trung. Vũ khí laser có thể được kích hoạt bởi động cơ của máy bay, giúp loại bỏ nhu cầu về tích trữ đạn dược trên máy bay và cung cấp số lượng phát bắn không giới hạn về mặt lý thuyết. Các tia laser di chuyển với tốc độ ánh sáng, khiến tên lửa đạn đạo của đối phương khó bề né tránh.
Nhược điểm của vũ khí laser
Tuy nhiên, vũ khí laser cũng có một vài nhược điểm. Hiệu ứng khí quyển, đặc biệt là hơi nước và các phần tử khói sẽ nhanh chóng làm loãng cường độ của tia laser. Tia laser càng truyền đi xa thì lại càng có cường độ yếu hơn.
Hơn nữa, tia laser cần phải được chiếu vào tên lửa đang di chuyển nhanh trong thời gian đủ lâu mới có thể phát huy tác dụng. Không giống như tên lửa vốn có đầu đạn nổ mạnh để hạ gục đối phương ngay lập tức, hệ thống vũ khí laser chiếu ra một luồng ánh sáng tập trung làm nóng mục tiêu cho đến khi chúng bị hỏng hóc hay phát nổ. Trong trường hợp này tốc độ cực nhanh của tên lửa chính là thử thách đối với vũ khí laser, khiến chúng khó có thể bắn các chùm tia laser trong thời gian đủ lâu để đạt hiệu quả.
Trên thực tế, việc sử dụng hệ thống laser để bắn hạ tên lửa khó hơn so với tưởng tượng. Hệ thống này phải tích hợp được các khả năng phát hiện, theo dõi và bắn hạ tên lửa đang bay tới. Tia laser phải đủ mạnh để phá hủy các thiết bị điện từ của tên lửa, hoặc gây hư hại vỏ ngoài hay hệ thống kiểm soát của nó, khiến tên lửa không thể hoạt động được. Công suất của ShiELD vẫn chưa được công bố, nhưng theo một báo cáo gần đây của Defense News, mức công suất này vào khoảng “hàng chục kilowatt”.
Nhà phân tích quốc phòng Sydney J. Freedberg cho rằng, có rất nhiều thách thức mà vũ khí laser cần phải vượt qua để đạt được hiệu quả cao trong các cuộc không chiến.
“Ngoài công suất, độ chính xác của vũ khí laser cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các chùm laser càng có nhiều năng lượng thì càng di chuyển nhanh hơn, có tầm hoạt động xa hơn và gia tăng khả năng sát thương hay gây thiệt hại. Nhưng trước hết, bạn vẫn cần phải xác định và đánh trúng mục tiêu”.
Trong tương lai, một hệ thống vũ khí như SHiELD sẽ có mặt trên hầu hết các loại máy bay, từ máy bay ném bom cho đến máy bay tiếp nhiên liệu trên không, giúp chúng có khả năng tự vệ tốt hơn. Khi hệ thống vũ khí laser ngày càng trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện hơn, chúng sẽ gia tăng khả năng tấn công những mục tiêu lớn và phức tạp hơn chẳng hạn như máy bay của đối phương.
Laser cũng sẽ trở nên hữu ích trong việc tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Một số chuyên gia dự đoán chúng có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo ngay khi rời bệ phóng.
Các máy bay chiến đấu đã được trang bị súng hơn 100 năm qua. Nhưng trong tương lai, laser có thể thay thế súng trở thành vũ khí phòng vệ lý tưởng. Dù laser không được coi là một vũ khí “vạn năng” nhưng những ứng dụng rộng rãi của nó khiến người ta không thể không xem xét. Trước đó vào năm 2019, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống SHiELD để bắn hạ một loạt các mục tiêu di động trên không.