1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí cảm tử của Nga trở thành "cơn đau đầu" với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet của Nga đã trở thành "cơn đau đầu" đối với lực lượng tiền tuyến của Ukraine trong bối cảnh xung đột leo thang.

Vũ khí cảm tử của Nga trở thành cơn đau đầu với Ukraine - 1

UAV Lancet của Nga (Ảnh: Sputnik).

Theo Yury Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, tình báo Kiev tin rằng Nga đã "bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào việc sản xuất các máy bay không người lái cảm tử Lancet".

"Để hiểu tại sao chúng là mối lo ngại của chúng tôi, thì bất cứ thứ gì có khả năng làm hỏng thiết bị của chúng tôi hoặc gây rủi ro cho quân đội của chúng tôi đều là mối lo ngại đối với chúng tôi. Không phải tôi khen ngợi Nga, nhưng UAV cảm tử của họ là một loại vũ khí hiệu quả", ông Sak nói.

Các UAV Lancet của Nga có thể bay ở tầm thấp để tránh bị phát hiện, có khả năng cơ động cao và có thể lảng vảng trên không cho đến khi mục tiêu lộ diện. Những yếu tố này khiến Lancet trở thành mối đe dọa lớn đối với pháo binh Ukraine, đặc biệt là khi Kiev không muốn sử dụng tên lửa phòng không đắt đỏ để tiêu diệt những UAV giá rẻ này.

UAV Lancet được chế tạo để thực hiện nhiệm vụ chính là trinh sát, tuy nhiên, thiết bị này cũng có khả năng tấn công tự sát, đặc biệt trước mục tiêu có giá trị cao như hệ thống tên lửa đối phương.

Lancet được trang bị các cảm biến và camera tiên tiến mang lại cho người điều khiển góc nhìn toàn cảnh về chiến trường, cho phép xác định mục tiêu và tập kích hiệu quả.

Vật liệu và lớp sơn của UAV Lancet giúp loại vũ khí hiện đại này miễn nhiễm với các loại vũ khí đánh chặn bằng tia laser. Quân đội Nga cũng khẳng định UAV Lancet có thể được hoán cải để trở thành những hệ thống "mìn trên không" nhằm vào các máy bay không người lái của quân đội Ukraine.

UAV "sát thủ" Nga tập kích, đánh nổ lựu pháo Mỹ ở Ukraine (Nguồn: Sputnik).

Lancet hoạt động theo cơ chế mang thuốc nổ bay lơ lửng trên không trung và liên tục tìm kiếm mục tiêu. Khi mục tiêu được xác nhận, UAV sẽ tấn công tự sát như cơ chế của một tên lửa không đối đất. UAV này được đặt tên là "Lancet", tức là "dao mổ", vì khả năng tấn công mục tiêu chính xác cao như trong một cuộc phẫu thuật.

UAV Lancet của nhà thầu ZALA Aero được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. UAV này có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công.

Lancet có tốc độ khoảng 110km/h, khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 3kg cùng với việc được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh. Lancet được nhận định là có thể gây ra thiệt hại lớn với các trang thiết bị quân sự của đối phương. Lancet có thể tấn công mục tiêu trong phạm vi 40km và có trọng lượng cất cánh tối đa 12kg (gồm cả thuốc nổ).

Theo quan chức Ukraine, phương Tây có thể giúp Ukraine đối phó với các UAV này bằng cách gửi thêm các hệ thống phòng không, đặc biệt là pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất.

"Gepard cơ động, chúng có thể di chuyển nhanh và chúng được trang bị radar tốt có thể giúp Ukraine đối phó", ông Sak nhận định.

Đức đã gửi 34 chiếc Gepard tới Ukraine và 18 chiếc khác đang trên đường được chuyển giao cho Kiev. Tổng cộng, theo các quan chức Đức, Berlin có kế hoạch cung cấp cho Kiev 45 chiếc Gepard vào cuối năm 2023.

Ông Sak cũng cho biết UAV Lancet có thể bị vô hiệu hóa thông qua các biện pháp tác chiến điện tử.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 với The Economist, Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, đã mô tả Lancet là "máy bay không người lái nguy hiểm nhất" đối với Ukraine và có khả năng tấn công lực lượng pháo binh nước này.

Trong những tuần gần đây, quân đội Nga đã nhiều lần tuyên bố sử dụng thành công loại UAV này để phá hủy các đội súng cối, pháo tự hành, xe tăng và các phương tiện hạng nặng khác của Ukraine.

Theo RT