1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vụ bê bối hạ bệ tổng thống Mỹ Nixon

Scandal Watergate là một vụ gián điệp chính trị, diễn ra trong bối cảnh cuộc vận động tranh cử tổng thống, được sự che đậy của các quan chức cấp cao nhưng cuối cùng vẫn bị <a href="http://dantri.com.vn/Thegioi/2005/6/57893.vip">phanh phui</a>. Kết cục là tổng thống đương nhiệm Nixon mất chức.

Sau hơn 30 năm im lặng, người châm ngòi cho những cuộc điều tra dẫn đến việc hạ bệ tổng thống này đã ra công khai hôm qua.

Tâm điểm vụ bê bối là hệ thống của Nhà Trắng gồm các rệp nghe lén đối thủ. Tất cả các lời chứng đều được thu băng.

 

Sau đây là những diễn biến chính trong vụ bê bối của Nixon:

 

Câu chuyện bắt đầu với một nhân viên FBI tên là G. Gordon Liddy, tư vấn tài chính cho uỷ ban vận động tái cử của tổng thống Nixon.

 

Liddy được cấp 250.000 USD để thực hiện một kế hoạch gồm các "võ bẩn" và điệp vụ, trong đó có việc đột nhập vào văn phòng của Uỷ ban quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) trong toà nhà Watergate bên sông Potomac để cài rệp vào đường điện thoại, ăn cắp tài liệu của đảng này.

 

5 kẻ thực thi các kế hoạch này bị bắt quả tang ngay tại DNC ngày 17/6/1972. Trong số đó có E. Howard Hunt, cựu nhân viên CIA từng thực hiện 42 điệp vụ trong chiến dịch Vịnh Con Lợn nhằm xâm chiếm Cuba (1962); James W. McCord, một kỹ thuật viên CIA 20 năm kinh nghiệm, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho uỷ ban vận động tái cử của tổng thống.

 

Hai phóng viên trẻ vô danh của The Washington Post khi đó là Bob Woodward và Carl Bernstein ngay từ lúc đó đã chú tâm theo dõi vụ trộm này, bởi họ cảm thấy đó là đầu mối của một scandal có dây mơ rễ má tới tận Nhà Trắng. Woodward đã tới toà án và nghe thấy McCord thì thầm "CIA" khi những tên trộm được yêu cầu công khai danh tính.

 

Mặc dù vụ trộm được công khai, Nixon vẫn giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử 1972 và nhận nhiệm kỳ hai.

 

Nhưng Thượng viện và cơ quan công tố Mỹ vẫn theo dõi các trợ lý của Nixon, và trước sức ép đó, tổng thống tuyên bố hai trợ lý có thể từ chức. Nixon sa thải cố vấn Nhà Trắng John Dean, người này sau đó tiết lộ những việc làm bí mật của Nhà Trắng, trong đó có việc chính phủ bị kẹt và phải chi tiền mua sự im lặng của những tên ăn trộm.

 

Nixon khẳng định không biết gì về việc bưng bít, và rằng ông không bao giờ khuyến khích nhân viên dưới quyền sử dụng những chiêu thức vận động không thích hợp. "Sự thực đơn giản là như vậy", Nixon tuyên bố với toàn thể quốc dân Mỹ.

 

Nhưng toàn bộ scandal vỡ lở khi Alexander Butterfield, người nắm giữ lịch làm việc của Nixon, công bố trước Thượng viện một hệ thống nghe lén ghe lại toàn bộ những cuộc đối thoại của Nixon tại Phòng Bầu dục, phòng họp Nội các, phòng khách và phòng làm việc của tổng thống ở trại David.

 

Những cuộc đối thoại của Nixon, về sau được công bố sau một trận chiến pháp lý kịch liệt ở Toà án Tối cao, đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài chính trị của Nixon, khiến ông này phải rời Nhà Trắng.

 

Theo Vnexpress/AP