1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vợ của các phi hành gia Mỹ: Nước mắt sau ánh hào quang

(Dân trí) - Là những người hùng thầm lặng đằng sau cuộc chạy đua vào không gian, vợ của các phi hành gia Mỹ đã phải sống trong rất nhiều áp lực của hào quang. Nhưng sau vẻ hào nhoáng là rất nhiều nước mắt mà họ chỉ được phép nuốt vào trong.

Điềm tĩnh, trong sáng và chỉnh tề không tì vết, họ từng được xem như biểu tượng của sự hoàn hảo của những “đệ nhất phu nhân” của không gian, bên cạnh những người chồng dũng cảm, dám đứng trên ranh giới giữa cái chết và tham vọng khám phá mặt trăng.

Vợ của các phi hành gia tàu Apollo 12 ăn mừng cuộc phóng thành công, ngày 16/11/1969
Vợ của các phi hành gia tàu Apollo 12 ăn mừng cuộc phóng thành công, ngày 16/11/1969

Vậy nhưng đằng sau những cảm xúc mạnh, ánh hào quang, sự nổi tiếng, những buổi diễu hành rợp trời cờ hoa, những bức ảnh bóng loáng trên bìa các tạp chí và lễ đón tiếp long trọng bên cạnh các chính khách, cuộc sống của vợ các phi hành gia từng tham gia các chương trình không gian đầu tiên của NASA là Mercury, Gemini và Apollo cũng đầy trống rỗng, lo sợ và không ít bê bối.

Lần đầu tiên được hé lộ trong một cuốn sách mới có tên “Câu lạc bộ vợ các phi hành gia”, câu chuyện của những người phụ nữ đằng sau đội ngũ những nhà thám hiểm không gian tiên phong của NASA những năm 1950 và 1970 cho thấy, không chỉ có cánh đàn ông mới đối diện những thử thách khó khăn.

Dưới áp lực phải luôn tròn trịa, hoàn hảo và sống đúng với những tiêu chuẩn vàng mà công chúng và NASA kỳ vọng, không ít người phải nhắm mắt làm ngơ những chuyện lăng nhăng của chồng, giấu nhẹm những lục đục trong gia đình, và vờ như cuộc sống hôn nhân luôn hòa thuận để bảo vệ hình ảnh và sự nghiệp của các phi hành gia.

“Tất cả chúng tôi đều cố gắng phải rất điềm tĩnh, hiền hòa và mọi thứ”, Jane Dreyfus, người đã ly hôn với người thứ ba đặt chân lên mặt trăng, nhà du hành quá cố Pete Conrad, năm 1988 nói.

Một số đã phải dùng các loại thuốc an thần, hoặc trong trường hợp của bà Susan Borman, vợ của chỉ huy tàu Apollo 8 Frank Borman, là tìm đến rượu, để giúp họ vượt qua những căng thẳng chết người khi thấy chồng mình được đưa vào vũ trụ, hoặc những tổn thương khi thấy cuộc hôn nhân ngày một vuột khỏi tay.

Chỉ bằng cách thành lập một hội các chị em mà họ gọi là “Câu lạc bộ vợ các phi hành gia”, với khẩu hiệu: “Tự hào, hạnh phúc và hồi hộp”, họ mới có thể giúp nhau vượt qua những thử thách và lo âu khi kết hôn với những người hùng không gian đầu tiên của nước Mỹ.

“Nếu bạn nghĩ lên mặt trăng là khó khăn, hãy thử là người ở nhà”, Barbara Cernan, vợ của Gene Cernan, chỉ huy tàu Apollo 17 với nhiệm vụ năm 1972 và là người cuối cùng lên mặt trăng, chia sẻ.

Trong lễ ra mắt cuốn sách tại Houston, ông Cernan đã phải cố kìm những giọt nước mắt trong khi thừa nhận: “Nếu không có những người vợ sẵn sàng chấp nhận những gì chúng tôi đang làm, tôi không tin rằng chúng tôi có thể đặt chân lên mặt trăng”.

Cuộc đua vào không gian bắt đầu tháng 10/1957 khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên. Trong không khí của Chiến tranh lạnh, điều đó làm người Mỹ giận dữ.

Là vợ của các phi hành gia Mỹ đồng nghĩa với rất nhiều tâm sự phải giấu kín
Là vợ của các phi hành gia Mỹ đồng nghĩa với rất nhiều tâm sự phải giấu kín

Hai năm sau, theo lệnh của Tổng thống Dwight Eisenhower, NASA đã lựa chọn những phi hành gia đầu tiên. Được biết đến dưới cái tên “Bộ 7 Mercury”, tất cả đều từng là các phi công bay thử nghiệm với trí thông minh hàng thiên tài. Với nhiệm vụ đánh bại Liên Xô trong cuộc đua người vào quỹ đạo, họ được xem như hình mẫu của sự chính trực và đại sứ của phong trào chống lại chủ nghĩa Cộng Sản.

Bất ngờ bị “đẩy” vào ánh hào quang, vợ của họ được phụ nữ khắp nước Mỹ xem như “7 quý bà lộng lẫy họ có thể noi gương và làm theo”, bà Lily Koppel, tác giả cuốn sách viết. Cuộc sống gia đình của họ thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Từ các kỹ năng nội trợ, gu thời trang, kiểu tóc và màu son môi…tất cả đều được để ý và bắt chước bởi những người xem họ là chuẩn mực, mà không hay biết những rạn nứt trong gia đình họ.

Trong số 30 phi hành gia được tuyển mộ tham gia dự án Mercury và các chương trình Gemini, Apollo, vốn thành công trong việc đưa người lên mặt trăng năm 1969, chỉ có 7 người duy trì được cuộc sống hôn nhân.

Một trong số đó đổ vỡ ngay cả trước khi chương trình Mercury bắt đầu. Vợ của Gordon Cooper là Trudy đã rời bỏ ông năm 1958, 4 tháng trước khi NASA chọn ông cho chương trình này, bởi “ông ta đã lăng nhăng với vợ của người khác”.

Trước việc sắp bước vào khoảng không và nhận ra rằng mình cần một “bà vợ đáng yêu” theo yêu cầu của NASA, ông đã thuyết phục vợ tái hợp. Nhưng cuối cùng họ vẫn phải chia tay trong những năm 1960.

Cuộc hôn nhân của phi hành gia Alan Shepard, một trong “Bộ 7 Mercury” và là người Mỹ đầu tiên đi vào không gian với vợ là Louise, là một trong ít cuộc hôn nhân còn tồn tại, bất chấp những bê bối do ông không ngừng tiệc tùng và quan hệ với gái làng chơi.

Trong khi đó John Glenn, một thành viên của “Bộ 7 Mercury”, người trở thành người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo trái đất, đã được NASA yêu cầu nói chuyện với báo giới để ngừng đăng tải những chuyện bê bối.

“Đúng như cách nhìn của John, bất kỳ nhà du hành nào không thể tránh chuyện trăng hoa, sẽ có nguy cơ mất mọi thứ và làm hỏng cơ hội của nước Mỹ trong việc đánh bại người Nga, không chỉ trong không gian mà còn trên nền tảng đạo đức. Tất cả họ đều có trách nhiệm phải trở thành những anh hùng toàn vẹn như được tung hô”, bà Koppel nói.

Vợ của rất nhiều phi hành gia đều xem Mũi Canaveral và khu nghỉ dưỡng Cocoa Beach như là “ổ gái điếm trong thị trấn”, nơi không ít phi hành gia có bồ nhí.

Don Eisele, người từng bay trên tàu Apollo 7 năm 1968, đã trở thành phi hành gia đầu tiên phải ly hôn, khi vợ ông quyết định chia tay ngay khi ông trở về, sau nhiều năm chịu đựng cảnh chồng lăng nhăng với bồ nhí tại Cocoa Beach.

Bất cứ khi nào bà lên tiếng về việc bà lo rằng ông đang không chung thủy, ông lại nói rằng bà chắc bị điên. “Nếu tôi điên, tôi sẽ đi gặp bác sỹ tâm thần”, bà đáp lại, nhưng chỉ được trả lời: “Bà không thể làm vậy. Tôi sẽ mất việc mất”.

Vợ của phi hành gia tàu Apollo 1 Gus Grissom, người đã tử nạn khi hỏa hoạn xảy ra trên bệ phóng lúc diễn tập năm 1967 tại Mũi Canaveral cũng biết rằng chồng mình lăng nhăng với phụ nữ khác nhưng phải cố lờ đi. “Tôi không nói rằng Gus không có bạn gái. Tôi chỉ cố không nghĩ về những khả năng đó”, bà thừa nhận.

Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng thì “không có cảm xúc gì” với người vợ đầu tiên. “Với họ thật khó khăn khi trở về nhà”, Faye Stafford, vợ cũ của phi hành gia Tom Stafford, người bay quanh mặt trăng trên tàu Apollo 10 năm 1969 chia sẻ. “Làm gì có ai có thể chạy đua với mặt trăng? Tôi đã thật may mắn nếu tôi chỉ về nhì”.

Thanh Tùng
Theo Telegraph