Việt Nam và EU có thể ký hiệp định thương mại tự do vào tháng 10
(Dân trí) - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và hy vọng hai bên sẽ ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vào tháng 10 tới.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange chiều nay 27/7 đã có cuộc gặp gỡ với báo chí tại Hà Nội để thông báo về kết quả của chuyến thăm tới Việt Nam cũng như trao đổi về các vấn đề liên quan tới Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Trước đó, ông Bernd Lange đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các quan chức cấp cao khác của Việt Nam.
Chia sẻ về tương lai của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu Bernd Lange nhấn mạnh việc thông qua văn kiện này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp châu Âu và doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời là tín hiệu tích cực cho thấy hai bên đều hướng mối quan hệ chung vào một hệ thống dựa trên luật lệ. Theo ông Lange, việc thông qua hiệp định mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến xu hướng bảo hộ mậu dịch và dân tộc chủ nghĩa lan rộng, tác động tiêu cực tới hệ thống thương mại dựa trên luật lệ cũng như hệ thống thương mại đa phương toàn cầu hiện nay.
“Tôi rất ấn tượng với sự tăng trưởng kinh tế ổn định gần đây của Việt Nam với mức tăng trưởng GDP trung bình 6% và gần đây là 7%. Tôi nghĩ việc ký kết EVFTA là cơ hội tốt mà Việt Nam cần nắm bắt để tiếp cận tốt hơn vào thị trường EU cũng như thu hút hiệu quả hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”, ông Lange nói.
Sớm ký kết hiệp định EVFTA
Theo Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu, cả EU và Việt Nam đều đang hợp tác cùng nhau để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trước khi ký kết và phê chuẩn EVFTA, bao gồm việc thúc đẩy Việt Nam thông qua 3 công ước còn lại về chuẩn mực lao động cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trên cơ sở 8 công ước cốt lõi, cho đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 5 công ước của ILO.
Ông Bernd Lange cho biết các cuộc đàm phán và nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam - EU thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực, và hai bên đã thống nhất các nội dung để chuẩn bị cho việc ký kết trước khi phê chuẩn hiệp định. Văn kiện hiệp định sẽ được dịch ra 24 ngôn ngữ chính thức của EU, sau đó chuyển tới 28 nước thành viên xem xét nội dung văn kiện trước khi ký kết. Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu hy vọng EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ hiện tại của Nghị viện châu Âu, dự kiến kết thúc vào tháng 3/2019.
“Tôi hy vọng việc ký kết hiệp định sẽ diễn ra vào tháng 10 tại hội nghị cấp cao ASEM và nếu muộn hơn có thể vào đầu tháng 11. Sau đó, cả Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu cùng xem xét phê chuẩn hiệp định”, ông Lange cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về những việc mà phía Việt Nam cần làm để tận dụng tối đa lợi thế từ hiệp định thương mại tự do với châu Âu, ông Lange cho rằng Việt Nam cần cung cấp thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, để họ hiểu được các lợi ích của hiệp định như việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại. Theo Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu hết lợi ích của hiệp định, do vậy sự hỗ trợ dành cho nhóm đối tượng này là cần thiết.
Theo ông Lange, sau khi EVFTA được ký kết, các doanh nghiệp châu Âu sẽ gặp nhiều thuận lợi khi đầu tư tại Việt Nam như thủ tục hành chính đơn giản hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng sẽ có những cơ hội tốt hơn hơn khi tiếp cận các nguồn lực tại Việt Nam để đưa vào sản xuất và nâng cao giá trị đối với các sản phẩm họ sản xuất tại đây. Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu cho rằng Việt Nam cần có sự chuẩn bị để trở thành một điểm đến đầu tư bền vững đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Thành Đạt