Việt Nam, Philippines lên tiếng về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông
(Dân trí) - Trong phát biểu tại phiên thảo luận sáng qua theo chủ đề “Các nguy cơ mới về an ninh trên biển” tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và người đồng cấp Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Những phát biểu mạnh mẽ
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới”, trong đó nêu bật sự kiện tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc cắt cáp gần đây như là một ví dụ về nguy cơ gây bất ổn định trong vùng.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trong khuôn khổ tham luận chung với chủ đề “Đối phó với các thách thức an ninh hàng hải mới” cùng với bộ trưởng quốc phòng Indonesia và Philippines. Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Voltaire Gazmin của Philippines đều mạnh dạn đề cập tới các trường hợp mà họ gọi là "các vụ việc gây bất ổn trên Biển Đông".
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Thanh nói về vụ tàu hải giám gây hấn với tàu khảo sát Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam. “Sự cố này đã làm dấy lên mối quan ngại đáng kể trong khu vực cũng như trên toàn thế giới về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, Đại tướng nói. Sau đó, trong phần trả lời câu hỏi, ông còn nhắc tới vụ việc hồi năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ trình Liên hợp quốc về thềm lục địa mở rộng, cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò.
Đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng những gì họ tuyên bố công khai với thế giới” và kêu gọi “hai bên phải hết sức kiềm chế, giải quyết các vấn đề một cách hòa bình”.
Ông Phùng Quang Thanh cũng đề cập tới lệnh cấm đánh bắt hàng năm mà Trung Quốc đưa ra. “Chúng tôi không đồng tình với việc này và đã phản đối qua con đường ngoại giao. Các tuyên bố đưa ra cần thể theo luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới, vì hòa bình, ổn định và phát triển".
Trả lời câu hỏi về việc hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là việc mua 6 tàu ngầm hạng Kilo của Nga, Đại tướng nói: “Đúng là chúng tôi đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo 636 của Nga, và việc này hoàn toàn công khai minh bạch. Đây là việc làm bình thường, phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Phần trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã được cử tọa, bao gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, bình luận là “thẳng thắn và mạnh mẽ”.
Một nhà ngoại giao Hàn Quốc, đề nghị giấu tên, nói “Việt Nam đã tỏ thái độ không khoan nhượng”.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ trưởng Voltaire Gazmin của Philippines đã nhắc tới các sự kiện gần đây khi tàu của Philippines cũng bị tàu Trung Quốc uy hiếp, và đáng lo ngại nhất là vụ Trung Quốc dựng cột sắt và đổ vật liệu xây dựng xuống vùng Biển Đông tranh chấp từ ngày 21/5-24/5. Ông Gazmin nói các hành động trên khiến người dân Philippines “hết sức lo ngại”.
Manila cũng yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ kế hoạch được các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải, theo đó, họ chuẩn bị đặt một giàn khoan dầu trong khu vực vào tháng 7 tới đây.
Tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng Philippines được đưa ra một ngày sau khi Manila tố cáo Bắc Kinh phá hoại hòa bình, ổn định ở châu Á qua việc đưa các tàu hải quân đến hù dọa những nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Tổng thống Begnino Aquino cho biết là Manila sẽ chính thức khiếu nại lên Liên hợp quốc về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những tuyên bố “xoa dịu”
Trước bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chừng nửa giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cũng có bài phát biểu trong đó tuyên bố là “Trung Quốc không có tham vọng bá quyền hay muốn đe dọa nước nào”.
Theo giới phân tích, lo ngại trước cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates về “sự hiện diện của Mỹ tại Á châu từ bắc Á đến Ấn Độ Dương sẽ hùng hậu hơn hiện nay”, ông Lương Quang Liệt tuyên bố “quân đội Trung Quốc không có hành động nào gây căng thẳng tại Biển Đông”.
Trong khi cũng e ngại làn sóng phản đối từ các nước châu Á, trước các đồng nhiệm châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tập trung đến điều mà ông gọi là tinh thần “dân chủ ngoại giao”. Ông Liệt kêu gọi một thái độ “dân chủ trong quan hệ quốc tế” để bảo vệ “quyền lợi then chốt” của từng quốc gia và “duy trì hòa bình”.
Ông Liệt còn cảnh báo các nước trong vùng “không nên liên minh với nhau để chống một nước thứ ba”. Cũng tại diễn đàn Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói rằng chính quyền của nước ông không phải là thủ phạm các vụ tin tặc quốc tế.
Hôm 4/6, tại Diễn đàn An ninh khu vực - Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo về thái độ khiêu khích của Trung Quốc và ông cho rằng nếu không có một cơ chế giải quyết xung khắc ôn hòa thì sẽ khó tránh khỏi một cuộc xung đột vũ trang.