1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Việt Nam làm chủ tịch Hội nghị giải trừ quân bị

Tại khóa họp đầu năm nay, Việt Nam nhận trách nhiệm là chủ tịch luân phiên của Hội nghị giải trừ quân bị gồm 65 quốc gia thành viên, bao gồm 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Hội nghị giải trừ quân bị được thành lập vào năm 1979 theo thoả thuận của các nước thành viên Liên Hợp Quốc, là cơ quan thương lượng giải trừ quân bị đa phương duy nhất, ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, nên có ý nghĩa thiết yếu đối với sự sống còn của nhân loại.

Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Chủ tịch Hội nghị, cho biết mỗi năm Hội nghị giải trừ quân bị làm việc trong 24 tuần, chia làm 6 kỳ và mỗi kỳ sẽ do một nước thành viên làm Chủ tịch, luân phiên theo thứ tự chữ cái tiếng Anh.

Hoạt động của Hội nghị giải trừ quân bị rất đa dạng, từ nghiên cứu, hợp tác với các chuyên gia hoặc tổ chức khác, thảo luận để trao đổi quan điểm và tiến hành thương lượng.

Hầu hết các điều ước quốc tế đa phương quan trọng được ký kết từ sau Chiến tranh Thế giới II tới nay là kết quả của các cuộc thương lượng tại Hội nghị giải trừ quân bị và các tổ chức tiền thân, trong đó có Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Công ước về việc cấm việc sử dụng các biện pháp làm biến đổi khí hậu vì mục đích quân sự và các mục đích thù địch khác, Công ước về cấm vũ khí vi trùng, Công ước về cấm vũ khí hoá học và gần đây nhất là Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ký vào năm 1996.

Phiên khai mạc Hội nghị sắp tới sẽ diễn ra ngày 20/1 tại Geneva, Thụy Sĩ. Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tham vấn song phương với hầu hết các nước thành viên, ông Trung cho biết thêm.

Theo TTXVN