Việt Nam là “chất xúc tác đặc biệt” đối với tiến trình đàm phán Mỹ-Triều
Mỹ và Triều Tiên đều tìm thấy ở Việt Nam những điều họ đang kỳ vọng với phía bên kia.
Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ lần 2 tại Hà Nội là một trong những sự kiện được quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới hiện nay. Việc hai nước đề nghị và Việt Nam đồng ý tổ chức sự kiện này đã thể hiện rõ Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Phóng viên VOV thường trú tại Mỹ, có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc về nội dung này.
PV: Khi Triều Tiên và Mỹ đề nghị và Việt Nam đã đồng ý là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2, nhiều người đã ngạc nhiên trước quyết định đó của Việt Nam. Đại sứ có bình luận gì về điều này?
Đại sứ Hà Kim Ngọc: Tôi cho đây là bước phát triển tất yếu của đối ngoại Việt Nam. Phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đã được Đảng ta khẳng định rõ từ Đại hội Đảng XI (2011).
Có trách nhiệm – tức là Việt Nam tích cực tham gia tìm giải pháp cho các vấn đề nóng của khu vực và thế giới mà cộng đồng quốc tế quan tâm, đem lại hòa bình, ổn định chung.
Chỉ thị 25 của Ban Bí thư ngày 8/8/2018 về nâng tầm đối ngoại đa phương đã cụ thể hóa thêm: đối ngoại Việt Nam cần đóng “vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải…” trong các vấn đề khu vực và quốc tế, với tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu tại Hội nghị ngoại giao 30 (8/2018) là “vượt khỏi khuôn khổ hiện nay” và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “tư duy đột phá”.
Như vậy, quyết định nêu trên của Việt Nam là bước đột phá trong triển khai chủ trương đối ngoại đúng đắn này.
PV: Gánh trách nhiệm là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ khiến Việt Nam phải vất vả và bận tâm nhiều. Đại sứ có suy nghĩ sao về việc này?
Đại sứ Hà Kim Ngọc: Trong thế giới toàn cầu hóa và liên kết chặt chẽ như hiện nay, hòa bình, an ninh ở mỗi khu vực đều gắn với nhau và không thể chia tách. Điều xảy ra ở cách Việt Nam hàng nghìn dặm, tưởng chừng ít liên quan đến ta, nhưng vẫn tác động trực tiếp đến ta. Ví dụ: lực lượng IS hoạt động tại Trung Đông, khi tiến hành vụ đánh bom khủng bố ở Ai Cập nhằm vào du khách Việt Nam, thì đã trở thành vấn đề an ninh đối với công dân của ta rồi.
Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á tuy cách ta về địa lý, nhưng tình hình ở đó cũng ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định của Việt Nam, đến tình hình ở Biển Đông. Vì vậy, ta không thể coi vấn đề ở Bán đảo Triều Tiên chỉ là việc của các đối tác liên quan ở đó, mà có liên quan đến lợi ích của Việt Nam.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng ta cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan (Châu Phi) cũng thể hiện tinh thần nói trên.
Tóm lại, ta có trách nhiệm với các vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, khi Việt Nam cần, cộng đồng quốc tế sẽ quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ ta.
PV: Trong thời gian qua, đã có khá nhiều ý kiến và bình luận về việc vì sao Triều Tiên và Mỹ chọn Việt Nam để tổ chức thượng đỉnh lần 2. Từ góc nhìn của mình, Đại sứ thấy có điểm gì cần nêu thêm?
Đại sứ Hà Kim Ngọc: Xét về các phương diện đảm bảo an ninh, khoảng cách địa lý, sự mến khách của nước chủ nhà, năng lực tổ chức sự kiện ở “tầm thế giới”… Việt Nam đều đáp ứng tốt. Song không riêng Việt Nam, mà một số nước khác ở khu vực cũng đáp ứng được các yêu cầu đó của Triều Tiên và Mỹ.
Triều Tiên và Mỹ chọn Hà Nội – thành phố Hòa Bình, thủ đô của Việt Nam, theo tôi vì một nét đặc thù riêng có của ta: Việt Nam là “chất xúc tác đặc biệt” đối với tiến trình đàm phán Triều - Mỹ. Mỗi bên đều tìm thấy ở Việt Nam những điều họ đang kỳ vọng với phía bên kia.
Tựu trung lại, Việt Nam mang tính biểu tượng cao của khát vọng hòa bình và hòa giải, từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ lẫn nhau, sang từng bước xây dựng lòng tin, để từ cựu thù trở thành đối tác của nhau.
Như vậy, Việt Nam không chỉ đơn thuần cung cấp địa điểm, hậu cần, an ninh… cho cuộc gặp; Việt Nam còn là sự khích lệ hai bên “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai”./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!.
Theo P