1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam đánh thức hàng xóm

Sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 khiến toàn bộ các nền kinh tế ở Đông Nam Á phải tự đánh giá lại thực lực của mình sau trận ốm năm 1997. Năm năm sau, việc Việt Nam đứng ở ngưỡng cửa WTO lại khiến những người hàng xóm bồn chồn.

Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới được nhiều báo chí quốc tế đưa tin và bình luận. Dưới đây là phân tích của phóng viên hãng thông tấn Đức DPA, về những ảnh hưởng của sự kiện này đối với các nước Đông Nam Á.

 

Việt Nam là ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á. Nước này đã duy trì vị trí là nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua, nhờ công thức thành công chung của cả khu vực và Trung Quốc. Đó là tăng trưởng nhanh nhờ nhân công giá thấp, đầu tư trực tiếp nước ngoài và kinh tế hướng xuất khẩu.

 

Vào được WTO sẽ khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh hơn trong việc thu hút dòng đầu tư chạy đến từ những con hổ như Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

 

Trong chuyện thu hút đầu tư nước ngoài, kỳ vọng rất có tác dụng.

 

"Đối với Thái Lan, sẽ không còn dễ dàng như trước đây nữa", Stefan Buerkle, thuộc Phòng thương mại Thái - Đức phát biểu. "Việt Nam giờ đây hấp dẫn hơn Thái Lan một chút, với nhiều kỳ vọng".

 

Trên thực tế Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc trong một thập kỷ qua nhằm giảm quan liêu, cải thiện môi trường kinh doanh và thể hiện sự chào đón đối với các nhà đầu tư.

 

Với việc Việt Nam vào WTO, các nền kinh tế khác trong khu vực sẽ đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn trong thương mại và đầu tư, đặc biệt trong những ngành cần nhiều nhân công như giày dép, may và thậm chí điện tử, chưa kể đến sức ép vốn đã rất mạnh đến từ các "đại gia" về nhân công rẻ như Trung Quốc và Ấn Độ.

 

"Ngành điện tử đang là thách thức đối với các nước trong khu vực", Ramya Subreameniem, nhà kinh tế học của IDEAGlobal ở Singapore nói. Bà cho rằng quốc đảo cần phải tập trung hơn nữa vào các sản phẩm có gí trị cao như thiết bị bán dẫn trong cuộc cạnh tranh với các nước láng giềng.

 

Hiện các nhà máy điện tử ở Singapore tạo ra gần một nửa sản phẩm xuất khẩu (không tính dầu lửa) và chiếm tới 36% tổng thu sản xuất công nghiệp.

 

Indonesia, nơi công nhân giá rẻ vẫn là yếu tố quan trọng để chào mời, có thể dự đoán được sự cạnh tranh mạnh hơn từ Việt Nam khi nước này vào WTO, ngoài sự chạy đua vốn đã quá mạnh của Trung Quốc.

 

"Nếu nói đến dệt may và giày dép, chúng tôi đã bị đe dọa bởi Trung Quốc rồi", Chativ Basri, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Indonesia kiêm cố vấn cho Tổng thống Susilo Bambang Yudoyono, thừa nhận.

 

Việc Việt Nam trở thành thành viên WTO còn là lời thức tỉnh đối với một số nước như Indonesia hoặc Thái Lan, để họ nghĩ đến việc đầu tư hơn nữa vào con người, nhằm phục vụ cho các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

 

"Hiện có những nỗi e ngại ở Thái Lan, rằng Việt Nam sẽ bắt kịp và thậm chí vượt chúng tôi, bởi họ có hệ thống giáo dục rất tốt", một nhà kinh tế làm việc cho ngân hàng phát triển quốc tế ở Bangkok nói. "Vì thế, nếu Thái Lan không làm gì, Việt Nam sẽ bắt kịp trong vòng 15 năm nữa".

 

Nhưng thực tế là Việt Nam, với tất cả những điều hấp dẫn đã kể trên, vẫn còn phải đi một con đường dài trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Chẳng hạn, hệ thống hạ tầng vẫn chưa đủ để đối ứng với một dòng đầu tư khổng lồ mới.

 

"Việt Nam cần phải hoàn thiện hơn nữa để có thể hấp thụ một lượng đầu tư quá lớn trong một quãng thời gian ngắn", Jan Noether, chủ tịch Phòng thương mại Việt - Đức ở thành phố Hồ Chí Minh, nói. "Nếu không cơ sở hạ tầng có thể sẽ không chịu nổi".

 

Noether cũng thêm rằng việc Việt Nam vào WTO cũng mang đến cả những nguy cơ, bên cạnh cơ hội, ít nhất là trong ngắn hạn.

 

"Khi thị trường việc làm mở cửa, mà những nghề 'cổ trắng' lại được trả lương cao, Việt Nam sẽ thấy sự cạnh tranh về việc làm đến từ các nước Đông Nam Á khác", ông dự đoán.

 

Theo T. Huyền

Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm