“Việt Nam có dấu ấn đậm nét nhất trên biển Đông”
Theo Tiến sĩ Trục, nhiều học giả nhận xét quan điểm của Việt Nam có giá trị hơn cả so với các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục: "Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa." (Ảnh: TH/Vietnam+) |
Với phong cách giản dị, Tiến sĩ Trần Công Trục dành cho phóng viên Vietnam+ cuộc trò chuyện cởi mở về cuốn sách mới của ông.
- Có thể nói “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” là một cuốn sách có giá trị thực tiễn cao, đặc biệt là trong việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. “Cơ duyên” nào khiến ông trở thành chủ biên cuốn sách này?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Cách đây khoảng hai năm, đại diện Nhà Xuất bản Thông tin Truyền thông có đến nhờ tôi đọc và góp ý cho tập bản thảo tập hợp nhiều công trình nghiên cứu của nhiều học giả liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Xem kỹ tập bản thảo, tôi thấy các công trình này chủ yếu nói về vấn đề lịch sử, về Hoàng Sa và Trường Sa chứ không nói kỹ về tất cả các vùng biển. Sau khi đưa ra ý kiến, bên Nhà Xuất bản có đề nghị tôi làm chủ biên cho cuốn sách này.
Thú thật, ban đầu cũng ái ngại lắm. Nhiều người trong gia đình, bạn bè khi thấy tôi viết sách, trả lời phỏng vấn trên báo về vấn đề biển đảo thì can ngăn bởi đó là vấn đề phức tạp, trong khi tôi đã hưu rồi…
Thế nhưng tôi lại nghĩ, gần 30 năm gắn bó với công việc biên giới, hải đảo, tôi từng đến nhiều nơi và nhận thấy nhận thức, tư duy của người dân, thậm chí cả những người ở Trường Sa về vấn đề biển đảo cũng còn nhiều hạn chế.
Đó chính là lý do tôi nhận lời làm chủ biên cuốn sách cũng như trả lời phỏng vấn của truyền thông với mong muốn góp một phần công sức để tuyên truyền về biển đảo cho đông đảo tầng lớp nhân dân. Bởi chỉ khi hiểu rõ, người lính mới chắc tay súng, ngư dân mới vững tay chèo… để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
- Cuốn sách này ông hoàn thành trong bao lâu?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Bên Nhà Xuất bản có gửi cho tôi một số tư liệu, sau đó tôi phải cân nhắc xem xét, bổ sung bằng kinh nghiệm của mình cũng như tham khảo từ đồng nghiệp. Trong vòng khoảng một năm thì cuốn sách hoàn thành, nhưng thực tế thì nó là sự đúc kết của hơn 30 năm nghiên cứu biển đảo.
Cuốn sách này có rất nhiều tư liệu tốt, kể cả của các cơ quan quản lý chứ không phải ý kiến chủ quan của người viết nên có thể coi đó là một tập hợp các tài liệu cần thiết về vấn đề chủ quyền biển đảo.
- Theo ông, cuốn sách này có vai trò như thế nào khi nó được “chào đời” trong bối cảnh dư luận cả nước đang dõi theo tình hình Biển Đông?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Khi làm cuốn sách tôi không nghĩ để xuất bản trong thời điểm nào. Tuy nhiên, khi ra đời ở thời điểm này thì cuốn sách đã hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Cái giá trị của cuốn sách chính là minh họa rõ hơn về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trong cuốn sách, chúng tôi đã làm rõ việc hình thành và xác lập các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, cũng như quy chế pháp lý của các vùng biển đó.
Hiện nay, để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, nhiều người cho rằng cần phải dựa vào Công ước luật biển 1982, nhưng theo tôi thì không đủ bởi Công ước này chỉ đưa ra các nguyên tắc để giải quyết các tranh chấp đối với các vùng biển chồng lấn. Còn tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là loại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, thì vấn đề ở đây không phải là Công ước luật biển nữa mà phải theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia mà hiện nay những bên tranh chấp đã vận dụng để bảo vệ cho yêu sách của mình.
Tôi lấy ví dụ Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa và Trung Sa trong Biển Đông vì người Trung Quốc đã từng đến đây phát hiện ra, đã khai phá, đặt tên... từ hàng nghìn năm nay. Và, cũng với quan điểm đó thì biên giới biển “đường lưỡi bò” cũng được hình thành trên cơ sở chủ quyền lịch sử của Trung Quốc.
Còn Việt Nam thì theo nguyên tắc “quyền chiếm hữu thật sự thực sự” đã được luật pháp và thực tiễn thừa nhận, áp dụng rộng rãi trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ trước cho đến ngày nay… Trong khi đó, Philippines hay Malaysia thì quần đảo Trường Sa với họ là phạm vi lãnh thổ kế cận theo khoảng cách địa lý.
Theo nhận xét của nhiều học giả thì quan điểm mà Việt Nam đưa ra là có giá trị hơn cả, có dấu ấn đậm nét nhất trên Biển Đông.
Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” đã đề cập, phân tích tất cả các nguyên tắc pháp lý mà quốc tế đã áp dụng để biết được quốc gia nào có cơ sở pháp lý nhất trong vấn đề tranh chấp ở Hoàng Sa và Trường Sa.
- Ông có kế hoạch gì sau khi cuốn sách đã thành công?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Tôi cũng được biết Nhà Xuất bản đang có kế hoạch dịch cuốn sách ra tiếng Anh và tiếng Trung để cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn và có cái nhìn khách quan nhất về vấn đề Biển Đông. Và nếu cuốn sách được ấn bản điện tử, phổ biến trên các trang Internet thì càng tốt.
Về phần mình, tôi sẽ vẫn tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trong điều kiện cho phép. Ngoài ra, tôi sẽ tiếp tục góp sức cho công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin kiến thức về biển đảo tới đông đảo công chúng, trong đó có việc giúp cho các cơ quan truyền thông và đặc biệt là các cơ sở giáo dục, đào tạo... những kiến thức cần thiết về Biển Đảo với tất cả tâm huyết của mình.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Theo Yên Thủy-Nguyễn Tâm
Vietnam+