1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Viên đá opal đẹp nhất thế giới lần đầu ra mắt công chúng

(Dân trí) - Một trong những viên đá opal đẹp nhất thế giới, với tên gọi “Ngọn lửa của Australia”, đã ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Bảo tàng Nam Australia sau nhiều thập niên chờ đợi.

Viên đá opal Ngọn lửa của Australia lần đầu ra mắt công chúng tại Bảo tàng Nam Australia (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)
Viên đá opal "Ngọn lửa của Australia" lần đầu ra mắt công chúng tại Bảo tàng Nam Australia (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)

Theo Bảo tàng Nam Australia ở Adelaide, Australia, viên đá opal tuyệt đẹp có tên gọi “ngọn lửa của Australia” nặng 998 gram và được định giá hơn 675.000 USD. “Ngọn lửa của Australia”, được mô tả là một trong những viên đá opal tự nhiên đẹp và lớn nhất thế giới, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng cho khách thăm quan chiêm ngưỡng lần đầu tiên từ sau khi viên đá này được tìm thấy cách đây 60 năm.

“Ngọn lửa của Australia có kích cỡ bằng một quả bóng nhỏ và phản chiếu màu sắc ở tất cả các góc cạnh”, Giám đốc Bảo tàng Nam Australia Brian Oldman nói với CNN, nhấn mạnh kích cỡ lớn thuộc hàng hiếm của viên đá opal hay còn gọi là ngọc mắt mèo này.

Viên đá Ngọn lửa của Australia tỏa sáng ở mọi góc nhìn (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)
Viên đá "Ngọn lửa của Australia" tỏa sáng ở mọi góc nhìn (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)

“Viên đá opal này là độc nhất vô nhị vì chất lượng cũng như kích thước của nó. Viên đá tỏa ra nhiều màu đỏ và đây là một trong những chỉ dấu cho thấy giá trị cao cấp của viên đá này”, ông Oldman nói, đồng thời cho biết thêm rằng khoảng 90% đá opal trên thế giới được tìm thấy ở Nam Australia.

Viên đá “Ngọn lửa của Australia” do một thợ mỏ tên là Walter Bartram ở Coober Pedy, một khu vực sa mạc nhỏ ở Nam Australia nổi tiếng về đá opal, tìm thấy vào năm 1946. Sau khi nhận ra giá trị độc nhất vô nhị của viên đá quý, gia đình Bartram đã quyết định lưu giữ vật báu này trong nhà.

“Ngọn lửa của Australia” được gia đình Bartram lưu giữ trong hơn 60 năm và phần lớn thời gian được đặt bên trong một hộp an toàn. Tuy nhiên, sau khi cho Bảo tàng Nam Australia mượn để triển lãm, Alan Bartram, con trai của người thợ mỏ tìm ra viên đá, đã quyết định đặt vật gia truyền của gia đình vào một nơi an toàn, đó chính là Bảo tàng Nam Australia.

Theo Walter Bartram, viên đá nên được trưng bày để mọi người có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiệt tác thiên nhiên này. Bảo tàng Nam Australia đã quyết định trưng bày “Ngọn lửa của Australia” tại tiền sảnh của bào tàng cho tới ngày 28/2.

Viên đá “Ngọn lửa của Australia” được tìm thấy từ năm 1946 tại Nam Australia - thủ phủ của đá opal tự nhiên (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)
Viên đá “Ngọn lửa của Australia” được tìm thấy từ năm 1946 tại Nam Australia - thủ phủ của đá opal tự nhiên (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)

Mặc dù được đánh giá cao song “Ngọn lửa của Australia” không phải là viên đá opal tự nhiên lớn nhất và có giá trị nhất từng được tìm thấy. Viên đá có tên gọi “Olympic Australis” với trọng lượng 3.450 gram và được định giá khoảng 1,9 triệu USD mới là viên đá opal tự nhiên lớn nhất và giá trị nhất hiện nay. Viên đá này hiện được trưng bày tại Sydney, Australia.

Đối với loại đá đã được đánh bóng, “Cầu vồng nguyên sơ” hiện là viên đá opal đắt nhất thế giới tính theo kích thước của loại đá này. Viên đá này được định giá 750.000 USD và cũng được trưng bày tại Bảo tàng Nam Australia.

Viên đá Cầu vồng nguyên sơ được trưng bày tại Bảo tàng Nam Australia (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)
Viên đá "Cầu vồng nguyên sơ" được trưng bày tại Bảo tàng Nam Australia (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)
Một số mẫu đá opal được tìm thấy trên thế giới (Ảnh: Getty)
Một số mẫu đá opal được tìm thấy trên thế giới (Ảnh: Getty)
Một khối đá opal có màu sắc lạ mắt được trưng bày tại Australia (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)
Một khối đá opal có màu sắc lạ mắt được trưng bày tại Australia (Ảnh: Bảo tàng Nam Australia)

Đá opal được phát hiện lần đầu tiên tại Coober Pedy, Nam Australia, nơi được coi là thủ phủ của đá opal. Đá opal thực chất là hóa thạch của Belmnitida, một loài nhuyễn thể đã tuyệt chủng, sống vào thời kỳ Đại Trung sinh. Thời kỳ này chứng kiến sự phân bổ rộng rãi của loài khủng long cổ dài ở các vùng biển nội địa phía nam Australia. Khi loài bò sát này chết đi, xác của chúng chìm xuống đáy biển và bị chôn vùi ngày càng sâu hơn do các lớp trầm tích qua hàng nghìn năm. Sau đó, nước biển khô dần và biến khu vực này thành sa mạc. Nồng độ axit tăng dần ở phần sa thạch (đá do cát kết lại) phía trên, sau đó sa thạch tiếp tục trải qua quá trình tác động của thời tiết để tạo ra lớp silica bên dưới và đi vào phần đất sét, nơi có xương khủng long đã phân hóa và chảy theo mạch nước ngầm. Khi nồng độ axit giảm đi do tác động của thời tiết, lớp silica đông cứng lại và tạo thành các viên đá opal nhiều màu sắc.

Thành Đạt

Tổng hợp