1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Viễn cảnh của Trung Đông với bầu cử TT Mỹ

(Dân trí) - Nhiệm vụ của tổng thống Mỹ sắp được bầu là cải thiện hình ảnh nước này ở Trung Đông, vốn bị xấu đi do Washington vẫn duy trì quân tại Iraq, ủng hộ Israel trong cuộc khủng hoảng Libăng và các vụ tấn công mới đây của quân đội Nhà nước Do thái ở Gaza.

Truyền thông Arập và Iran không quan tâm nhiều đến kết quả bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ. Palestine đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, Libăng lần thứ 17 tuyên bố hoãn bầu cử tổng thống và đang phải đối phó với các cuộc tấn công liều chết, biểu tình bạo lực còn Iraq bị cuốn vào dòng xoáy bạo lực sắc tộc. Các quốc gia vùng Vịnh chỉ dành vài trang xã luận nói về chuyến công du Trung Đông mới đây và thời gian cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bush, rất ít nói về các ứng cử viên tổng thống mới.

 

Ngược lại, báo chí Israel quan tâm rất sát cuộc bầu cử TT Mỹ, đặc biệt là nhật báo Haaretz với thông tín viên Schmuel Rosner người Mỹ và Jerusalem Post- chuyên đăng tải các ý kiến phân tích.

 

Đối với Iran và các nước Arập

 

Theo Pamela Chrabieh Badine, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo- Thiên chúa giáo, đại học Saint-Joseph của Beyrouth, người Libăng thờ ơ với cuộc chay đua vào Nhà Trắng vì bản thân họ cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong nước. Vì vậy mối quan tâm lớn nhất của họ là làm gì để sống nếu ở lại đất nước hay chọn con đường di cư.

 

Trong con mắt của Iran và các nước Arập, các ứng cử viên đảng Dân chủ được coi như là biểu tượng trỗi dậy của thiểu số, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Barack Obama, người mang họ “Hussein”. Phóng viên Hossein Derakhshan người Canada gốc Iran, một blogger nổi tiếng viết bằng tiếng Ba Tư và tiếng Anh nhận định: “Nếu Barack Obama trở thành ông chủ của Nhà Trắng, thế giới sẽ được yên bình trong 4 năm. Do không có các mối quan hệ chặt chẽ với giới vận động hành lanh, Obama đặc biệt quan tâm đến chính sách đối nội của nước Mỹ. Nếu Hillary Clinton làm tổng thống, bà ta sẽ sẽ dẫn nước Mỹ tới một tương lai còn tệ hơn những gì diễn ra dưới nhiệm kỳ 2 của ông Bush”.

 

Chuyên gia xã luận Jihad el-Khazen viết trong nhật báo liên Arập Al-Hayat xuất bản tại London: “Rất nhiều người Arập ủng hộ ứng cử viên Barack Obama làm tổng thống, trong đó có tôi vì ông ấy là người da màu. Những kinh nghiệm của tôi về quốc hội Mỹ cho thấy, các đại diện của người da màu luôn thân thiện với chúng tôi. Tuy nhiên, người Arập và người Hồi giáo không nên quá ảo tưởng. Giống như bất kỳ chính trị gia lão luyện nào, Barack Obama sẽ lo cho chính mình trước khi nghĩ đến phần còn lại”.

 

Jihad el-Khazen nhắc lại rằng ông Obama cũng giống như TT Bush đã nhắc đến khái niệm “các nhà nước lưu manh” và tuyên bố sẵn sàng truy đuổi những kẻ khủng bố qua biên giới Pakistan, dù có hay không có sự đồng ý của Islamabad. Jihad el-Khazen nhấn mạnh đến sự im lặng của ông Obama khi Israel tiến hành các vụ tấn công vào Libăng và dải Gaza. Theo ông, không một ứng cử viên nào có thể bảy tỏ sự hậu thuẫn rõ ràng đối với thế giới Arập vì điều đó đồng nghĩa với “sự tự tử ngoại giao”. Giới vận động hành lang Israel và những chính trị gia hiếu chiến sẽ khiến các ứng cử viên điêu đứng bằng mọi công cụ tài chính và truyền thông cần thiết.

 

Diễn đàn thảo luận của trang web Al-Jazeera phiên bản tiếng Anh đã đưa ra chủ đề tranh luận “Bầu cử tổng thống Mỹ có tác động gì đối với đất nước bạn?”. Những câu trả lời của người Trung Đông cho rằng chính sách với khu vực này không có gì thay đổi dưới thời tổng thống tương lai. Nước Mỹ là một cường quốc nhưng hệ thống của họ chịu ảnh hưởng của những nhà vận động hành lang đầy quyền lực cũng như các tập đoàn lớn. Cả bà Hillary Clinton lẫn ông Barack Obama đều được web Trung Đông nói đến nhiều nhất bởi người Trung Đông coi đây là lựa chọn tốt nhất để có thể đương đầu với đảng Cộng hoà.

 

Ron Paul là ứng vử viên duy nhất của đảng Cộng hoà gắn bó thường xuyên với các diễn đàn và blog Trung Đông. Ông này đã từng được biết đến khi thành công quyên góp 4,3 triệu USD trong vòng 24 giờ thông qua Internet với cương lĩnh tranh cử: rút quân đội Mỹ khỏi Iraq, chủ trương chính sách ngoại giao không can thiệp và liên minh với các nước, không chỉ với Israel.

 

Bất chấp tất cả, Hillary Clinton và Barak Obama là các ứng cử viên được báo chí và các trang web. Người ta nói về bà Hillary với tư cách là một phụ nữ, nhưng Obama được yêu quý nhất, được đánh giá là ứng cử viên trẻ tuổi, có năng lực đầy hứa hẹn và hơn hết ông ủng hộ kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Iraq. Thượng nghị sĩ bang Illinois tạo sự quan tâm và tò mò vì màu da, tuổi thơ, sự pha trộn của nhiều nền văn hoá cũng như bản sắc gia đình.

 

Đối với Israel

 

Vấn đề tôn giáo của ông Obama cũng gây nhiều tranh cãi. Trên internet xuất hiện nhiều tin đồn khẳng định Barack Obama là con trai của một người đàn ông Hồi giáo Kenya và từng theo học tại trường dạy kinh Koran (Madrasa) khi còn nhỏ sống ở Indonesia. Tuy nhiên không có bằng chứng chứng thực những tin đồn trên.

 

Người Israel quan tâm đến việc quan hệ Mỹ-Israel sẽ ra sao nếu Barack Obama trở thành tổng thống. Nhật báo Maariv của Israel đã giật tít trang nhất: “Israel lo lắng về vị trí tổng thống của Obama”. Tờ báo trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay, sự thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại của ứng cử viên này cộng thêm với việc kêu gọi đối thoại với Iran đã đánh thức mối lo ngại trong chính phủ Israel.

 

Vài tuần sau khi thông tin trên được đưa ra, cựu đại sứ Israel tại Washington, Danny Ayalon khẳng định trên tờ Jerusalem Post rằng cần phải theo sát ứng cử viên Obama với sự lo lắng nhất định. “Ngay khi bắt đầu vận động tranh cử, ông Obama tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Iran nhưng không cho biết sẽ nói về vấn đề gì trong cuộc gặp đó. Obama không đưa ra mục tiêu rõ ràng về điều kiện và những đề nghị với Iran nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của nước này”.

 

Tuyên bố này gây ra những phản ứng khác nhau ngay trong giới báo chí Israel. Phóng viên Schmuel Rosner của tờ Haaretz đặt câu hỏi điều gì đã khiến ông Danny Ayalon có tuyên bố như vậy và rõ ràng bài báo này có ảnh hưởng nhất định đến chiến dịch tranh cử của ông Obama. Trên Jerusalem Post, ông Alon Pinkas, tổng lãnh sự Israel tại Mỹ lại cho rằng chiến dịch chống lại ông Obama trên internet là bóp méo thông tin. “Ông Obama không mang lại điều xấu với Israel. Ông ấy chưa từng đi quá giới hạn mà người Israel cho rằng không tương hợp với chính sách Trung Đông thân Israel hiện thời”. 

 

Shmuel Rosner còn cho biết thêm, không phải ngẫu nhiên mà các tin đồn nói rằng thượng nghị sĩ bang Illinois đã gửi một bức thư cho đại sứ Zalman Khalilzad của Mỹ tại Liên hiệp quốc, trong đó viết: “Tất cả chúng ta đều lo lắng về hậu quả của việc Israel tiến hành phong toả Palestine. Dĩ nhiên chúng ta cũng phải hiểu vì sao Israel lại buộc phải tự vệ”. Và cũng không phải tình cờ mà gần đây ông Obama có rất nhiều bức ảnh chụp ở giữa nhiều nhà thờ khác nhau.

 

Hillary Clinton không khiến người Israel phản ứng mạnh đến thế bởi người Israel đã từng có vị nữ thủ tướng của mình và nhiều người Israel ủng hộ bà Hillary vi lợi ích riêng của họ. Theo Jerusalem Post, vai trò vợ của cựu TT Bill Clinton đã mang lại lợi thế tuyệt vời cho bà Hillary. Ông Bill Clinton thường được miêu tả như một người bạn gần gũi, gắn bó với Nhà nước Do thái nhờ quan hệ tình cảm không mang màu sắc chính trị. Khi ông Clinton kết thúc nhiệm kỳ năm 2000, một cuộc thăm dò ý kiến tại Israel cho thấy đại đa số người dân nước này ủng hộ để ông Clinton lãnh đạo Israel nếu có cơ hội bỏ phiếu bầu cho ông.

 

Truyền thông Israel nói về các ứng cử viên của đảng Cộng hoà ít hơn của đảng Dân chủ. Rudy Guliani từng được coi là chính trị gia thân Israel và gần gũi với cộng đồng người Do thái ở Mỹ nhất. Tháng 1/2008, nhật báo Haaret’z công bố bảng xếp hạng các ứng cử viên tổng thống dựa trên mối quan hệ với lợi ích của Israel, đứng đầu là cựu thị trưởng Guliani của thành phố New York, nơi tập trung đông nhất người Do Thái sau Israel. Ông Guliani đã từ chối sự giúp đỡ 10 triệu USD của một hoàng tử Arập Xêút vì ông này có những bình phẩm không tốt về các vụ tấn công 11/9. Thượng nghị sĩ John McCain xếp ở vị trí thứ 2 nhờ tuyên bố Nhà nước Do thái hoàn toàn có quyền sở hữu mọi công nghệ cần thiết để đảm bảo cho an ninh quốc gia. Bà Hillary đứng ở vị trí thứ 4, sau ứng cử viên Michael Bloomberg trong khi ông Obama đứng chót bảng, sau cả ứng cử viên Mike Huckabee, gương mặt ít được biết đến nhất đối với người Israel.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm