1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì Trung Quốc quá tham vọng, Nhật Bản “để mắt” tới Biển Đông

Nhật Bản đang tích cực củng cố vai trò ở Biển Đông trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng khu vực lên cao, sau khi Trung Quốc bao biện về hành động xây đảo.

Reuters đưa tin Nhật Bản thiết lập mối quan hệ hợp tác an ninh với Philippines, Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác nhằm đối phó với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
 
Vì Trung Quốc quá tham vọng, Nhật Bản “để mắt” tới Biển Đông

Cảnh sát biển Việt Nam giám sát tàu Trung Quốc xung quanh giàn khoan HD- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014

Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, tuy nhiên Tokyo bày tỏ lo ngại những động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông thời gian qua, sẽ ảnh hưởng tới tuyến đường hàng hải quan trọng mà tàu chở hàng của Nhật thường xuyên qua đây.

Nguy cơ leo thang căng thẳng ở Biển Đông

Việc Nhật Bản “để mắt” tới Biển Đông được nước này lý giải là do lo ngại trước các động thái của Trung Quốc tại vùng biển có nhiều tàu chở hàng của Nhật Bản đi qua.

Đáng chú ý, ngày 8/3, trước sức ép và sự phản đối của cộng đồng quốc tế trước hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách ngụy biện rằng Bắc Kinh “có quyền xây đắp” trên những hòn đảo và bãi đá ngầm thuộc khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn nói rằng hoạt động xây đảo của nước này “không nhắm vào ai và không ảnh hưởng đến ai”.

Lập luận ông Vương Nghị đưa ra là những hòn đảo, bãi đá mà Trung Quốc đang thực hiện các dự án xây đảo quy mô lớn đều nằm trong “đường chín đoạn”, do đó đều thuộc “chủ quyền Trung Quốc”, và Bắc Kinh thích “xây gì thì xây” trong đó. Tuy nhiên, ông Vương Nghị đã cố tình phớt lờ một thực tế rằng cái gọi là “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đưa ra không hề có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế và cũng không hề được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Hôm 26/2, phát biểu trước Ủy ban Các lưc lượng Vũ trang Thượng viện Mỹ về các mối đe dọa toàn cầu, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper tuyên bố “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích vùng biển này mà không theo bất cứ điều luật quốc tế nào là hành động “quá đáng”.

Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma (ảnh: bbcimg.co.uk)
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma (ảnh: bbcimg.co.uk)

Theo ông Clapper, các hoạt động đào đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng. Ông Clapper nói: “Dù Trung Quốc đang tìm kiếm quan hệ ổn định với Mỹ, nhưng họ ngày càng sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng song phương và khu vực vì lợi ích của mình, đặc biệt là trong các vấn đề chủ quyền trên biển”.

Biển Đông – một nội dung xoay trục châu Á của Nhật Bản

Biển Đông được cho là một nội dung trong chính sách xoay trục châu Á của Thủ tướng Shinzo Abe công bố tháng 5/2014 rằng “Tokyo nên giúp các nước Đông Nam Á duy trì tự do thông thương hàng hải và hàng không tại khu vực này”.

Chính sách này hoàn toàn phù hợp với chủ trương an ninh cứng rắn mà ông Abe khởi xướng. Thủ tướng Abe có tham vọng nới lỏng hạn chế trong bản hiến pháp hòa bình của Nhật Bản được ban hành từ sau chiến tranh thế giới II. Sự hợp tác này cũng tương đồng với quan điểm tái cân bằng của Mỹ ở châu Á.

Chuyên gia an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore Ian Storey phân tích: “Xu hướng này đang trở nên rõ ràng và tôi nghĩ người Nhật sẽ trở lại đúng như cần phải thế, bất chấp lo ngại từ phía Trung Quốc”.

Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa của Việt Nam. Theo giới chuyên gia, việc xây dựng này sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng phạm vi tác chiến của hải quân và không quân, khả năng tiến tới thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà các máy bay khi bay qua sẽ phải báo cáo với Trung Quốc.

Năm 2013 khi Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, ngoài lên tiếng phản đối, cả quân đội Mỹ và Nhật đều ngay lập tức có động thái thách thức, như triển khai máy bay ném bom B-52 vào khu vực. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng các nước Đông Nam Á nhỏ hơn có thể gặp khó khăn hơn nếu như một ADIZ được thiết lập ở Biển Đông.

Một nhà hoạch định chính sách cấp cao của Nhật Bản cho rằng một vùng nhận dạng phòng không kiểu như vậy sẽ là thảm họa vì nó có thể sẽ hạn chế nghiêm trọng hoạt động hàng không và hàng hải trong khu vực.

Hành động thế nào?

Reuters công bố chương trình hợp tác an ninh của Tokyo bao gồm nhiều nội dung trong đó có việc cung cấp các tàu tuần tra trên biển cho Philippines và tổ chức tập trận hải quân với nước này những tháng tới đây.

Nhật trình diễn sức mạnh hải quân với Tàu khu trục trực thăng Izumo (ảnh: Asahi)
Nhật trình diễn sức mạnh hải quân với Tàu khu trục trực thăng Izumo (ảnh: Asahi)

Kế hoạch tập trận hải quân là một phần của Hiệp định an ninh mới được ký tại Tokyo hồi tháng 1/2015. Hiệp định này là cơ sở cho các cuộc đối thoại thường xuyên ở cấp thứ trưởng cũng như trao đổi sĩ quan cao cấp của cả hai bên. Hiện tại, 10 chiếc tàu tuần tra bảo vệ bờ biển đang được Nhật Bản thi công để bàn giao cho Philippines vào cuối năm nay.

Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của một căn cứ quân sự của Philippimes ở đảo Palawan, một trong những đảo lớn gần nhất giữa vùng đất liền Philippines và Biển Đông.

Người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines, Đại tá Restituto Padilla đã hoan nghênh những động thái của Tokyo: “Hoàn toàn hợp lý khi Nhật Bản và Philippines cùng hợp tác nhằm giúp đỡ nhau bảo vệ các tuyến đường này”.

Ngoài ra, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu hồi tháng trước rằng nước này cần xem xét lại chính sách không gửi máy bay tuần tra trên Biển Đông, khi xét đến tầm quan trọng của đường hàng hải khu vực này đối với Nhật. Phát biểu được xem là đáp lời một quan chức Hải quân Mỹ rằng Mỹ chào đón các chuyến bay tuần tra của Nhật Bản trên Biển Đông.

Ngoài chương trình hợp tác an ninh với Philippines, Nhật Bản còn có các chương trình hợp tác với Việt Nam Malaysia và Indonesia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không giấu diếm tham vọng tiến xa hơn nữa về phía Australia./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm