1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vị thế đang lên của Tổng thống Iran

Uy tín của vị tổng thống gây tranh cãi Mahmoud Ahmadinejad đang lên cao ở Iran, gần một năm sau khi ông bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sát nút.

Hiện nay, ông được coi là có rất nhiều khả năng trúng cử nhiệm kỳ 2 năm 2009.

 

Điều này nhờ vào phong cách biết lấy lòng dân nghèo và những chuyến đi thăm dân hai tuần một lần. Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo theo tư tưởng cứng rắn đương đầu với Mỹ về vấn đề hạt nhân cũng giúp tăng vị thế của ông.

 

“Hiện giờ Ahmadinejad được yêu thích hơn nhiều so với một năm trước. Ông ấy đang gặp thời”, Nasser Hadian-Jazy, một giáo sư ngành nghiên cứu chính trị tại Đại học Tehran bình luận. “Tôi đoán tổng thống có mức ủng hộ 70%. Ông ấy tạo ra hình ảnh mình là một con người giản dị, lương thiện. Ông ấy biết cách tiếp cận những người dân bình thường”.

 

Mặc dù ở Iran không có những cuộc thăm dò dư luận đáng tin cậy, các nhà ngoại giao phương Tây cũng phải thừa nhận mức ủng hộ đối với Ahmadinejad đang tăng. Vậy mà người ta từng dự đoán sau cuộc bầu cử hồi tháng 6 năm ngoái là ông sẽ không trụ được quá 3 tháng.

 

“Một bằng chứng về quyền lực của Ahmadinejad là cách ông ta thu hút sự đồng tình của dân chúng đối với vấn đề hạt nhân”, một nhà ngoại giao phương Tây bình luận. “Nếu có bầu cử hôm nay, ông ta sẽ chiến thắng”. Ngay cả trong trường hợp Iran bị đưa ra trước Hội đồng Bảo an, vị thế của ông cũng sẽ tăng lên.

 

Vahid Karimi thuộc Học viện Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế thì cho biết: “Dĩ nhiên Ahmadinejad đang ngày càng được nhiều người yêu mến. Người ta ưa những gì ông ấy nói. Không hẳn là vì ông ấy dám đối chọi với phương Tây mà vì ông ấy không tham nhũng. Điều này rất quan trọng”.

 

Nhiều người ngạc nhiên là tư tưởng Ahmadinejad hóa ra không quá mức bảo thủ. Ông công kích một số đặc quyền mà giới giáo sĩ cầm quyền ở Iran được hưởng. Gần đây, vị tổng thống này còn muốn cho phép phụ nữ dự các trận bóng đá, nhưng nỗ lực của ông không thành công.

 

Tiếng tăm đang lên của Ahmadinejad đi ngược lại những nỗ lực của Mỹ muốn cô lập Iran. Các quan chức Washington miêu tả Tổng thống Iran là mối đe dọa với hòa bình thế giới. và tuyên bố ông đang phải đối mặt với sự chống đối của chính dân chúng nước mình.

 

Giáo sư Hadian-Jazy nhận xét Ahmadinejad từng ngạc nhiên khi người ta chỉ trích những lời nhận xét của ông về Israel và việc ông bác bỏ sự tồn tại của Holocaust. “Với nguồn gốc của ông thì nói ra những câu như thế không phải là quá lạ lùng.

 

Ahmadinejad không bao giờ nghĩ làm tổng thống thì phải phát biểu khác. Nhưng sau khi nhận được phản ứng như vậy, ông ấy nhận ra nó có thể giúp ông tạo cho mình vị thế một nhà lãnh đạo Hồi giáo hùng mạnh. Đó là một bước đi có tính toán”.

 

Iran ủng hộ quyền của người Palestine. Nhưng những tuyên bố chống Israel của tổng thống còn tạo ra ảnh hướng lớn hơn thế ở thế giới Ảrập, Sayed Mohammad Adeli, cựu đại sứ Iran ở Anh, hiện đứng đầu nhóm cố vấn Econotrend nhận xét. “Họ coi sự kháng cự của Ahmadinejad là đáng ngưỡng mộ. Ông ấy trở thành một người hùng của dân chúng trên đường phố”.

 

Mohammad Atrianfar, người sáng lập ra tờ báo cải cách hàng đầu Sharg và là người ủng hộ Hashemi Rafsanjani, đối thủ của tổng thống, thì khẳng định. “Phong trào cải cách vẫn rất mạnh, bất chấp thất bại bầu cử hồi năm ngoái”. Theo ông, chính phủ hiện không có được một chính sách kinh tế hiệu quả. "Nền kinh tế hiện giờ, nhờ giá dầu cao, nên vẫn ổn. Những cách điều hành lĩnh vực quốc doanh rất kém. Ông ta đưa ra những quyết định vội vã và tồi tệ".

 

Theo Atrianfar, nguồn thu từ dầu được chuyển thành các khoản trợ cấp và tiền cấp cho các tỉnh nghèo. Trong khi đó, đầu tư cho các dự án lâu dài và cơ sở hạ tầng lại không có nhiều, đầu tư quốc tế tụt giảm, tiền và chất xám của đất nước đang chạy ra nước ngoài.

 

Theo M.C.

Vnexpress/Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm