1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS?

(Dân trí) - Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu về dầu mỏ ở Iraq và thủ lĩnh nhóm “Nhà nước Hồi giáo”, gọi tắt là IS, đã khẳng định chúng đã tuyển được các tay súng tới từ Trung Quốc. Nhưng vì sao Trung Quốc vẫn đứng ngoài cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu?


Gần đây liên tục xảy ra các cuộc tấn công do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện ở Trung Quốc.

Gần đây liên tục xảy ra các cuộc tấn công do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện ở Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định có rất nhiều lý do đáng để Trung Quốc phải vào cuộc, thay vì vẫn thờ ơ với các cuộc thảo luận chống IS như hiện nay. Nền kinh tế của “người khổng lồ” châu Á phụ thuộc một nửa vào lượng dầu xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư nhiều vào dầu mỏ ở khu vực, thậm chí hơn cả Mỹ và là nhà đầu tư lớn nhất trong ngành dầu lửa ở Iraq.

Hơn nữa, giới chức Trung Quốc đã tăng cường cuộc chiến chống những phần tử ly khai Hồi giáo ngày một lớn mạnh ở tỉnh Tân Cương, miền tây nước này. Ngoài ra, các thủ lĩnh IS còn khoe khoang đã tuyển được các tay súng tới từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho tới nay đóng góp của Trung Quốc trong cuộc chiến quốc tế chống IS chỉ là lời đề nghị mơ hồ về “chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện nhân sự” do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra.

Giới phân tích cho rằng sở dĩ các nhà chức trách Trung Quốc vẫn lường lự, không tham gia tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS, là bởi có rất nhiều lý do, từ không tin tưởng ý định thực sự của Mỹ, tới việc lo sợ sa lầy quá sâu vào mớ hỗn độn ở Trung Đông.

Họ cũng bực dọc khi chính phủ phương Tây nghi ngờ về phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh đối với xung đột sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở Tân Cương. Bắc Kinh cũng quả quyết rằng chỉ có Liên hợp quốc mới có quyền cho phép tiến hành hành động quân sự ở trong một lãnh thổ nhà nước có chủ quyền.

Cũng lần đầu tiên trong tuần này, báo chí nhà nước Trung Quốc liên hệ phiến quân ở Tân Cương với IS. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn một nhân viên chống khủng bố không được nêu tên cho rằng, phiến quân Duy Ngô Nhĩ “muốn mở rộng liên hệ với các nhóm khủng bố quốc tế thông qua chiến trường thực sự, nhằm giành sự ủng hộ cho các hoạt động khủng bố ở Trung Quốc”.

Hồi tháng 7, một kẻ tự xưng là Vua “Nhà nước Hồi giáo”, Abu Bakr al-Baghdadi, khoe khoang rằng công dân Trung Quốc đã đầu quân cho nhóm này và cáo buộc chính phủ Trung Quốc “tra tấn dã man và loại bỏ người Hồi giáo”, ở “Đông Turkestan” – tên gọi mà các nhóm đòi ly khai đặt cho Tân Cương.

Bất đồng về quy kết nhóm khủng bố

Hơn 300 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công ở Tân Cương trong vòng 18 tháng qua và những kẻ khủng bố Duy Ngô Nhĩ đã sát hại 31 người trong vụ tấn công bằng dao hồi tháng 3 năm ngoái ở nhà ga Côn Minh, đông nam Trung Quốc.

Bắc Kinh đã chỉ đích danh thủ phạm là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Giới chức Trung Quốc đã bày tỏ giận dữ khi các chính phủ phương Tây lại không chia sẻ phân tích của họ.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ETIM ra khỏi danh sách các nhóm khủng bố quốc tế do còn nghi ngờ về bản chất và vai trò thực sự của nhóm này. Bên ngoài Trung Quốc, Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới cũng được xem là nhóm nhân quyền thiểu số hòa bình, thúc đẩy cho độc lập của người Duy Ngô Nhĩ.

Bắc Kinh không đồng tình với điều này. “Cuộc chiến chống khủng bố không được có tiêu chuẩn kép”, Li Shaoxian, phó giám đốc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, cơ quan phân tích của lực lượng an ninh cho hay. “Nó phải tôn trọng quyền và mong ước của tất cả các nước liên quan”.

Theo nhà bình luận chính trị độc lập Zhao Chu, cùng lúc chính phủ Trung Quốc cũng không khỏi nghi ngờ ý định của Mỹ và nghi ngờ Washington và đồng minh vẫn đang tìm cách kiềm tỏa Trung Quốc.

Việc Trung Quốc vẫn còn cự nự gia nhập liên minh do Mỹ đứng đầu là “biểu tượng rất rõ ràng cho thấy nghi ngờ của Trung Quốc về mục đích của Mỹ”, ông Zhao nói.

Trong chia sẻ trên blog gần đây, ông Zhao cho rằng Bắc Kinh nên đóng vai trò tích cực hơn để cho thấy “quan tâm của mình đối với trật tự và công bằng thế giới và trao cho lực lượng vũ trang của Trung Quốc cơ hội chiến đấu cùng quân Mỹ và học hỏi từ họ.

Khả năng giới hạn

Giới chức Trung Quốc cũng luôn nói rằng nước này khó có thể giúp được nhiều trong cuộc chiến chống IS bởi “khả năng quốc tế của chúng tôi có giới hạn” - theo như lời ông đại sứ Trung Quốc tại Iran Hua Liming.

Hôm thứ tư vừa qua, Trung Quốc đã bỏ phiếu cùng với các thành viên khác của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, về một nghị quyết, yêu cầu chính phủ các nước “ngăn chặn việc tuyển quân, thành lập, vận chuyển, hỗ trợ trang thiết bị” và hỗ trợ tài chính cho “các tay súng khủng bố nước ngoài”.

Nhưng chiến đấu cơ Trung Quốc không thể xuất kích do nước này không có căn cứ không quân nào gần khu vực và cũng không có tàu sân bay nào đang thực sự hoạt động. Ý tưởng đưa quân tới hỗ trợ quân đội Iraq cũng là điều không thể nghĩ tới.

Viễn cảnh đó “ở xa tưởng tượng”, ông Hua cho biết, bởi Trung Quốc chưa bao giờ đưa quân tới khu vực và bởi ngay cả chính phủ Mỹ cũng loại trừ khả năng đưa bộ binh vào Iraq hay Syria.

Không giống như Nga, chỉ trích các cuộc không kích vào Syria, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tuần này chỉ nhấn mạnh hi vọng hoạt động quân sự không gây thương vong cho thường dân và cho rằng chúng “phải tuân thủ theo mục đích và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”.

“Trung Quốc luôn ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế”, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho hay. “Trung Quốc trước sau như một phản đối tất cả các loại hình khủng bố”.

Song cho tới thời điểm này, tất cả những gì thế giới có thể trông chờ từ Bắc Kinh là những lời nói hoa mỹ.

Vũ Quý
Theo CSM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm