1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Trung Quốc mời Thái Lan tham gia thượng đỉnh BRICS?

(Dân trí) - Việc Trung Quốc không mời nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á Indonesia hay nền kinh tế phát triển nhanh Campuchia mà mời Thái Lan tham gia hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi BRICS đã khiến các chuyên gia đặt câu hỏi vì sao.


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Ảnh: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra từ 3-5/9 tại Hạ Môn, Trung Quốc. Đây là hội nghị để 5 nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi bàn bạc về sách lược phát triển kinh tế trong khối cũng như trong khu vực. Tại Đông Nam Á, Thái Lan đã được lựa chọn làm khách mời cho hội nghị lần này.

Lời mời của Bắc Kinh được gửi đến đúng vào lúc Thái Lan đang trải qua những xáo trộn về chính trị khi cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bỏ trốn ra ngoài ngày trước phiên tòa luận tội ngày 25/8 về chương trình trợ cấp gạo gây tranh cãi do bà ban hành. Sự biến mất của bà là ví dụ điển hình cho những căng thẳng chính trị âm ỉ hàng năm trời trên chính trường Thái Lan. Vậy điều gì đã khiến Trung Quốc vẫn chọn mời Thái Lan tham gia hội nghị BRICS lần này?

Nền kinh tế phát triển bất chấp bất ổn chính trị

Các nhà phân tích cho rằng lời mời của Bắc Kinh giống một sự ưu đãi. Từ trước tới nay, Bangkok duy trì mối quan hệ ngoại giao đa phương “làm bạn với tất cả” và Thái Lan đã phần nào đóng vai trò trung gian trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Một lý do quan trọng là sự vững chắc của Thái Lan trong nền kinh tế toàn cầu.

"Thái Lan có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực", Kiatipong Ariyapruchya, nhà kinh tế học làm việc tại Cơ quan đại diện Ngân hàng Thế giới ở Bangkok cho biết. Mặc dù liên tục rơi vào bất ổn chính trị, "kinh tế Thái Lan không gặp phải bất cứ vấn đề gì quá nghiêm trọng", ông nói.

Theo một thống kê chính thức công bố vào tháng 8, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan đang là nhanh nhất trong 4 năm qua. Ủy ban phát triển Kinh tế và Xã hội nước này đã nâng dự báo tăng GDP lên 3,5 - 4,0% trong cả năm 2017, so với mức 3,2% năm ngoái.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là nhờ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Với nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài, xuất khẩu của Thái Lan trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng 7,8% so với năm 2016, tạo ra doanh thu tới 113 tỷ USD, mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Khách du lịch tắm nắng trên đảo Koh Tao, tỉnh Surat Thani, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Khách du lịch tắm nắng trên đảo Koh Tao, tỉnh Surat Thani, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Kinh tế toàn cầu đang trên đà khởi sắc cũng góp phần đưa khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan nhiều hơn, mang lại doanh thu 26 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 2/3 GDP của nước này, còn du lịch đóng góp 12%. Sự tăng trưởng ấn tượng ở cả hai lĩnh vực đã trở thành chìa khóa cho quá trình phát triển của kinh tế Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan đang tận dụng tốt ảnh hưởng mềm từ sức mạnh kinh tế. "Đất nước này được quản lý tốt hơn các quốc gia Đông Nam Á khác”. Zhang Baohui, chuyên gia các vấn đề quốc tế tại Đại học Lĩnh Nam, Hong Kong cho biết. "Xung đột chính trị nội bộ không làm lệch bánh sự ổn định tổng thể. Đó là lý do giúp họ thu hút được rất nhiều du khách ", ông nói.

Dự án đường sắt "tỷ đô"

Mặc dù vậy, sự bất ổn chính trị cũng gây ra một điểm trừ. Tốc độ tăng trưởng đầu tư của Thái Lan vẫn còn thấp "Các công ty thích duy trì quy mô hiện tại hơn là mở rộng thêm. Điều đó nghĩa là thị trường cần thêm niềm tin", một nhà kinh tế học tại ngân hàng đa quốc gia ở Singapore cho biết.

Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, dù đầu tư nội địa đang chững lại, nhưng các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư 13 tỷ USD ra nước ngoài trong năm 2016. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Thái Lan đối với các nước láng giềng trong khu vực - một lý do khác để Bắc Kinh gửi lời mời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tới hội nghị thượng đỉnh khối BRICS.

Ngoài ra, Thái Lan hiện đang là trung tâm vận tải cho các doanh nghiệp Trung Quốc ở Đông Nam Á, theo chuyên gia kinh tế Bin Huang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn ở Bangkok.

Trung Quốc đang xúc tiến dự án đường sắt cao tốc trị giá hàng tỉ USD kéo dài từ thủ đô Thái Lan đến tỉnh Nong Khai giáp biên giới Lào, tại đây nó sẽ sẽ kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào để tạo thành một mạng lưới kết nối giữa Bangkok và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam. Giai đoạn đầu tiên đã được Thủ tướng Thái Lan Prayuth "bật đèn xanh" và dự kiến ​hai bên ký kết chính thức bên lềi hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này.

"Trung Quốc thực sự đánh giá cao sự giúp đỡ của Thái Lan trong các vấn đề lợi ích quốc gia. Bangkok có một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh", chuyên gia Zhang Baohui nói. Trung Quốc cũng có hợp đồng cung cấp xe tăng, tàu ngầm và trực thăng Thái Lan, ngoài cuộc tập trận chung vào tháng trước giữa lực lượng không quân hai nước.

Đỗ Anh

Theo SCMP