1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Nhật Bản muốn xích lại gần hơn với Đông Nam Á?

Đông Nam Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những lợi ích chiến lược của Nhật Bản trong cả phát triển kinh tế và cân bằng nước lớn. Vì vậy, không khó hiểu khi Tokyo không ngừng xích lại gần hơn với các quốc gia ASEAN.

 
Vì sao Nhật Bản muốn xích lại gần hơn với Đông Nam Á? - 1

Đông Nam Á vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. (Nguồn: Rappler.com)

Lợi ích kinh tế là ưu tiên

Đông Nam Á đóng vai trò rất quan trọng đối với Nhật Bản. 42% thương mại hàng hải của Nhật Bản và 80% lượng dầu nhập khẩu của nước này đi qua Biển Đông. Hơn nữa, trong bối cảnh Nhật Bản bị cô lập tương đối tại Đông Bắc Á do những mâu thuẫn lịch sử kéo dài với Trung Quốc và hai miền Triều Tiên, Đông Nam Á là lựa chọn ngoại giao thay thế của Tokyo.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản ngày càng tham dự sâu vào Đông Nam Á.

Về an ninh, Nhật Bản đã cách tiếp cận khá tinh tế trong việc hợp tác với ASEAN. Cụ thể, nước này đang hợp tác năng lực quốc phòng cùng các quốc gia thành viên ASEAN thông qua các chương trình huấn luyện và diễn tập chung, nâng cao khả năng của các lực lượng quân đội ASEAN trong việc gìn giữ hòa bình và cứu trợ thiên tai.

Nhật Bản cũng đã chuyển giao các trang thiết bị quân sự hải quân, như các tàu tuần tra, cho các nước ASEAN. Hơn nữa, để tăng cường lòng tin với quân đội các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản đã tham gia vào các cuộc đối thoại quân sự cấp cao.

Sự can dự kinh tế của Nhật Bản trong khu vực cũng rất mạnh mẽ. Năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản tại ASEAN lên tới gần 30 tỷ USD, chiếm gần 56% tổng vốn FDI của Nhật Bản tại châu Á.

Đất nước Mặt trời mọc cũng tích cực thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ với ASEAN theo những cách khác. Trong vòng 6 năm, từ năm 2002-2008, Nhật Bản đã phê chuẩn các thỏa thuận hợp tác kinh tế với tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Nhật Bản cũng ủng hộ tăng cường hội nhập kinh tế của ASEAN thông qua hợp tác trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Đông-Tây, Hành lang Kinh tế phía Nam (với các quốc gia lục địa của ASEAN) và Hành lang Kinh tế ASEAN.

Những hoạt động kinh tế này đã giúp tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Nam Á và chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Hơn nữa, sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với sự liên kết khu vực ngày càng tăng đã giúp Đông Nam Á trở nên mạnh mẽ hơn về kinh tế, qua đó giảm sự phụ thuộc kinh tế của khu vực vào Trung Quốc.

 

Nhân tố Mỹ, Trung Quốc

Sự can dự ngày càng tăng của Nhật Bản tại Đông Nam Á là kết quả tổng hợp của hai yếu tố.

Thứ nhất, Tokyo nghi ngờ về sự cam kết của Washington đối với liên minh Mỹ-Nhật. Thứ hai, Nhật Bản vẫn tồn tại sự nghi kỵ lịch sử tại Đông Bắc Á. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã mang đến sự không chắc chắn cho liên minh Mỹ -Nhật. Hơn nữa, tranh cãi lịch sử với Trung Quốc và hai miền Triều Tiên đã tiếp tục làm xáo trộn các nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản.

Không giống như Đông Bắc Á, Đông Nam Á mang đến các lựa chọn ngoại giao cho Nhật Bản. Do hầu hết giao thương hàng hải của Nhật Bản đi qua Đông Nam Á, Nhật Bản phải can dự nhiều hơn trong khu vực nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Với sự hiện diện ngày càng tăng của Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á cũng đã thể hiện sự hoan nghênh các nỗ lực hợp tác của Tokyo như một biện pháp làm giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn cần giữ tinh tế trong cách tiếp cận với Đông Nam Á.

Trong một cuộc thăm dò dư luận năm 2019, có tới 93% công chúng ASEAN coi Nhật Bản như là người bạn và 87% cho rằng vai trò của Nhật Bản rất quan trọng đối với khu vực. Với những khía cạnh tích cực này, quan hệ Nhật Bản - ASEAN sẽ tiếp tục phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường hợp tác song phương trong tương lai gần.

Theo Thu Hiền

Thế giới & Việt Nam