1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ muốn hợp tác quân sự với Đông Nam Á?

(Dân trí) - Khu vực Đông Nam Á có vai trò rất quan trọng đối với Mỹ nhìn từ góc độ quân sự bởi nhiều lý do như vị trí chiến lược của khu vực này, tầm quan trọng của nó như là một đối trọng với Trung Quốc và số dân theo đạo Hồi rất lớn - điều làm cho khu vực trở thành mặt trận quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Điều đó giải thích việc Mỹ xây dựng quan hệ gần gũi về mặt quân sự với Thái Lan, Philippines và Singapore (2 trong số 3 nước này đã được nhận quy chế đồng minh ngoài NATO của Mỹ). Mỹ cũng giữ quan hệ với Malaysia và bắt đầu xây dựng lại quan hệ với Indonesia sau nhiều năm sao lãng vì lý do chính trị.

 

Đông Nam Á đã từng là nơi có sự hiện diện của quân đội Mỹ, nhưng do những sức ép từ cả trong và ngoài nước khiến Mỹ buộc phải rút đi, và không giấu giếm ý định quay trở lại. Hợp tác quân sự giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á khá đa dạng, từ đào tạo binh lính tới cung cấp trang thiết bị vận tải, tập trận hay hỗ trợ những hoạt động lớn như cứu trợ nạn nhân sóng thần năm 2004.

 

Quân đội Mỹ đã từng tham gia tích cực vào việc cứu trợ nạn nhân sóng thần, qua đó nhằm thể hiện hình ảnh tích cực về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực và xoa dịu tâm lý lo ngại và đề phòng từ các nước ở cả trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh ở Iraq đã làm xấu đi hình ảnh quân sự của Mỹ trong khu vực. Cuộc chiến tranh do Mỹ cầm đầu bị phản đối rộng rãi ở Đông Nam Á có tác động rất tiêu cực đến hình ảnh quân sự của Mỹ trong khu vực. Các quốc gia có đông dân số theo đạo Hồi như Indonesia và Malaysia đã tức giận khi thấy Mỹ - nước đang yêu cầu họ phải bảo vệ nhân quyền và thực hành dân chủ và khoan dung - lại tiến hành một cuộc xâm lược trái phép một quốc gia theo đạo Hồi.

 

Một trong những mục đích hàng đầu của Mỹ trong việc tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á là tạo một vành đai an toàn, ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc xuống phía Nam. Điều này cũng bắt nguồn từ những lo ngại mang tính lịch sử của một số quốc gia trong khu vực đối với sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Hơn nữa, những tranh chấp giữa các nước này với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông cũng có xu hướng đẩy các nước này ngả về phía Mỹ nhằm tìm kiếm một đối trọng đủ lớn.

 

Tuy nhiên, những động thái của Bắc Kinh thời gian qua đã cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ mình là một quốc gia có trách nhiệm đối với sự phát triển và thịnh vượng của khu vực. Thái độ của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 cũng như vai trò của Bắc Kinh trong cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên đã chứng minh điều đó. Ngoài ra, nền kinh tế 1,3 tỷ dân của Trung Quốc lại có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư Đông Nam Á.

 

Chính vì vậy, sự xích lại gần về mặt quân sự của Mỹ đối với khu vực sẽ khiến các nước này giữ thái độ thận trọng. Trước hết, nó sẽ khiến cho Trung Quốc cảm giác rằng họ đang bị bao vây từ phía Nam, và do đó sẽ phải có những chính sách mang tính phòng ngừa. Bên cạnh đó, một sự hiện diện về quân sự của Mỹ sẽ giống như một “bóng ma” đe doạ tới an ninh của khu vực một khi vẫn có những báo cáo bày tỏ sự không hài lòng của Mỹ đối với cái gọi là “tiến bộ về dân chủ nhân quyền” ở khu vực. Sẽ khó có khả năng Mỹ theo đuổi một hành động phiêu lưu ở Đông Nam Á, nhưng việc lợi dụng vấn đề hợp tác quân sự để gây sức ép trên một số vấn đề khác là khó tránh khỏi.

 

Đại Dương