Vì sao một lãnh đạo Hàn Quốc bị rạch mặt?
Bà Park Guen Hye, chủ tịch đảng đối lập lớn nhất ở Hàn Quốc, đảng Đại Dân tộc (GNP) hôm 20/5 đã bất ngờ bị rạch mặt khi đang tranh cử tại Seoul. Cảnh sát đang điều tra nguyên nhân của sự kiện gây chấn động dư luận Hàn Quốc này.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trường 60 năm của Hàn Quốc, lãnh đạo đảng đối lập GNP bị tấn công giữa thanh thiên bạch nhật và ở ngay trung tâm thủ đô Seoul.
Theo cảnh sát, Ji, 50 tuổi, kẻ dùng dao rạch mặt bà Park Guen Hye, sau khi bị bắt đã khai rằng do nhiều lần phải vào tù nên sinh ra bất mãn và căm thù xã hội, y đã chọn cách rạch mặt bà Park để giải tỏa sự bất mãn của mình.
Cảnh sát lúc đầu khẳng định Ji bị say rượu, nhưng sau đó lại nói Ji không uống rượu trước khi hành động, còn bà Park Guen Hye đã phải khâu tới 60 mũi ở mặt và nằm viện khoảng 2 tuần. Sự kiện này đã gây chấn động khắp Hàn Quốc.
Bị bắt hôm đó cùng lúc với Ji còn có một người đàn ông khác tên là Park cũng có hành động tấn công bà Park Guen Hye, nhưng cảnh sát nói hành vi của 2 kẻ này chỉ là sự trùng hợp tình cờ chứ không phải âm mưu từ trước.
Hai người này có nơi sinh và nơi ở khác nhau, nghề nghiệp khác nhau nên ít có khả năng họ quen biết nhau trước, đương nhiên đó chỉ là sự phỏng đoán. Cảnh sát không công bố thông tin chi tiết về hai kẻ này.
Do những người ủng hộ bà Park nghi ngờ quá trình điều tra vụ việc của cảnh sát nên hôm 21, Sở Cảnh sát Seoul đã đồng ý để phía GNP cử 8 đại biểu chia làm 4 nhóm cùng tham gia quá trình thẩm vấn từ nay về sau.
Được biết, ngay tối hôm xảy ra vụ việc, những người ủng hộ bà Park Guen Hye đã bao vây đồn cảnh sát đòi phải triệt để điều tra về chân tướng kẻ đứng đằng sau giật dây thủ phạm vụ hành thích và đã xảy ra xung đột giữa họ với cảnh sát.
Vụ hành thích được phát đi phát lại trên truyền hình đã gây kinh động lớn. Vụ tấn công nữ chủ tịch GNP khiến nhiều người nhớ lại tình hình hỗn loạn tại Seoul những năm 1940, khi các vụ khủng bố diễn ra lan tràn trong lúc phe tả và phe hữu xung đột với nhau về hệ tư tưởng.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc và đảng Uri cầm quyền cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tiến công. “Trong thời gian bầu cử ở một quốc gia dân chủ, trong bất cứ tình huống nào cũng không dung thứ hành vi bạo lực hay khủng bố,” Tổng thống Roh Moo Hyun nói.
Ông chủ tịch đảng Uri cầm quyền cũng kêu gọi điều tra và trừng trị hung thủ. Tên Ji ngày 15/12/2005 cũng đã tấn công một nghị sĩ GNP tại đúng nơi y ra tay với bà Park, tuy nhiên khi đó vị nghị sĩ đã xin tha cho y nên Ji chỉ bị cảnh sát thẩm vấn qua loa rồi thả.
Đằng sau việc xảy ra vụ hành thích, dư luận Hàn Quốc đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu kẻ hành thích có thật sự hành động vì “hận thù xã hội”? Và liệu bản thân bà Park Guen Hye thực thi “khổ nhục kế” để đạt được mục đích chính trị mà lẽ thường không thể đạt được?.
Trong khi đó, hai kẻ hành hung cùng lúc ra tay liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu đó là một âm mưu được sắp đặt từ trước thì vụ án sẽ rất phức tạp vì nó đúng như điều mà đảng GNP tố cáo, là “có âm mưu từ trước” và “được người khác điều khiển”.
Nhóm điều tra cũng cho rằng không có nhiều khả năng có thế lực biên ngoài tiếp tay cho Ji sau khi phân tích nội dung tài khoản ngân hàng và các cuộc gọi điện thoại của Ji.
Điều bất ngờ là sau khi xảy ra vụ hành thích bà Park, tỷ lệ ủng hộ GNP đã tăng từ 45,4% lên 48%. Trong khi đó, kết quả thăm dò của Korea Gallup cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với đảng cầm quyền Uri lại giảm từ 20% xuống còn 18,9%.
Hàn Quốc dự định tổ chức bầu cử địa phương vào ngày 31/8, dịp này sẽ bầu thị trưởng, tỉnh trưởng, các nghị viên hội đồng địa phương và hoạt động tranh cử đã chính thức bắt đầu.
Bà Park Guen Hye, 54 tuổi, là con gái cố Tổng thống Park Chung Hee. Mẹ của bà Park là Yook Young Soo, bị bắn chết năm 1974, 5 năm sau, đến lượt cha bà bị Cục trưởng tình báo Hàn Quốc lúc đó ám sát.
Theo Thu Hoa
Tiền phong