Vì sao dì ruột của Kim Jong Un lộ diện?
Ông Ri Gang và bà Ko Yong Suk đã bước ra khỏi vỏ bọc vô cùng kín đáo trên đất Mỹ sau gần 20 năm, để xua đi những chỉ trích từ Hàn Quốc mà họ cho là "dối trá" về họ, cùng với đại gia đình tại Triều Tiên.
Bà Ko Yong Suk là dì ruột của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Sự việc bà Ko Yong Suk và chồng bất ngờ lên tiếng đã làm sáng tỏ nhiều thông tin kỳ bí quanh lãnh đạo trẻ Triều Tiên, và thu hút sự chú ý của dư luận.
Trên thực tế, dù có cuộc sống rất ẩn dật tại Mỹ, ông Ri và bà Ko hầu như vẫn giữ liên lạc với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). CIA đã giúp hai người qua Mỹ sinh sống. Đôi khi, các nhân viên của CIA vẫn ghé qua nhà ông Ri và bà Ko, cho họ xem các bức ảnh để nhận diện một số người ở Triều Tiên.
Ông Ri và bà Ko chỉ lộ diện sau một vụ kiện tụng, mà nhờ đó tờ Washington Post có dịp tiếp cận với cặp vợ chồng này.
Năm ngoái, ông Ri và bà Ko đã khởi kiện ba nhân vật từng giữ vị trí cấp cao tại Triều Tiên, và đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Ba người này đã lên sóng truyền hình Hàn Quốc, cáo buộc ông Ri và bà Ko với nhiều thông tin "thất thiệt" - như cặp vợ chồng đã phẫu thuật thẩm mỹ ra sao, hay đánh cắp hàng triệu USD trong chính quyền Triều Tiên như thế nào.
Ông Ri và bà Ko đã thuê luật sư nổi tiếng Kang Yong-seok để tiến hành vụ kiện liên quan tới những cáo buộc này, nhưng vụ việc đã bị bác bỏ. Luật sư Kang chính là người đã dàn xếp để tờ Washington Post gặp vợ chồng Ri và Ko, thực hiện phần lớn các buổi phỏng vấn tại New York.
Ngay sau khi nhận được thông tin của luật sư Kang, phóng viên tờ Washington Post đã gặp cặp vợ chồng này tại New York để viết bài. Dù hai người công khai danh tính, nhưng hình ảnh trực diện của họ vẫn được giữ kín. Phóng viên tờ báo sau đó cũng tới cửa hiệu giặt khô của ông Ri và bà Ko, cùng theo dõi các bản tin về việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Cách đây gần 2 thập kỷ, gia đình ông Ri và bà Ko rời Triều Tiên tới Thụy Sĩ, với nhiệm vụ trông nom một số con em trong gia đình lãnh đạo đang theo học tại Thụy Sĩ, trong đó có nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Một ngày năm 1998, ông Ri và bà Ko cùng ba con đã bắt taxi đến sứ quán Mỹ tại Bern. Họ nói rằng, họ là các nhà ngoại giao của Triều Tiên, và muốn tị nạn. Sau vài ngày, họ được đưa tới căn cứ quân sự của Mỹ gần Frankfurt, Đức.
Họ sống trong một ngôi nhà trong căn cứ vài tháng, và bị thẩm vấn trong suốt thời gian này. Sau đó, vợ chồng họ đã tiết lộ các mối quan hệ trong gia đình.
Chính phủ Mỹ đã không tiết lộ gì với đồng minh Hàn Quốc, rằng họ có trong tay bà Ko và ông Ri. Chỉ đến khi hai người này đặt chân lên đất Mỹ, thông tin này mới được tiết lộ, và dường như điều này đã khiến Seoul rất tức giận.
Trong khi phải chật vật để kiếm được thông tin đáng tin cậy về những nhân vật trong nội bộ chính quyền Triều Tiên, thì với các cơ quan tình báo Mỹ, việc tìm thấy những người đào tẩu không khác gì "trúng số".
Tuy nhiên, ông Ri nói họ không biết gì nhiều. “Họ (tình báo Mỹ) nghĩ chúng tôi biết được bí mật gì đó, nhưng chúng tôi lại không biết gì cả. Chúng tôi chỉ trông chừng lũ trẻ và kèm chúng học, do đó chúng tôi thấy nhiều khía cạnh đời sống cá nhân của chúng, nhưng không liên quan gì tới bên quốc phòng. Chúng tôi cũng chẳng biết gì về bí mật hạt nhân hay quân sự” – ông Ri nói.
Khi mới tới Mỹ, vợ chồng ông sống vài ngày ở Washington, không xa Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Sau đó, họ chuyển sang một thành phố nhỏ và nhận được sự giúp đỡ của một nhà thờ của người Hàn Quốc. Do bị hỏi quá nhiều về gốc gác Triều Tiên, họ lại quyết định chuyển tới một thành phố khác, nơi rất ít người châu Á sinh sống.
“Ban đầu cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi không có họ hàng thân thích, và phải làm việc 12 giờ một ngày” – ông Ri nói. Ông làm công nhân xây dựng, rồi sau đó làm bảo dưỡng căn hộ.
Công việc này khá thuận lợi cho những người không thể nói tiếng Anh như ông Ri. Còn bà Ko làm công việc giặt khô, vì bà không thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Hai người đã mở được một cửa hiệu nhỏ, sống yên ổn cùng với ba người con thành đạt.
Lê Thu
Vietnamnet