1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao các đồng minh do dự điều tàu chiến tới hỗ trợ Ukraine?

(Dân trí) - Bất chấp lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các nước NATO đến nay vẫn không có dấu hiệu sẽ điều tàu chiến tới vùng biển Azov để giúp Kiev đối trọng với Nga sau vụ bắt giữ tàu và thủy thủ ở eo biển Kerch.


Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ (Ảnh: US Navy)

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ (Ảnh: US Navy)

Trả lời phỏng vấn nhật báo Bild của Đức hồi đầu tuần này sau vụ Nga bắt các tàu và thủy thủ Ukraine ở eo biển Kerch, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hối thúc các đồng minh và đối tác, trong đó có NATO, hỗ trợ quân sự cho Kiev.

"Chúng tôi hy vọng các nước NATO sẵn sàng điều động các tàu hải quân đến biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp an ninh", ông Poroshenko nói.

NATO đã ngay lập tức lên tiếng bênh vực Ukraine ngay sau vụ việc Nga bắt giữ các tàu và thủy thủ ở eo biển Kerch. “Nga đã sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Ukraine một cách công khai và trực tiếp. Tất cả đồng minh NATO đều bày tỏ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một phiên họp khẩn của NATO.

Tuy vậy, đến nay, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ triển khai các tàu quân sự tới vùng biển cũng thuộc quyền kiểm soát của Nga.

Trang tin Stars and Stripes dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, NATO dường như sẽ không đồng ý triển khai tàu đến biển Azov. Azov là vùng biển kiểm soát chung giữa Nga và Ukraine, nhưng Nga cũng kiểm soát eo biển Kerch, cửa ngõ vào biển Azov. Điều này đồng nghĩa với việc, triển khai hạm đội để phô diễn sức mạnh ở đây có thể khiến căng thẳng leo thang. Căng thẳng leo thang ở biển Azov có thể sẽ làm cản trở hoạt động lưu thông của các tàu quân sự NATO qua eo biển Kerch.

Ngoài ra, vùng biển Azov cũng có hạn chế nhất định đối với việc triển khai các tàu chiến cỡ lớn như tàu khu trục, tàu sân bay bởi vùng nước quá nông.

Đến nay, mới chỉ có Hải quân Anh có ý định điều tàu khảo sát HMS Echo đến Biển Đen theo đề nghị của Ukraine trước khi căng thẳng với Nga nổ ra hôm 25/11. Đô đốc về hưu của Hải quân Anh, Alan West, cho rằng thay vì điều tàu khảo sát đến đây, quân đội Anh nên triển khai 1 trong 6 tàu khu trục Type 45 (lớp Daring) hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, cựu Đô đốc này cũng cảnh báo, NATO cần hành động thận trọng. "Người Nga luôn dè chừng NATO. Do đó, chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ về việc triển khai các lực lượng gần Nga. Một lực lượng hải quân lớn có thể được coi là khiêu khích, nhưng chúng ta có thể triển khai một số lượng tàu hạn chế để đảm bảo tự do hàng hải", ông West nói.

Stars and Stripes nhận định, mặc dù không có ý định triển khai tàu chiến ở biển Azov theo đề nghị của Ukraine, nhưng hải quân Mỹ và NATO vẫn định kỳ tiến hành các chuyến tuần tra ở Biển Đen và có thể tăng cường hoạt động này. Các dữ liệu giám sát hàng không cũng cho thấy, các máy bay trinh sát của Mỹ thường xuyên xuất hiện ở Biển Đen và xung quanh eo biển Kerch.

Biển Azov trở thành điểm nóng căng thẳng giữa Nga và Ukraine những ngày gần đây sau vụ lực lượng tuần duyên Nga nổ súng bắt giữ 3 tàu hải quân và 24 thủy thủ Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga ở eo biển Kerch.

Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) nói rằng, các tàu hải quân Ukraine đã nhận mật lệnh vượt qua eo biển Kerch do Nga kiểm soát để đến cảng Mariupol của Ukraine ở biển Azov. Moscow tuyên bố sẽ giam giữ các thủy thủ trong vòng 2 tháng để chờ xét xử bất chấp Kiev yêu cầu Moscow thả người ngay lập tức và kêu gọi sự hỗ trợ của đối tác, đồng minh.

Minh Phương

Theo Stars&Stripes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm