1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vi khuẩn chết người ở châu Âu là chủng mới, đặc biệt nguy hiểm

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua xác nhận đợt bùng phát vi khuẩn E.coli ở châu Âu khiến 18 người thiệt mạng là do một dòng vi khuẩn mới chưa từng thấy trước đây và chủng mới này đặc biệt nguy hiểm.

 
Vi khuẩn chết người ở châu Âu là chủng mới, đặc biệt nguy hiểm - 1
Trên toàn châu Âu, các nhà sản xuất dưa chuột đã bị thiệt hại gần 1,5 triệu euro.

WHO cho biết các kiểm tra ban đầu tại nơi bùng phát cho thấy đây là chủng lai tạp giữa hai loại khuẩn E.coli. Ông Hilde Kruse, một chuyên gia về an toàn thực phẩm của WHO, cho biết dòng vi khuẩn mới có nhiều đặc điểm khiến nó độc hơn và phát sinh ra độc tố.

Chất độc mà vi khuẩn này tạo ra có thể đi vào trong máu, gây ra bệnh thận, mặc dù mọi người đa phần sẽ qua khỏi được.

18 người chết và hơn 1.500 người tại 9 nước châu Âu đã phát bệnh vì vi khuẩn lây lan nhanh chóng. Riêng tại nước Đức đã có 16 ca tử vong và hàng trăm ca bệnh. Giới chức y tế chưa tìm ra nguyên nhân hay nguồn gốc của dịch.

Cùng ngày hôm qua, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) một lần nữa đã khẳng định loại khuẩn đã gây ra dịch tiêu chảy là một chủng thuộc loại hiếm của vi khuẩn Escherichia coli: chủng 0104:H4. Cho đến nay, chỉ mới phát hiện được một trường hợp, liên quan đến một phụ nữ Triều Tiên vào năm 2005.

Ngay cả khi biết đích xác về loại khuẩn gây chết người này, người ta vẫn chưa rõ nó xuất phát từ đâu. Theo các quan chức Đức, có thể người ta sẽ không bao giờ tìm ra nguồn gốc của đợt bùng phát lần này.

Nạn dịch này đang làm cho người tiêu dùng châu Âu lo sợ, nhiều nước cấm nhập dưa chuột, khiến ngành sản xuất rau quả châu Âu đang bị đe dọa nặng nề. Trên toàn châu Âu, các nhà sản xuất dưa chuột đã bị thiệt hại gần 1,5 triệu euro và lượng tiêu thụ các loại rau quả tươi đều bị sụt giảm nặng nề.

Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất hôm qua đã cấm nhập khẩu dưa chuột từ Tây Ban Nha, Đức, Đan Mạch và Hà Lan. Các loại rau quả khác vẫn được nhập với điều kiện phải có giấy chứng nhận không nhiễm khuẩn E.coli. Cũng trong hôm qua, Nga cấm nhập khẩu tất cả các loại rau quả tươi từ châu Âu.

Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu nhận định, thiệt hại của các nhà nông châu lục này là khổng lồ, và nêu ra các hướng giúp đỡ, từ trợ cấp chính phủ cho đến mua lại sản phẩm.

Ban đầu, Đức tố cáo dưa chuột từ Tây Ban Nha có thể là nguồn lây nhiễm vi khuẩn, nhưng các cuộc thử nghiệm cho thấy dưa chuột của Tây Ban Nha không phải là nguyên nhân gây ra dịch này.

Tây Ban Nha, nước xuất khẩu rau quả lớn nhất châu Âu, dọa sẽ kiện chính quyền Hambourg, Đức vì đã nghi oan dưa chuột nước này là nguyên nhân gây bệnh. Bồ Đào Nha cho biết sẽ đòi Ủy ban Châu Âu bồi thường thiệt hại.

Các quan chức tại Đức còn nói có một số bằng chứng cho thấy tỉ lệ lây nhiễm đã giảm, trong khi việc lây nhiễm giữa người với người ít khi xảy ra. Các biện pháp vệ sinh đơn giản, như rửa sạch rau quả, rửa tay kỹ sau khi chuẩn bị thức ăn, vẫn là cách tốt nhất để giảm rủi ro lây nhiễm.

Nhật Mai
Theo BBC, AP