1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vén màn bí mật chuyện Châu Âu giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự

Nếu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phải tham gia chiến tranh ngay trong ngày mai, họ sẽ mang ra chiến trường một kho vũ khí với đầy thiết bị phần cứng mua từ các đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Đức, Pháp và Anh.

“Vỏ” Trung Quốc, “thịt” châu Âu

Dưới biển, phần lớn các tàu chiến đấu hiện đại nhất của Trung Quốc hiện đang chạy bằng động cơ diesel do Đức và Pháp chế tạo. Các khu trục hạm của Trung Quốc được trang bị sonar (rađa âm), trực thăng chống tàu ngầm và tên lửa hải đối không của Pháp.

Trên không là các máy bay tiêm kích và cường kích của PLA dùng động cơ do Anh sản xuất. Chiếc máy bay có chức năng giám sát bầu trời mới nhất của Trung Quốc được lắp các rađa cảnh báo sớm của Anh. Một số trực thăng tấn công và vận tải tốt nhất của Trung Quốc lại dựa vào các bản thiết kế của Eurocopter, công ty con của tập đoàn quốc phòng châu Âu EADS.

Nhưng phần cứng mang tính chiến lược nhất do Trung Quốc kiếm được từ châu Âu lại nằm dưới làn nước biển: Các động cơ diesel tàu ngầm sử dụng kỹ thuật của Đức.

Mô phỏng sự trỗi dậy của các nước lớn trong thế kỷ trước như Đức, Nhật Bản và Liên Xô (cũ), Trung Quốc hiện đang xây dựng một hạm đội tàu ngầm mạnh, gồm các tàu ngầm loại Tống và Nguyên. Trái tim của những con tàu này là các động cơ diesel hiện đại bậc nhất do công ty MTU Friedrichshafen GmbH ở Friedrichshafen, Đức, thiết kế. Ngoài 12 tàu ngầm loại Kilo rất hiện đại, nhập khẩu từ Nga, 21 tàu ngầm sử dụng động cơ Đức này là những con ngựa thồ của lực lượng tàu ngầm quy ước hiện có trong trang bị của Trung Quốc.

Với việc Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng quanh các vùng biển đang tranh chấp của nước này ở Biển Đông và biển Hoa Đông, các tàu ngầm trên sẽ có thể là mối đe dọa lớn nhất với các tàu của Mỹ và Nhật Bản. Điều đáng chú ý là sức mạnh tàu ngầm chết người của Trung Quốc lại được xây dựng quanh công nghệ động cơ đáng tin cậy nhập từ Đức, một thành viên nòng cốt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ lãnh đạo.

Thị trường quân sự béo bở

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng thông tin về việc PLA lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài là không đúng. “Theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng tham gia vào hoạt động liên lạc và hợp tác với một số nước trong lĩnh vực phát triển vũ khí” - bộ này nói trong một thông báo trả lời loạt bài điều tra của Reuters - “Một số người đã chính trị hóa hoạt động hợp tác thương mại bình thường của Trung Quốc với các nước bên ngoài, bôi nhọ danh tiếng của chúng tôi”.

Vén màn bí mật chuyện Châu Âu giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự

  Man.jpg  Tàu ngầm loại Tống của Trung Quốc hiện đang dùng động cơ MTU thuộc hàng hiện đại nhất thế giới, do Đức cung cấp.

Thực tế hoạt động chuyển giao công nghệ châu Âu sang cho quân đội Trung Quốc đã được ghi rõ trong dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), các con số chính thức về hoạt động buôn bán vũ khí của châu Âu và thông số kỹ thuật được báo cáo trong các tờ báo, tài liệu quân sự của Trung Quốc.

Các hoạt động chuyển giao công nghệ đó đóng vai trò quan trọng cốt yếu với PLA, khi lực lượng này xây dựng sức mạnh để hỗ trợ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở những vùng biển đang gây tranh chấp, bên cạnh việc thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ và đồng minh tại châu Á.

Trung Quốc giờ có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, và có thị trường quân sự tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Rất nhiều nhà thầu quốc phòng thế giới, bao gồm các công ty châu Âu, đã không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn từ nơi đây.

Một số nhà phân tích quân sự hiện bày tỏ sự nghi ngờ về chất lượng vũ khí của Trung Quốc. Họ nói rằng các động cơ và công nghệ mà PLA nhận về từ châu Âu và Nga không thể sánh với các công nghệ mới nhất mà Mỹ và các đồng minh ở châu Á đang sử dụng. Việc này khiến PLA tụt lại phía sau và gặp khó khăn trong việc tích hợp nhiều công nghệ từ nhiều nhà cung cấp vào hệ thống vũ khí của mình.

Tuy nhiên, số khác cho rằng Trung Quốc không cần phải đạt trình độ ngang bằng với tất cả các loại vũ khí phức tạp mà Mỹ và đồng minh đang sử dụng. “Tại thời điểm nào thì vũ khí Trung Quốc đủ tốt?” - Kevin Pollpeter, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc ở Viện nghiên cứu xung đột và hợp tác toàn cầu thuộc Đại học California nhận xét - “Nếu họ có một lượng đủ các hệ thống vũ khí với chất lượng đạt yêu cầu, ngày đó sẽ thành hiện thực”. Và như thế, ngay cả khi không có trong tay các trang bị tốt nhất, Bắc Kinh vẫn có thể đạt được mục tiêu chiến lược là hạn chế lớn sức mạnh của Mỹ, nhờ sự giúp đỡ của... châu Âu.

Lệnh cấm vận lỏng lẻo

Những gì đang diễn ra đã khiến giới quan sát không khỏi ngạc nhiên. Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai lệnh cấm vận vũ khí chính thức với Trung Quốc kể từ năm 1989. Washington còn triển khai việc hạn chế chặt hơn thế hoạt động chuyển giao các công nghệ Mỹ sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận của châu Âu thực tế lại rất lỏng lẻo và các chính quyền cũng không mạnh tay trong việc thực thi nó. Vì thế vũ khí và quan trọng hơn là các công nghệ lưỡng dụng (dùng được cả trong dân sự lẫn quân sự) đã đều đặn chảy từ các đồng minh của Mỹ tới Trung Quốc.

Các nhà sản xuất vũ khí châu Âu đã được cấp phép xuất khẩu vũ khí trị giá gần 3 tỉ euro (4,1 tỉ USD) tới cho Trung Quốc trong vòng 10 năm, tính tới năm 2011. Số liệu trên có nguồn gốc từ tổ chức Vận động chống buôn bán vũ khí tổng hợp. Michael Mann, một quan chức EU, nói rằng lệnh cấm vận 1989 không có liên quan tới các loại hàng lưỡng dụng. Chính quyền từng nước trong EU sẽ phải tự xử lý với hàng lưỡng dụng.

Từ quan điểm của Trung Quốc, Anh và Pháp là những nước hào phóng nhất trong việc định nghĩa lệnh cấm vận vũ khí của EU. Hai nước này chỉ ngăn chặn việc xuất khẩu các thiết bị có khả năng giết người hoặc hệ thống vũ khí hoàn chỉnh.

Theo số liệu chính thức, Pháp hiện là đối tác EU cung cấp thiết bị quân sự lớn nhất cho Trung Quốc, đã cấp phép bán số thiết bị trị giá 2 tỉ USD. Anh đứng thứ 2 với gần 600 triệu euro, theo sau là Italia với 161 triệu euro. Nhưng giá trị thực sự của số vũ khí được chuyển vào Trung Quốc rất khó xác định, bởi một số nước, gồm Anh và Đức, không công bố đầy đủ các số liệu này.

Tại Đức, tổng giá trị cấp phép xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc chỉ dừng ở mức khiêm tốn là 32 triệu euro trong một thập kỷ dẫn tới năm 2011. Tuy nhiên, các con số thống kê buôn bán vũ khí của EU không bao gồm các công nghệ lưỡng dụng, vốn trong nhiều trường hợp có thể bán thoải mái mà không cần xin giấy phép.

Các ví dụ rõ nhất về những công nghệ này chính là các loại động cơ diesel. Ngoài ra còn phải kể tới hoạt động chuyển giao các phần mềm thiết kế máy bay thương mại, nhưng hoàn toàn có thể sử dụng để thiết kế máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay không người lái.

Các chuyên gia công nghiệp vũ khí nói rằng hoạt động chuyển giao công nghệ lưỡng dụng rõ ràng mang tới lợi ích lớn hơn cho PLA, thay vì các hệ thống vũ khí hoàn thiện. Nhưng rất khó để tính toán con số chính xác về tổng giá trị công nghệ lưỡng dụng đã được bán cho Trung Quốc. EU hiện thiếu một hệ thống giúp theo dõi các thương vụ chuyển giao công nghệ lưỡng dụng trong dòng chảy khổng lồ hàng hóa, dịch vụ và tải sản trí tuệ vào Trung Quốc. Theo số liệu thống kê thương mại EU, châu Âu đã chuyển lượng hàng trị giá 143,9 tỉ euro vào Trung Quốc trong riêng năm 2012.

Những người phê bình hoạt động buôn bán vũ khí của EU với Trung Quốc nói rằng các nước thành viên đã không phát triển một hệ thống hoàn thiện để khiến lệnh cấm vận có hiệu lực. Họ đánh giá việc này đã phản ánh cấu trúc lỏng lẻo của EU, nơi mỗi nước thành viên có thể tự định nghĩa các giới hạn của lệnh cấm vận chung dựa theo luật pháp, quy định quản lý và chính sách thương mại nội địa.

Vị trí địa lý cũng đóng vai trò quan trọng. Khoảng cách từ châu Á tới châu Âu có nghĩa sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc không khiến châu Âu lo ngại lắm. Với châu Âu, Trung Quốc giống như cơ hội, thay vì mối đe dọa.

Thảm họa dưới đáy biển

Không khó hiểu khi thấy động cơ tàu ngầm đáng tin cậy đang nằm trong danh sách mua sắm hàng đầu của Trung Quốc. Mùa xuân năm 2003, một chiếc tàu ngầm loại Minh của Trung Quốc bị hỏng được phát hiện trong tình trạng trôi dạt và chìm một phần xuống nước ở biển Bohai, phía bắc nước này. Khi con tàu được trục vớt, lực lượng cứu hộ thấy cả 70 thủy thủ đều đã chết. Cái chết của họ chỉ được báo cáo là do “sự cố kỹ thuật”.

Giới chuyên gia, vì thế, chỉ có thể phỏng đoán về việc chuyện gì đã xảy ra trên con tàu ngầm số hiệu 361, một bản sao của Trung Quốc dựa trên thiết kế tàu ngầm lạc hậu của Nga. Phần lớn đều tin rằng con tàu đã gặp sự cố với động cơ diesel. Các động cơ này có thể không ngừng hoạt động khi tàu lặn xuống và nhanh chóng hút hết ôxy khỏi tàu chỉ trong vòng vài phút. Hoặc cũng có thể khí thải của động cơ diesel đã đi vào trong lòng con tàu thay vì ra ngoài. Dù là với giả thuyết nào, thảm kịch kinh hoàng đều đã xảy ra.

Đây là một trong những thảm họa thời bình lớn nhất của Trung Quốc. Sau sự cố, Tư lệnh Hải quân và 3 quan chức cấp cao khác đã bị sa thải. Nhưng khi đó Hải quân PLA đã bắt đầu nhận động cơ diesel từ MTU. Các kỹ sư tại Xưởng đóng tàu Wuchang nằm bên sông Dương Tử đã lắp các trái tim máy này vào con tàu ngầm loại Song, cũng là mẫu tàu đầu tiên được Trung Quốc tự thiết kế và đóng lấy.

Năm 2010, MTU đã mở dự án liên doanh cùng công ty quốc phòng Norinco của Trung Quốc để lắp ráp các động cơ diesel MTU cỡ lớn, tốc độ cao và cả máy phát điện dự phòng tại thành phố Datong ở tỉnh Thiểm Tây. Mục tiêu chính của dự án là giành hợp đồng sản xuất máy phát điện dự phòng cho các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. Tuy nhiên, các động cơ này sau đó đã được lắp vào các tàu ngầm loại Tống và Nguyên của Trung Quốc. Các động cơ MTU 396 SE84 hiện nằm trong nhóm động cơ được sử dụng nhiều nhất trên tàu ngầm. Mỗi con tàu Trung Quốc giờ có 3 động cơ này.

Quân đội Trung Quốc miễn cưỡng thừa nhận vai trò của công nghệ nước ngoài trong các hệ thống vũ khí mới nhất của mình. Nhưng các bài báo trong nhiều tờ tạp chí và trang web hải quân đều nói rằng mối quan hệ giữa MTU và Trung Quốc đã giúp các tàu loại Tống của nước này có động cơ tàu ngầm hiện đại nhất thế giới.

Các động cơ đầu bảng như của MTU thiết kế giúp giảm thiểu rung động và tiếng ồn, qua đó giảm nguy cơ bị rađa âm của đối phương phát hiện. Trong tay đội thủy thủ thiện chiến, chúng sẽ trở nên rất khó phát hiện. Các chuyên gia nói rằng khi sử dụng động cơ điện, chúng còn tạo ra ít tiếng động hơn cả các tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động trong hải quân Mỹ. Sự tĩnh lặng khiến chúng khó bị phát hiện. Và với một khoản đầu tư khá khiêm tốn, một tàu ngầm dùng động cơ diesel và điện có thể đánh chìm một tàu chiến hoặc thậm chí là tàu sân bay đắt tiền hơn nó nhiều lần.

Với các động cơ tĩnh lặng như lời thì thầm, các tàu ngầm thông thường của Trung Quốc, trang bị ngư lôi và tên lửa hiện đại, có thể là mối đe dọa lớn nhất với bất kỳ kẻ địch nào, gồm cả hải quân Mỹ. Các nhà chiến lược của Bắc Kinh đang đặt cược vào lực lượng tàu ngầm ngày càng đông của họ để khiến Mỹ và đồng minh tránh xa khỏi các điểm nóng chiến lược trong tình huống có xung đột, ví dụ như với Đài Loan hoặc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông.

Điều này có nghĩa phương thức tiến hành chiến tranh được ưa thích của Mỹ là đậu các tàu sân bay gần bờ biển đối phương rồi tiến hành không kích quy mô lớn sẽ trở thành hành động vô cùng mạo hiểm, trong bất kỳ cuộc đụng độ nào với Trung Quốc.

PLA gần đây đã cảnh cáo Mỹ bằng cách thể hiện khả năng của các tàu ngầm nước này. Năm 2006, một chiếc tàu ngầm loại Song đã khiến hải quân Mỹ sốc khi nổi lên ở một vị trí chỉ cách tàu sân bay USS Kitty Hawk chưa đầy 8km tại vùng biển Okinawa, hoàn toàn nằm trong tầm phóng ngư lôi của nó. Con tàu Trung Quốc đã không bị phát hiện khi nó theo đuôi tàu sân bay Mỹ và cả dàn tàu hộ tống hùng hậu.
 

Theo Gia Bảo

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm