Vệ sĩ của các nguyên thủ
Họ thường mặc áo vét đen, trông lịch sự nhưng mặt lúc nào cũng lạnh như tiền. Họ ít khi nhìn ai nhưng lại quan sát rõ mọi thứ. Họ phản ứng nhanh như cắt trong những tình huống hiểm nguy. Họ là tấm "áo giáp" của các nguyên thủ.
Trên đường phố, hàng loạt bóng áo đen lướt nhẹ. Ở giữa là chiếc xe đen sì có hệ thống chống đạn hiện đại, bao bọc nó là vài chiếc xe khác, cũng đen sì. Đó là cảnh bảo vệ cho Tổng thống Mỹ G.Bush, người đang đi trên chiếc Cadillac One. Những người tinh nhuệ nhất cũng theo chân ông trong những chuyến công du nước ngoài.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ hiện do Cơ quan mật vụ (USSS) thuộc Bộ An ninh nội địa đảm trách. Vì đảm trách một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần giữ bí mật, trang phục của USSS luôn thay đổi theo tình hình cụ thể, chứ không đơn thuần là áo vét đen và kính đen như những gì chúng ta thường thấy.
Nga cũng có một cơ quan chuyên trách việc bảo vệ cho nguyên thủ, đó là Cơ quan an ninh tổng thống (PSS). Trong nhiều dịp, khi Tổng thống V.Putin đến những khu vực nóng bỏng, người ta thấy nhân viên PSS sử dụng các loại vũ khí rất dữ dằn. Ông Putin là một võ sĩ judo cự phách nên có lẽ tinh thần võ thuật của ông cũng truyền cho các vệ sĩ.
Trong các chuyến công du nước ngoài, ông Putin thường không ngần ngại biểu diễn vài chiêu tâm đắc của mình, các vệ sĩ của ông cũng vậy. Tại Đại hội Kungfu và Karate chuyên nghiệp ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào năm 2005, một vệ sĩ của ông Putin là Sergei đã đăng ký tham gia ở hạng cân 90 kg.
Nhà lãnh đạo M.al-Gaddafi của Lybia thì sử dụng vệ sĩ nữ. Bảo vệ cho ông là đội quân tinh nhuệ gồm những cô gái rất xinh đẹp trong trang phục rằn ri "hầm hố". Afghanistan và Iraq là hai trong số ít quốc gia sử dụng vệ sĩ nước ngoài, do các công ty an ninh cung cấp và đa phần những người này đều từng là nhân viên đặc biệt của Anh, Mỹ.
Nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ nguyên thủ không chỉ đơn thuần là "đi kè kè" bên yếu nhân. Những cơ quan này có một mạng lưới an ninh rộng khắp nhằm theo dõi và triệt tiêu nguy cơ về an ninh nhằm vào nguyên thủ nước mình. Vì công tác an ninh luôn đảm bảo tới mức cao nhất nên ít thấy cảnh vệ sĩ phải ra tay.
Tuy nhiên, trong vụ ám sát tổng thống Mỹ J.F.Kennedy vào năm 1963, người ta đã được thấy màn phản ứng đáng khen ngợi của Clint Hill, người bảo vệ cho đệ nhất phu nhân Kennedy. Khi sát thủ nổ súng, Hill đã lao ra khỏi xe của mình và rượt theo chiếc Limousine chở vợ chồng tổng thống. Anh ta nhảy lên sau xe, đẩy bà Kennedy thụp xuống và ngồi vào ghế. Sau đó, Hill đã che chở cho vợ chồng tổng thống tới bệnh viện.
Là lực lượng bảo vệ yếu nhân, đôi khi các vệ sĩ cũng cần được yếu nhân bảo vệ. Vụ việc xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile vào năm 2004 là một ví dụ. Khi Tổng thống Mỹ Bush đến dự một buổi lễ vào tối thứ bảy (ngày 20/11), cảnh sát Chile đã không cho một người cảnh vệ của ông vào. Người này đã cãi cọ với cảnh sát và tình hình mỗi lúc một thêm trầm trọng. Thấy vậy, ông Bush liền tiến tới, kéo vệ sĩ của mình ra, sửa lại tay áo rồi thản nhiên bước vào phòng.
Theo Thanh niên/BBC, Xinhua