1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Uy lực 3 “chim sắt” được Nga trình làng năm 2017

(Dân trí) - 2017 được xem là một năm đáng nhớ của ngành công nghiệp quốc phòng Nga khi 3 mẫu máy bay được chờ đợi từ lâu lần lượt “trình làng” là MiG-35, Tu-160M2 và A-100.

Cận cảnh siêu máy bay ném bom Tu-160M2 - đối thủ của B1-B Lancer

MiG-35

Máy bay chiến đấu MiG-35 (Ảnh: RBTH)
Máy bay chiến đấu MiG-35 (Ảnh: RBTH)

Máy bay chiến đấu MiG-35 thuộc thế hệ “4++” được xem là “siêu phẩm” lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong năm 2017. Cỗ máy với khả năng linh động cao này được thiết kế để thay thế toàn bộ dòng máy bay chiến đấu MiG-29. Không chỉ thực hiện các sứ mệnh ở Nga, MiG-35 dự kiến sẽ được triển khai hoạt động trên toàn thế giới.

Là dòng máy bay chiến đấu đa năng, tốc độ bay của MiG-35 có thể lên tới 2.700 km/giờ nhờ vào động cơ đẩy được cải tiến. Thiết kế này cho phép phi công thực hiện dễ dàng các thao tác nhào lộn cũng như tăng tốc trong các cuộc chiến trên bầu trời với các máy bay chiến đấu khác.

Ngoài ra, MiG-35 cũng được trang bị nhiều tính năng cải tiến, cho phép máy bay này gần như tàng hình trước radar đối phương. Đặc biệt, MiG-35 được thiết kế để có thể mang thêm nhiều tên lửa và bom hơn so với MiG-29, cho phép MiG-35 có khả năng chiến đấu vượt trội hơn hẳn so với máy bay tiền nhiệm.

“Các hệ thống của MiG-35 được nâng cấp để có thể sử dụng tất cả các loại tên lửa không đối không và không đối đất hiện đại của Nga. Tất cả các tính năng này sẽ được kết hợp để biến MiG-35 trở thành một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới”, Mikhail Belyaev, phi công thử nghiệm hàng đầu của Tập đoàn MiG, cho biết.

Theo ông Belyaev, MiG-35 hiện đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và sẽ chính thức gia nhập Không quân Nga trong vài năm tới.

Tu-160M2

Máy bay ném bom Tu-160M2 (Ảnh: RBTH)
Máy bay ném bom Tu-160M2 (Ảnh: RBTH)

Tu-160M2 là phiên bản “tái sinh” của “Thiên Nga Trắng” - máy bay ném bom chiến lược lớn nhất thế giới thời Liên Xô. Tu-160M2 có thể bay cách mặt đất 18 km, tức gần đến tầng bình lưu của khí quyển Trái đất, do vậy gần như không hệ thống phòng không nào đủ khả năng để bắn hạ cỗ máy uy lực này.

Tu-160M2 sẽ đóng vai trò như phiên bản máy bay ném bom tạm thời cho đến khi Nga chế tạo thành công thế hệ máy bay ném bom tàng hình mới PAK DA, dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu những năm 2030. Tu-160M2 vẫn giữ nguyên thiết kế của các máy bay ném bom thời Liên Xô, song được nâng cấp bằng một số thiết bị hiện đại hơn, bao gồm hệ thống dẫn đường, vũ khí điện tử, công nghệ máy tính và nhiều loại bom cũng như tên lửa mới.

Tu-160M2 được trang bị cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, trong đó có các tên lửa H-101 và H-555 mới kết hợp cùng các tên lửa tầm xa có thể bắn trúng các mục tiêu từ khoảng cách lên tới 2.000 km. Ngoài ra, Tu-160M2 cũng được bổ sung các vũ khí hiện đại như bom chùm, thủy lôi, bom xuyên sắt và xuyên bê tông.

A-100

Radar bay của Nga A-100 (Ảnh: RBTH)
"Radar bay" của Nga A-100 (Ảnh: RBTH)

Năm 2017, Nga cũng chào đón A-100 - máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm thế hệ mới (AWACS).

Hiện tại không nhiều thông tin liên quan tới A-100 được công bố rộng rãi. Máy bay này được cho là thiết kế dựa trên các máy bay vận tải Il-76 của Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, so với các máy bay thế hệ cũ, A-100 được trang bị hệ thống radar và thông tin liên lạc mới nhất với khả năng phát hiện tất cả các lực lượng tàng hình trên không và dưới mặt đất của đối phương. Sau khi dò tìm được các thông tin về mục tiêu, A-100 sẽ gửi các thông tin này tới trung tâm chỉ huy cũng như các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu khác để tiến hành tấn công.

Với mục tiêu thay thế các mẫu máy bay chỉ huy cảnh báo sớm A-50 cũ kỹ của Liên Xô trước đây, A-100 dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào đầu những năm 2020.

Thành Đạt

Theo Russia Beyond